Công ty hoạt động trở lại, phòng trọ cho công nhân tăng giá
Chị Nguyễn Thị Liên, công nhân làm việc tại khu công nghiệp Minh Quân (tỉnh Yên Bái) cho biết, vợ chồng chị phải thuê một căn phòng trọ ở xã Minh Quân, huyệnTrấn Yên rộng chỉ khoảng 15m2 nhưng giá đã tăng từ 600 nghìn đồng lên 900 nghìn đồng trong năm nay.
Theo chị Liên, gần đây nhiều công ty, doanh nghiệp hoạt động trở lại kéo theo đó là nhu cầu thuê trọ cũng tăng mạnh. Đối với phòng trọ gần thành phố Yên Bái, quanh các khu công nghiệp có diện tích từ 10-12m2 sẽ có giá trung bình từ 300.000 đồng/tháng. Còn với các phòng khép kín, giá thuê dao động từ 600.000-800.000 đồng/tháng.
Những phòng trọ giá rẻ thường chỉ có giường ngủ, còn các phòng cao cấp hơn sẽ được trang bị thêm nội thất như tủ quần áo, điều hòa, nóng lạnh… Hiện nay, hầu hết các phân khúc nhà trọ đều không còn phòng.
Đặc biệt là những khu vực càng gần trung tâm, nhà máy, cơ xưởng, giá thuê một phòng có thể lên tới hơn 1.000.000 đồng/tháng. Dẫu vậy, liên lạc theo số điện thoại được dán trên tường, nhiều chủ nhà trọ thông báo đã hết phòng.
“Khi tôi quay trở lại công ty đi làm, việc tìm phòng trọ thì mất khá nhiều thời gian, lại không có trọ giá cả hợp lý. Nếu có phòng thì rất đắt nên tôi đã phải thuê rất xa nơi làm việc. Phòng tôi thuê cũng không có gì hết, ngoài nhà vệ sinh khép kín”, anh Hà Đức Văn, một công nhân quê ở huyện Mù Cang Chải ra thành phố Yên Bái làm việc nói.
Công nhân chấp nhận ở ghép, ở xa để tiết kiệm chi phí
Trong khi đó, tại thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, nơi tập trung của rất nhiều công nhân đến thuê trọ để làm việc tại các khu công nghiệp, giá phòng trọ cứ tăng dần, thậm chí “nhảy múa” tại những khu ở tiện nghi, gần xí nghiệp, công ty.
Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải cho biết, chị đang muốn tìm phòng trọ mới gần chỗ làm để có thể đi lại bằng xe đạp, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, nhiều tuần này chị không thể tìm được phòng trọ phù hợp bởi giá ngày càng tăng.
“Những khu phòng trọ mới, rộng chỉ chừng 10m2, nhà vệ sinh sử dụng chung cũng tăng giá lên đến hơn 2 triệu đồng/tháng trong khi nơi tôi đang ở hiện tại tuy xa nhưng chỉ 800 nghìn đồng”, chị Hoa nói.
Tương tự, khảo sát các khu nhà trọ quanh Khu công nghiệp Đông Phố Mới, Khu công nghiệp Tằng Loỏng, Khu công nghiệp Cốc Mỳ, Khu công nghiệp Võ Lao, Khu công nghiệp Bản Qua.. giá thuê phòng cho công nhân cũng giao động từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng/tháng. Một số người lao động trẻ tuổi, chưa lập gia đình phải rủ nhau ở chung để tiết kiệm chi phí. Chi phí như điện, nước ược thu với mức: giá điện từ 3.000-4.000 đồng/kwh, nước sinh hoạt là 50.000-100.000 đồng/người/tháng.
“Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp giảm nên việc làm, lương thưởng và đời sống của phần lớn công nhân lao động tiếp tục gặp những khó khăn. Chính vì thế chúng tôi phải “thắt lưng buộc bụng”, chọn những phòng trọ lâu năm, thậm chí đã xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh với giá rẻ”, anh Ma Ba Zin, công nhân của Khu công nghiệp Đông Phố Mới tâm sự.
Theo ông Lê Văn Thành, chủ hai dãy nhà trọ cách Khu công nghiệp Cốc Mỳ chừng 2km, thời điểm này các khu trọ nhà ông luôn trong tình trạng hết phòng. Số lượng người hỏi thuê phòng trong ngày nhiều. Khi nào có người chuyển đi thì mới có phòng và phòng trống đó sẽ có người mới chuyển đến ngay sau 1-2 ngày.
Ông Thành cũng thông tin, giá cả của phòng khi ở một người rơi vào khoảng 1.2 triệu đồng/người/tháng, khi ở 2 người sẽ là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Vì là phòng mới nên giá sẽ cao hơn bình thường. Những người tìm đến thuê trọ thường là sinh viên hoặc người lao động. Trước khi cho thuê phòng, ông cũng đặt các điều kiện như tránh gây ồn ào, nhậu nhẹt say xỉn làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Lý giải về việc tăng giá trọ, ông Thành cho rằng việc giá thuê trọ năm nay tăng là do lương cơ bản tăng, nếu thuê theo tháng, giá cả sẽ rẻ hơn. Riêng với những khách thuê lẻ chỉ ở theo ngày, ông thường cho thuê với giá 100.000 đồng/ngày.
Vướng mắc về cơ chế xây dựng nhà ở cho người lao động
Theo Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, qua khảo sát, hiện nay nhiều công nhân lao động phải thuê trọ trong những khu nhà trọ ẩm thấp, tồi tàn. Bên cạnh đó, do điều kiện sống không đảm bảo, nhiều công nhân lao động phải gửi con về quê nhờ người thân trông giúp, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực.
“Chúng tôi đặt ra mục tiêu từ năm 2026 trở đi, tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn, nơi ở riêng dành cho công nhân, người lao động. Việc hoàn thành các thiết chế công đoàn sẽ đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho hàng triệu công nhân lao động. Tuy nhiên việc triển khai lại chưa đáp ứng yêu cầu đề ra do một số vướng mắc về cơ chế, chính sách như tổ chức công đoàn không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với mục đích xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê.
Bên cạnh đó việc triển khai thiết chế công đoàn chưa được đưa vào nội dung chương trình trọng tâm, cấp bách của cấp có thẩm quyền ở một số địa phương... Do vậy đến nay, mới có 31 tỉnh thành có giới thiệu địa điểm xây dựng mô hình, nhưng chỉ có 2 tỉnh giao đất thực hiện”, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng thiết chế công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin.