Aa

Khi niềm tin bị đánh cắp

Thứ Sáu, 27/10/2017 - 06:00

Giữa “tâm bão” dư luận về nghi án Khaisilk “treo đầu dê, bán thịt chó” (bán lụa Tàu gắn mác Việt), sau nhiều ngày im lặng, ông chủ của thương hiệu đình đám này đã “cúi đầu xin lỗi” người tiêu dùng và thừa nhận việc nhập khăn Trung Quốc để bán lẫn với khăn Việt Nam suốt hơn 30 năm nay.

Khỏi cần phải nhắc, ai cũng biết, ông Hoàng Khải là người được “ăn lộc” lụa Việt để từ một tiểu thương, một thương nhân phố Hàng Gai, ông đã trở thành một thương gia, một doanh nhân nức tiếng. Cái tên “Khải” của ông, dù sau này được đặt cho chuỗi phở, các tòa địa ốc hay những nhà hàng đầy sang chảnh thì trước hết nó cũng được bắt nguồn từ danh tiếng Khải lụa – Khaisilk và slogan “Tôn vinh lụa tơ tằm Việt Nam”.

Chính vì thế, nói không ngoa, khi sự thật được phơi bày, người tiêu dùng Việt Nam đã sốc nặng và nói như cư dân mạng là “có một sự đổ vỡ không hề nhẹ” về niềm tin. Không sốc sao được khi khăn lụa Khaisilk được biết bao các bà, các mẹ, các chị, các em không tiếc tiền để mua với giá hàng hiệu và quàng nó với niềm tự hào lụa Việt. Khăn lụa Khaisilk cũng được người Việt và bè bạn năm châu mua làm quà Việt như một sự bảo chứng thương hiệu với niềm sang cả.

Việc doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận bán hàng Trung Quốc khiến nhiều người mất lòng tin vào thương hiệu Việt.

Việc doanh nhân Hoàng Khải thừa nhận bán hàng Trung Quốc khiến nhiều người mất lòng tin vào thương hiệu Việt.

Bản tính người Việt mình, tự hào dân tộc thì chẳng ai bằng nhưng tính sinh ngoại thì cũng chẳng kém ai. Thế nên, để người tiêu dùng bỏ cả triệu bạc mua một chiếc khăn mang thương hiệu Khaisilk không dễ. Đồ rằng, những người mua khăn lụa Khaisilk đều đa phần không chỉ vì giá trị sử dụng mà quan trọng hơn là giá trị cảm xúc với niềm tự hào lụa Việt, thương hiệu Việt.

Ông Hoàng Khải rất tài tình trong chuyện truyền tải giá trị cảm xúc về thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng khi biết cách nói về giá trị Việt Nam được kết tinh trong sản phẩm/dịch vụ mà ông bán. Ông cũng rất biết cách răn dạy các nhà doanh thương Việt về giá trị Việt Nam tựa như ông là một “tư sản dân tộc” điển hình.

Nhưng cũng vì thế, sự thừa nhận “trá hàng” của Khaisilk đã thực sự như “cái tát” vào mặt người tiêu dùng Việt. Họ còn biết tin ai khi một thương hiệu đã in đậm trong lòng họ suốt 30 năm nay, “tưởng của Việt Nam” hóa ra là dối trá?
Từ lâu rồi, xây dựng những sản phẩm/dịch vụ mang thương hiệu Việt đã là nỗi trăn trở của cả các nhà quản lý và cộng động đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ để vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, cả “hệ thống chính trị”, cả xã hội đã phải vào cuộc mà chao ôi vẫn còn chật vật, vẫn còn chao ôi là khó!

Triết lý doanh thương có nói rằng, nhà doanh nghiệp phải như những người gieo hạt chứ đừng như một gã thợ săn. Phải biết gieo những hạt mầm và chăm bẵm nó để đón những mùa vàng. Trong những hạt mầm đó, hạt mầm niềm tin là quan trọng nhất!

Thế nên, dù nghiệt ngã nhưng vẫn phải nói rằng, Khaisilk đã đánh cắp niềm tin của người tiêu dùng Việt. Nặng nề hơn, như hiệu ứng domino, nó làm người Việt dày thêm nghi ngờ về hàng Việt.

Trong lời phân trần của mình, ông Hoàng Khải có nói rằng từ lâu “lụa” đã không phải là mặt hàng trọng yếu của tập đoàn ông nên ông đã lơ là giám sát. Nhưng cũng vì thế, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về tính thật thà trong lời xin lỗi của ông.

Cổ nhân nói “sinh nghề, tử nghiệp”. Ông Hoàng Khải thành danh và thành doanh nhân từ lụa. Không biết, xét về mặt quản trị khủng hoảng, ông Hoàng Khải đã đánh giá đúng sự quan trọng của “khủng hoảng” này hay chưa. Nhưng mong ông nhớ, có những thương hiệu Việt rất lớn, đã “chết” chỉ vì… một con ruồi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top