Hàng loạt đô thị phía Tây Hà Nội "khóc thét" vì ngập
Nút giao Thiên Đường Bảo Sơn với Đại lộ Thăng Long tiếp tục xảy ra tình trạng úng ngập nghiêm trọng. Khu đô thị Geleximco-Lê Trọng Tấn của chủ đầu tư Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) lại chìm trong biển nước có đoạn ngập sâu 50-60m.
“Sau những trận ngập lụt từ năm trước nhiều nhà phải mua sẵn máy bơm để hút nước ở tầng hầm sau khi mưa to. Bây giờ không chỉ chuẩn bị sẵn máy bơm không ít gia đình còn phải dự trữ sẵn bao cát trong nhà để mưa thì mang ra “be bờ chống ngập”. Đợt mưa vừa rồi nhà tôi còn không dám để xe ở dưới tầng hầm. Ở khu đô thị mới trong biệt thự triệu đô mà mỗi lần mưa lại sợ ngập thì đúng là cám cảnh” – một cư dân khu đô thị Geleximco cho biết.
Nằm dọc khu vực đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn hàng loạt các dự án, khu đô thị khác cũng lâm vào cảnh “méo mặt” khi có mưa lớn như như: Khu Thiên Đường Bảo Sơn; khu Nam An Khánh với 288ha do Cty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà-SUDICO làm quy hoạch và xây dựng từ năm 2004; Khu Bắc An Khánh với trên 250ha do Liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C làm chủ đầu tư…
Xem chi tiết tại đây.
“Dội cung” BĐS: Lo xa để đỡ… buồn gần
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mối lo “bong bóng” cục bộ còn thể hiện ở giá nhiều dự án không ngừng leo thang. Chẳng hạn, tại một dự án ở quận 9, TP.HCM, đợt mở bán đầu tiên căn hộ chỉ có giá 1,7 tỷ đồng/căn, nhưng sau 4 tháng, qua 6 lần mở bán thì giá căn hộ đã đẩy lên 2,2 tỷ đồng. Hay như ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, một dự án mà chủ đầu tư tiến hành 8 lần mở bán, mỗi lần chỉ bán hơn 100 nền đất, giá đất mỗi lần mở bán lại tăng gấp đôi…
Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng, một nguy cơ nữa có thể làm cho thị trường BĐS lâm vào cảnh bong bóng đó là việc nhiều chủ đầu tư đua nhau đầu tư đón đầu hạ tầng, trong khi các dự án hạ tầng thường có độ trễ thời gian rất lớn khiến chủ đầu tư nào không “trường sức” để nếm mật nằm gai một thời gian dài sẽ gục ngã và tạo hệ lụy cho cả thị trường.
Khi quỹ đất trung tâm thành phố để phát triển các dự án dần cạn kiệt, việc phát triển ra các quận, huyện ngoại thành là đúng. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối tại các quận, huyện này lại chưa phát triển song hành kịp với sự phát triển của thị trường BĐS nên dự án khó có thanh khoản, chủ đầu tư không thể thu hồi vốn như kế hoạch dẫn đến khó khăn.
Trong khi đó, khi mở bán dự án, các chủ đầu tư đua nhau giới thiệu là dự án được kết nối bởi các hạ tầng giao thông “chuẩn bị xây dựng”. Nhưng những dự án giao thông để được tiến hành xây dựng thì còn phải mất thời gian khá dài, vậy là người dân mua nhà, dự án xây xong bàn giao cho người dân về ở. Hạ tầng giao thông xuống cấp, kết nối không đồng đều dẫn tới kẹt xe, người dân lúc này “bỏ của chạy thoát thân” và dự án vắng bóng người.
Xem chi tiết tại đây.
"Phạt" Mường Thanh 483 tỉ đồng
Chủ đầu tư Vinaconex 2 và DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên đã tự chia cắt thành 2 nhà (D1 và D2) riêng biệt, không xây dựng chung khối đế cao 5 tầng theo quy hoạch phê duyệt, xây dựng thêm tầng kỹ thuật tại tòa nhà D1 với diện tích 1.073m2, xây dựng thêm tầng hầm 10.457m2.
Đoàn thanh tra xác định số tiền sử dụng đất phải nộp thêm do xây dựng sai quy hoạch tại tòa nhà này là hơn 6,2 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội thu hồi về ngân sách tiền sử dụng đất hơn 483 tỉ đồng do chủ đầu tư dự án lô CT2 thuộc dự án khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó, Vinaconex 2 phải nộp khoảng 340 tỉ đồng và DNTN Xây dựng số 1 Điện Biên phải nộp khoảng 142 tỉ đồng.
Xem chi tiết tại đây.
Chủ đầu tư dự án Thảo Điền Sapphire vẫn "phớt lờ" quyết định xử phạt
Dự án Khu dân cư thấp tầng Thảo Điền (Thảo Điền Sapphire) do Công ty cổ phần TDS làm chủ đầu tư đã bị UBND TP.HCM ra quyết định số 2496/QĐ-XPVPHC phạt 1 tỷ đồng và buộc tạm ngừng thi công dự án do vi phạm; đồng thời yêu cầu tháo dỡ phần diện tích xây dựng sai phép trong thời hạn 10 ngày.
Thực hiện quyết định của UBND TP.HCM, thông tin từ Sở Xây dựng cho biết, thời hạn 10 ngày sẽ được tính từ ngày bàn giao quyết định xử phạt cho chủ đầu tư.
Căn cứ theo thời hạn này thì ngày 30/6 là thời hạn cuối để Công ty Cổ phần TDS phá dỡ các công trình vi phạm, nếu không sẽ bị cưỡng chế phá dỡ. Tuy nhiên, đến nay các hạng mục vi phạm vẫn tồn tại. Nếu tính từ thời điểm ban hành quyết định xử phạt thì đến nay đã gần 2 tháng, nhưng dự án vẫn còn nguyên phần sai phạm.
Một lãnh đạo Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, do đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chủ đầu tư không khắc phục, Sở Xây dựng đang hoàn thiện hồ sơ, tham mưu cho lãnh đạo TP ban hành quyết định cưỡng chế những công trình sai phạm xảy ra tại dự án Thảo Điền Sapphire.
Xem chi tiết tại đây.
Bốn giai đoạn cần chú ý để hạn chế rủi ro khi mua nhà
Có thể nói, rủi ro đã nằm sẵn từ đối tượng nhà ở và chủ sở hữu của nó, hay rủi ro sinh ra những gì người mua nhà tiếp xúc, từ việc tìm kiếm nhà, tìm chuyên gia cố vấn… Do đó, người mua nhà cần phải nhận diện rủi ro, loại trừ rủi ro và nếu xảy ra rủi ro, phải có biện pháp hạn chế rủi ro.
Để khoanh vùng rủi ro, dựa vào quá trình mua nhà có thể chia ra các giai đoạn: (1) tìm kiếm thông tin, (2) đánh giá về sản phẩm, chủ thể giao dịch (bên bán); (3) văn bản giao dịch và ký kết; (4) thực hiện cam kết.
Ở giai đoạn tìm kiếm thông tin, hiện có nhiều kênh để người mua nhà sử dụng, tìm kiếm và lựa chọn nhà, tuy nhiên dù hình thức nào cũng cần có nguồn rõ ràng, chính thống và đáng tin cậy.
Có thể tìm hiểu qua công ty môi giới F1 (có hợp đồng với bên bán) để tìm hiểu thông tin…, hay sử dụng internet, báo chí, thông qua người quen hay môi giới giới thiệu tham khảo. Tuy nhiên, người mua nên tránh xa cách tìm kiếm thông tin trên bảng quảng cáo treo cột điện, cây xanh, tin nhắn…, của những nguồn thông tin không rõ ràng, hay đến các trang website do cá nhân tự lập mang tên dự án nhái website chủ đầu tư…
Nói chung, phương cách chuẩn trong việc tìm nhà sẽ bớt đi đáng kể các rủi ro từ ma trận thông tin bát nháo hiện nay.
Dù phương cách nào, người mua vẫn nên kiểm chứng và đối chiếu thông tin với chính chủ đầu tư (bên bán), căn cứ theo các văn bản pháp lý…, đồng thời, người mua vẫn nên đi kiểm tra kỹ thực địa dự án, nhà ở.
Xem chi tiết tại đây.
Doanh nghiệp BĐS chuyển hướng để thắng lớn
Sau bao ngày ấp ủ, cuối tuần qua chủ đầu tư Vinh Hạnh đã chính thức giới thiệu 2 căn hộ mẫu Dự án Tứ Hiệp Plaza ra thị trường. Dự án gồm 2 tòa tháp cao 32 tầng, với 600 căn hộ. Chủ đầu tư công bố giá 1,1 tỷ đồng/căn hộ gần 70m2. Trước thời điểm mở bán, đã có hàng trăm khách hàng đặt vấn đề và khoảng 300 khách hàng đã đặt mua căn hộ.
Tuy nhiên, thời điểm diễn ra sự kiện đã vượt quá suy nghĩ của chủ đầu tư khi số lượng người đến mua căn hộ đông gấp 3 lần dự kiến, lên đến gần 1.000 người, cho dù trời mưa to không ngớt.
Trao đổi với DĐDN, đại diện chủ đầu tư cho rằng, chính họ cũng bất ngờ trước nhu cầu mua căn hộ của người dân còn quá lớn. Cũng một phần vì đây là căn hộ giá rẻ lại gần khu vực trung tâm nên càng được người dân quan tâm.
Cùng phân khúc nhà giá rẻ vừa mở bán, Ecohome Phúc Lợi đã tạo nên sức hút trên thị trường căn hộ giá rẻ tại thủ đô Hà Nội với hàng trăm giao dịch.
Chủ đầu tư Capital House công bố mức giá bán chỉ từ 16,5 triệu đồng/m2, như vậy chỉ với 750 triệu đồng, khách hàng đã có thể sở hữu các căn hộ 2 phòng ngủ tại Ecohome Phúc Lợi. Đặc biệt, với những hỗ trợ tài chính từ chủ đầu tư và ngân hàng, khách hàng có thể sở hữu căn hộ Ecohome Phúc Lợi với 200 triệu ban đầu.
Xem chi tiết tại đây.