Aa

Thiếu hạ tầng tái định cư ở Sầm Sơn: Nguyên nhân do đâu?

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 21/06/2023 - 13:00

Việc để xảy ra những bất cập tại các dự án tái định cư ở TP. Sầm Sơn nhiều năm qua đang bộc lộ những thiếu sót trong khâu quản lý, trong đó, có nhiều nguyên nhân, tồn tại được chính quyền và người dân chỉ ra.

Trong quá trình thực hiện nhiều dự án tái định cư trên địa bàn TP. Sầm Sơn, đã bộc lộ một số bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến việc an cư của hàng nghìn hộ dân bị thu hồi đất.

Tồn tại nhiều nguyên nhân

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của TP. Sầm Sơn thì các nhu cầu về xây dựng kết cấu hạ tầng, đường xá, giao thông để phục vụ cho các dự án mới là rất lớn. Việc chính quyền địa phương, doanh nghiệp thu hồi đất sẽ gây ảnh hưởng đến một bộ phận lớn người dân đang sử dụng đất bị thu hồi. Đổi lại, chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách hỗ trợ tái định cư cho người dân tiếp tục ổn định đời sống. Xác định nơi ở mới tại các khu tái định cư phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, hiện nay tại TP. Sầm Sơn vẫn còn nhiều hạn chế trong chính sách này.

Qua buổi làm việc với Ban Quản lý đầu tư xây dựng TP. Sầm Sơn, nhiều nguyên nhân được chỉ ra nhưng trong đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc hàng loạt dự án tái định cư ở TP. Sầm Sơn còn chậm được Ban này cho rằng là do công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, công tác xác định nguồn gốc đất, sự chênh lệch về giá đất ở từng thời điểm; năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế và giá nguyên vật liệu tăng cao…

Sau nhiều năm triển khai, đến nay, nhiều dự án vẫn không thể thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã khiến hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng do chưa được di dời đến nơi ở mới.

Tại sao người dân nhận đất tái định cư nhưng dân không thể an cư?
Nhiều dự án tiến độ thực hiện còn chậm hoặc chưa thể hoàn thành do vướng mắc về đấu nối điện, tranh chấp đất đai... (Ảnh: Viết Huy)

Ông Lương Văn Thịnh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Sầm Sơn cho biết, công tác giải phóng mặt để  thực hiện các dự án tái định cư trên địa bàn thành phố luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, liên quan đến đời sống an sinh của người dân có đất bị thu hồi thực hiện các dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố đã chỉ đạo và cử cán bộ liên tục tham gia giám sát, theo dõi tại hiện tường thi công các dự án, quản lý chặt chẽ quá trình triển khai thi công của nhà thầu, phối hợp cùng với các phòng, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ và chất lượng của dự án. Một số dự án cơ bản hoàn thiện, bàn giao đất tái định cư cho các hộ dân.

"Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, khó khăn ở các mặt bằng tái định cư tại TP. Sầm Sơn hiện nay mà nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, công tác xác định nguồn gốc đất, sự chênh lệch về giá đất ở từng thời điểm, nguyên vật liệu tăng cao…

Trong những năm qua, với sự cố gắng của các bên có liên quan, công tác này đã được đẩy mạnh thực hiện một cách có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vấn đề tái định cư còn xuất hiện một số bất cập tồn tại như:

Nhiều dự án tiến độ thực hiện còn chậm hoặc chưa thể hoàn thành do vướng mắc về đấu nối điện, tranh chấp đất đai khiến công tác giải phóng mặt bằng chậm nên không thể triển khai dự án như kế hoạch: Dự án tái định cư Bắc Kỳ (phường Trung Sơn), Cường Thịnh, Xuân Phương, Quảng Đại… Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án phải thực hiện nhiều dự án, trong khi nhân lực có hạn, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, phức tạp, thủ tục đầu tư nhiều", ông Thịnh cho biết thêm.

Ngoài những nguyên nhân đã được đưa ra thì nhiều ý kiến khác cho rằng, để xảy ra hiện trạng các khu tái định cư "thiếu đủ thứ" một phần là do tính chủ động, tích cực, quyết liệt trong công tác tham mưu của các cấp chính quyền chưa cao; công tác phối hợp giữa ban với các phòng, đơn vị xã, phường chưa nhịp nhàng và một số nhà thầu năng lực còn hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm.

Bên cạnh đó, cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định mới của Luật Đất đai năm 2013 có thay đổi, nhất là cơ chế bồi thường về đất ở theo giá đất cụ thể (thay cho cơ chế đất đổi đất) còn có những mặt hạn chế.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện, cán bộ hưu trí, việc xác định và phê duyệt giá đất cụ thể để thực hiện bồi thường rất phức tạp, thời gian kéo dài, chưa sát với giá thị trường. Ở một số nơi, giá đất bồi thường thấp hơn giá chuyển nhượng, có sự chênh lệch trong cùng một dự án, nhất là vùng giáp ranh.

Được biết hiện nay, giá đất tại khu tái định cư tương đối cao so với giá đất bồi thường, nhất là khu vực nông thôn, trong khi chính sách bồi thường chỉ hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất cho 1 lô đầu tiên. Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ tiền thuê nhà ở, đơn giá bồi thường và cơ chế bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp vẫn còn thấp, nhất là khu vực đô thị; chưa có cơ chế hỗ trợ tích cực khi thu hồi đất nông nghiệp, đất ở của hộ gia đình có diện tích lớn.

Cùng với đó, công tác quy hoạch, xây dựng khu tái định cư tại địa phương vẫn còn bị động, chưa đa dạng về suất đầu tư, diện tích lô đất để phù hợp với điều kiện của người dân khi bị giải tỏa, nhất là người dân khu vực nông thôn; công tác quản lý quy hoạch chưa được tuân thủ nghiêm ngặt, một số khu điều chỉnh nhiều lần, phá vỡ không gian kiến trúc cảnh quan, đáng chú ý là có tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất công cộng, công viên cây canh, cây xanh cách ly thành đất thương mại, đất ở, thiếu quỹ đất phục vụ sản xuất, kinh doanh trong khu tái định cư.

"Ngoài ra, những hạn chế trong quản lý hiện trạng đất đai, quy hoạch, quản lý hồ sơ địa chính ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chất lượng quản lý hồ sơ địa chính chưa đạt yêu cầu, nhiều diện tích đất đai chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Công tác xác nhận, lấy ý kiến của người dân về nguồn gốc đất chưa được chặt chẽ, thiếu chính xác. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai thực hiện nhiều dự án quy hoạch, dự án đầu tư còn chậm, kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng chục năm; công tác bàn giao dự án từ chủ đầu tư về cho địa phương quản lý chưa kịp thời, gây khó khăn trong công tác quản lý hiện trạng, dẫn đến việc cơi nới, xây dựng trái phép cũng như phát sinh những mâu thuẫn về quyền lợi của người dân khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư", ông Thiện nhận định.

Cần đảm bảo quy trình và giải quyết bất cập trong xây dựng khu tái định cư

Hiện nay tại một số địa phương, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong cùng một khu vực chưa được đồng bộ, đồng nhất về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng. Một vài nơi, khu tái định cư đã đưa vào sử dụng nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật vẫn còn dang dở, kéo dài nhiều năm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây bức xúc trong đời sống sinh hoạt của người dân nhưng chưa được các chủ đầu tư, chính quyền địa phương kịp thời khắc phục.

Trong khi đó, một vài khu tái định cư cơ bản hoàn chỉnh về hệ thống kết cấu hạ tầng nhưng xây dựng ở vị trí không thuận lợi, các điều kiện phục vụ sinh kế cho người dân chưa đảm bảo nên chưa hấp dẫn người dân vào tái định cư. Một số khu đang bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn vốn ngân sách đầu tư như: Dự án tái định cư tại xã Quảng Đại, dự án tái định cư Đường Voi xã Quảng Minh, dự án tái định cư xã Quảng Châu…

Tại sao người dân nhận đất tái định cư nhưng dân không thể an cư?
Các cấp có thẩm quyền cần đôn đốc phòng, ban phụ trách, giám sát các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng,
nhằm xây dựng các khu tái định cư xanh, sạch, đẹp, đáp ứng tiêu chí đô thị thông minh, hiện đại. (Ảnh: Viết Huy)

Ông Lê Doãn T. một hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án treo đang cần được tái định cư cho biết: "Thực trạng trên cho thấy, công tác bố trí tái định cư chưa được thực hiện nghiêm túc một số nơi, công tác giải phóng mặt bằng tiến hành song song với việc triển khai thực hiện dự án, thậm chí là thực hiện theo quy trình ngược, có nơi người dân đã nhận tiền bồi thường nhiều năm nhưng vẫn chưa được bố trí tái định cư.

Tổ chức, đơn vị thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn nhiều bất cập về số lượng cũng như chất lượng, đồng thời bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chưa có sự phối hợp chỉ đạo quyết liệt.

Công tác hỗ trợ sinh kế cho người dân bị di dời, tái định cư chủ yếu là hỗ trợ một lần bằng tiền, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm vẫn chưa được thực hiện tốt. Do đó, đời sống của một bộ phận người dân tái định cư vẫn còn khó khăn, nhất là đối với những đối tượng lớn tuổi, không có đất sản xuất, không đủ điều kiện để làm việc tại các công ty, nhà máy nên thiếu nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, chính sách pháp luật về đất đai còn thiếu ổn định; hồ sơ pháp lý về đất đai không rõ ràng; việc thực thi chính sách còn nhiều sai sót, thiếu công khai, minh bạch và thiếu nhất quán trong áp dụng chính sách, bị động trong bố trí quỹ đất tái định cư".

Từ những bất cập trên, nhiều người dân nằm trong vùng ảnh hưởng bởi dự án buộc phải di dời đến nơi tái định cư kiến nghị các cấp có thẩm quyền như: UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND TP. Sầm Sơn cần đôn đốc phòng, ban phụ trách, giám sát các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, nhằm xây dựng các khu tái định cư xanh, sạch, đẹp, đáp ứng tiêu chí đô thị thông minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần bố trí nguồn vốn, tập trung hoàn thiện dứt điểm dự án, đáp ứng đúng với nhu cầu, tiến độ, thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân và tránh việc đầu tư các khu tái định cư làm nhiều nhưng dự án nào cũng dang dở./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top