Đồng thời, rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với giải pháp phát triển ổn định, bền vững, sử dụng vật liệu thay thế, tiết kiệm tài nguyên.
Gia tăng thách thức
Năm 2021 là năm đầy thách thức, khó khăn với nền kinh tế nói chung và các ngành sản xuất nói riêng, trong đó có xi măng, nhất là khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Mặc dù, Chính phủ có nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn như: Giảm thuế, hoãn nộp thuế và miễn thuế sử dụng đất đối với các doanh nghiệp (DN), đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và vốn ODA… Nhưng tác động bởi dịch ngấm sâu, DN ngành xi măng gặp nhiều khó khăn, thách thức phải giải quyết. Thị trường xi măng cung vượt cầu, nguồn cung xi măng cao (năm 2021 là hơn 100 triệu tấn) trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm, khiến áp lực cạnh tranh thị trường nội địa càng khốc liệt hơn. Chi phí logistics tăng, chi phí vận tải tăng…
Một thách thức nổi bật trong năm 2021 mà ngành Xi măng phải đối mặt là giá cả vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao, than tăng (than nhập khẩu tăng gần 200%), thạch cao tăng 37%, chịu ảnh hưởng từ thị trường năng lượng thế giới... trong khi giá bán xi măng tăng ít. Hàng loạt phụ gia trong sản xuất xi măng tăng giá.
Tăng trưởng trong khó khăn
Dẫu khó khăn, thách thức, nhưng ngành xi măng vẫn cán đích thành công với mức tăng trưởng nhích hơn năm 2020. Tổng sản lượng sản xuất năm 2021 dự kiến 103,21 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2020, tiêu thụ khoảng 105,26 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa khoảng 62 triệu tấn, tương đương năm 2020. Mặc dù sản lượng sản xuất cả năm đạt tương đương năm 2020 nhưng do nguyên, nhiên liệu sản xuất đầu vào tăng, chi phí tăng nên lợi nhuận ngành xi măng không đạt như kỳ vọng.
“Chiếc phao cứu sinh” khi thị trường xi măng dư cung trong nước là xuất khẩu. Nhưng xuất khẩu gặp khó do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, tình trạng phong tỏa, kiểm dịch tại nhiều cảng biển Philippines, Trung Quốc; cước tàu biển cao… Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu xi măng và clinker của nước ta đều đạt trên 30 triệu tấn/năm, riêng năm 2021, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker khoảng 42 - 45 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2020, giá trị xuất khẩu ước đạt 2,1 tỷ USD, ghi dấu kỷ lục con số xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Tiêu thụ và áp lực gia tăng
Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, các chuyên gia cho rằng: Sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trở lại, nhưng biên lợi nhuận gộp của các DN sản xuất sẽ gặp áp lực lớn do cạnh tranh khốc liệt khi thị trường xi măng cung vượt cầu, cộng thêm áp lực từ tăng giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất. Đặc biệt, giá than trong nước dự báo điều chỉnh tăng trong năm 2022 do chi phí sản xuất, khai thác than hầm lò cao hơn.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành Xi măng sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh (dự kiến tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38,5% trong năm 2020, tăng 1,16 điểm phần trăm so với 2019) cùng tăng trưởng dân số 0,9% mỗi năm sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở và tiêu thụ vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng tăng theo. Theo ước tính từ số liệu của CIC và Tổng điều tra dân số 2019, trong giai đoạn 2019 - 2023, tổng nhu cầu nhà ở xây mới và thay thế sẽ ở mức 691,7 nghìn căn hộ, tương đương 2,5% số căn nhà cả nước năm 2019. Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng tăng trong năm 2022 sẽ thúc đẩy thị trường tiêu thụ xi măng tăng trưởng.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, dự báo có khó khăn trong năm 2022. Trung Quốc đang siết dần thị trường bất động sản với chính sách “3 lằn ranh đỏ” làm hạn chế khả năng vay nợ và đảo nợ của các nhà phát triển bất động sản. Do đó nhu cầu nhập khẩu xi măng từ thị trường Trung Quốc sẽ giảm. Xi măng xuất khẩu sang thị trường Philipines chịu thêm thuế tự vệ của nước sở tại. Philipines (áp thuế nhập khẩu khoảng 5% giá bán), Bangladesh (áp thêm 8% GTGT từ mức 15% lên 23%). Điều này có thể tạo ra xu hướng áp thuế tại nhiều thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam như Trung Quốc, châu Phi.
Mặt khác, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ tăng mức thuế suất xuất khẩu với mặt hàng clinker từ 5% lên 10% nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản không tái tạo. Việc tăng thuế xuất clinker là cần thiết để hạn chế xuất khẩu clinker nhưng trong bối cảnh dịch bệnh và thị trường xi măng nội địa dư cung thì áp lực tăng thuế này sẽ đè nặng lên vai các DN. Trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam, hạn chế xuất khẩu sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo, trong đó, riêng xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng công suất thiết kế trong giai đoạn 2021 - 2030.
Hướng đến nền sản xuất xanh, tiết kiệm tài nguyên
Nhìn ở khía cạnh lạc quan, dịch trở thành đòn bẩy, buộc các DN ngành Xi măng phải đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa năng lực sản xuất, hoàn thành xử lý dứt điểm “nút thắt” công nghệ trong các dây chuyền, đồng thời giảm định mức tiêu hao, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm tác động đến môi trường… Hướng tới sản xuất xanh, tiết kiệm tài nguyên là hướng đi tất yếu của ngành Xi măng trong bối cảnh tài nguyên không tái tạo ngày càng cạn kiệt, giá than, dầu và các chi phí đầu vào ngày càng tăng.
Là DN trụ cột, dẫn dắt ngành Xi măng, VICEM đang tập trung khởi tạo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tổng công ty đã ứng dụng thay thế một phần nguyên liệu đá vôi, đất sét trong sản xuất nhằm giảm tối đa sử dụng tài nguyên thiên nhiên bằng các nguyên liệu lấy từ chất thải của ngành kinh tế khác, cùng các chất thải trong hoạt động hằng ngày của con người. VICEM thay thế một phần nhiên liệu từ than, dầu bằng việc đốt rác thải và các vật chất thải có khả năng sinh nhiệt khác, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất xi măng vừa góp phần làm sạch cho môi trường.
Hiện VICEM đã thử nghiệm chương trình xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng, hiện đang hoàn thiện Đề án “Đồng xử lý chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng”. Chương trình dùng bùn thải thay sét trong sản xuất clinker: thử nghiệm sử dụng bùn thải thay thế sét và tổng hợp, đánh giá kết quả thử nghiệm. VICEM đẩy mạnh sử dụng nhiệt khí thải để phát điện, tự cung tự cấp một phần sản lượng điện tiêu thụ, đồng thời giảm lượng phát thải bụi và khí CO2; đẩy mạnh việc sử dụng xỉ, tro bay và thạch cao nhân tạo từ chất thải GYPS để làm phụ gia cho sản xuất xi măng, tăng cường sử dụng các nguyên liệu thay thế, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch, tăng năng suất và đảm bảo các yếu tố bền vững về môi trường.
VICEM và Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) vừa ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Tập trung giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả, hướng tới sản xuất xi măng xanh và bền vững, trong đó có sản phẩm xi măng với tiêu chí sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, phát thải thấp.
Tăng cường quản lý Nhà nước
Theo Vụ Vật liệu xây dựng, năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để quản lý nhà nước lĩnh vực vật liệu xây dựng như tổ chức lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; tham gia Đề án xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vật liệu Việt Nam thời kỳ 2020 - 2030, tầm nhìn 2045 của Ban Kinh tế Trung ương.
Bộ Xây dựng theo dõi diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực vật liệu xây dựng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với giải pháp phát triển ổn định, bền vững, sử dụng vật liệu thay thế, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đôn đốc các nhà máy xi măng triển khai nghiên cứu, lắp đặt thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải lò nung để phát điện, tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm phụ gia trong sản xuất xi măng.../.