Tính riêng trong tháng 2/2021, xuất khẩu clinker và xi măng đạt hơn 2,8 triệu tấn, trị giá hơn 100 triệu USD, giảm 9,7% về lượng và giảm gần 14% về trị giá so với tháng trước.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2021, mặt hàng này đã xuất khẩu hơn 5,9 triệu tấn, trị giá hơn 217 triệu USD, tăng 18,8% về lượng và 7,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong 2 tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ xi măng lớn nhất nước ta với hơn 2,43 triệu tấn, trị giá hơn 79,9 triệu USD, chiếm 41,1% về lượng và gần 37% tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng của cả nước. Thị trường lớn thứ hai là Philippines với 1,09 triệu tấn, trị giá 48,2 triệu USD; Bangladesh 1,02 triệu tấn, trị giá hơn 32 triệu USD.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam đạt 38,4 triệu tấn, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt 13,7% về lượng và 3,2% về giá trị so với năm 2019.
Trong Báo cáo đánh giá triển vọng ngành xi măng năm 2021, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 5 - 7% so với mức thấp trong năm 2020. Điều này là nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng, FDI và bất động sản phục hồi.
Sản lượng xuất khẩu trong năm 2021 được kỳ vọng duy trì ổn định do nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn tích cực nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ khó đạt được mức tăng trường mạnh mẽ như năm 2020 do nguồn cung ở Trung Quốc dần ổn định trở lại. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc ngày càng tăng có thể là một mối lo ngại, đặc biệt là khi chính sách tài khóa tại quốc gia này có thể bị thắt chặt lại trong tương lai.
Bên cạnh đó, mặt hàng này còn phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại tại các thị trường lớn như Phillipines hay Bangladesh,... ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu của xi măng.