Aa

Thị trường phục hồi, doanh nghiệp ngành thép, xi măng liên tục “chốt đơn“

Thứ Năm, 18/03/2021 - 06:00

Thị trường vật liệu xây dựng đón nhận tín hiệu tích cực trong những tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh có dấu hiệu hồi phục. Nhiều doanh nghiệp chốt được các đơn hàng mới, báo hiệu cho một năm kinh doanh thuận lợi.

Năm 2020 chứng kiến những khó khăn của ngành thép do tác động của dịch bệnh và thị trường trầm lắng. Hệ quả là gần 50% số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) có doanh thu sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, các đơn vị này đã nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh doanh, có sự phục hồi và tăng tốc trong giai đoạn cuối năm 2020, đầu 2021.

Bước sang năm 2021, với nhu cầu mạnh mẽ về thép của thị trường thế giới và trong nước, cũng như việc giá thép đang có xu hướng tăng, là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thép có nhiều cơ hội bứt phá. Bên cạnh đó, các cơ hội từ hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy ngành thép sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Theo báo cáo từ VSA, trong tháng 1/2021, sản lượng và tiêu thụ thép toàn cầu cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực hơn so với năm trước. Cụ thể, sản xuất thép thô cả nước đạt trên 1,7 triệu tấn, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ thép thô đạt 1,745 triệu tấn, tăng 8,5% so với tháng trước và tăng 61,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu thép thô là 253.686 tấn. Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, với những tín hiệu tích cực, xuất khẩu thép của Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ.

Cũng theo báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và và hoạt động thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công Thương, xuất khẩu sắt thép ghi nhận mức tăng chưa từng có, đạt 1,568 triệu tấn, trị giá 1,123 tỷ USD, tăng 71,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính cả 603 triệu USD từ các sản phẩm sắt thép (tăng 26,4% so với cùng kỳ), thì kim ngạch xuất khẩu sắt thép - Sản phẩm sắt thép vọt lên trên 1,7 tỷ USD.

Thị trường vật liệu xây dựng đón nhận tín hiệu tích cực khi hoạt động kinh doanh có dấu hiệu hồi phục.
Những tháng đầu năm, thị trường vật liệu xây dựng đón nhận tín hiệu tích cực khi hoạt động kinh doanh có dấu hiệu hồi phục.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp thép đã có những đơn hàng đầu tiên. Đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho biết, về xuất khẩu, thép Hòa Phát tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn từ các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia… Đặc biệt, các đối tác Mỹ đã đặt hàng trở lại với khối lượng lớn.

Vừa qua, Tập đoàn Hoa Sen cũng “mở hàng” năm 2021 bằng những lô hàng tôn mạ có giá trị lớn xuất khẩu đi Mỹ, Mexico, châu Âu, Đông Nam Á… Sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen hiện đã vượt mốc 100.000 tấn/tháng. Đây được cho là tín hiệu đáng mừng đối với ngành thép Việt Nam.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ, năm 2020 tuy chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép mặc dù có giảm nhưng cũng đã đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,7% và 1,4% so với cả năm 2019. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp thép để đóng góp vào mức tăng trưởng chung, đạt mục tiêu kép vừa đảm bảo kiểm soát dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Đại diện Hiệp hội đánh giá, trong năm 2021, ngành thép Việt Nam cũng sẽ có thêm nhiều cơ hội lớn khi các doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh việc đầu tư nhà xưởng, khu công nghiệp, kéo theo nhu cầu về thép xây dựng tăng theo. Bên cạnh đó, với các chính sách thu hút đầu tư hợp lý, nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài sẽ lựa chọn Việt Nam là nơi đặt các trung tâm, nhà máy sản xuất, góp phần thúc đẩy thị trường thép phát triển. Hiệp hội Thép và các doanh nghiệp cũng đánh giá cao các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp thời gian qua để đảm bảo kiểm soát dịch an toàn và phát triển kinh tế.

Cùng với ngành thép, các doanh nghiệp xi măng được kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng mới trong năm 2021 từ những tín hiệu tích cực trong từ nhu cầu ấm lên tại các thị trường xuất khẩu. Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho hay, 2 tháng đầu năm 2021, ngành xi măng xuất bán nhiều xi măng và clinker dù có kỳ nghỉ Tết kéo dài. Tổng sản lượng xuất khẩu đạt 5,84 triệu tấn, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2020, trị giá 214 triệu USD, tăng 6,6%.

Riêng tháng 1/2021, Việt Nam xuất khẩu 3,14 triệu tấn (xi măng 1,38 triệu tấn; clinker 1,76 triệu tấn), tăng 24% so với tháng 1/2020. Sang tháng 2, lượng xuất khẩu đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 96 triệu USD. Xuất khẩu xi măng và clinker chiếm 35% sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong 2 tháng năm 2021.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ: “Năm 2020 là năm khó khăn chung của ngành xây dựng, trong đó có ngành vật liệu xây dựng xi măng. Song thực tế, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng tối ưu hóa năng lực sản xuất, cân đối sản lượng theo mùa vụ. Cũng có nhiều doanh nghiệp tập trung vào tiêu thụ nội địa và phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước khi vấn đề xuất khẩu gặp khó khăn”.

Theo đó, ông Cung cho rằng xu hướng mà doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành xi măng nói riêng đang hướng đến trong thời gian tới là đổi mới công nghệ để tăng chất lượng. Đã đến thời kỳ các doanh nghiệp không chỉ coi trọng doanh thu mà phải coi trọng lợi nhuận và đặc biệt là chất lượng sản phẩm để có thể mở rộng thêm tệp khách hàng nội địa và quốc tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top