Aa

Thiếu trường học tại các khu công nghiệp, cần sự chung tay của chính quyền và doanh nghiệp

Thứ Sáu, 05/05/2023 - 06:09

Nhu cầu gửi trẻ trong khu công nghiệp đang ngày càng gia tăng, trong khi nhà trẻ công lập thì ít, nhà trẻ tư thục thì chi phí cao đã khiến công nhân có con nhỏ càng thêm vất vả và khó khăn.

LTS: “Thiếu trường học” là cụm từ không mới và thường được nhắc đến mỗi khi các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất vận hành trong những năm gần đây. Đây là bài toán khó đối với các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và quản lý đô thị làm sao để hài hòa giữa sự phát triển với đảm bảo quyền và lợi ích của người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trước thực trạng này, ngày 10/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg về việc tập trung kiểm tra, rà soát, đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị. 

Với mong muốn góp một phần tiếng nói để hiện thực hóa chủ trương trên, Reatimes xin trân trọng gửi tới bạn đọc loạt bài "Hạ tầng giáo dục - Đòn bẩy phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp".

Bài 2: Thiếu trường học tại các khu công nghiệp, cần sự chung tay của chính quyền và doanh nghiệp

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Chật vật nuôi con ăn học

Như thường lệ mỗi buổi sáng, đến giờ đi làm, khu trọ của công nhân gần các khu công nghiệp Bắc Thăng Long đều đóng cửa. Và những gia đình có con nhỏ thì vội vàng khăn gói chở con đi gửi nhà trẻ.

Chúng tôi gặp chị Đ.T.Hoa đang tất bật chuẩn bị đồ đạc để đưa con gái 5 tuổi đến nhà trẻ trước khi đi làm. Vợ chồng chị Hoa quê ở Nghệ An ra thuê trọ ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội sinh sống, làm công nhân của khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã được hơn 5 năm. Căn phòng trọ được gia đình chị Hoa thuê với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Do không thể gửi con về quê vì ông bà nội tuổi đã cao lại hay đau ốm nên vợ chồng anh chị quyết định để con ở lại và gửi nhà trẻ gần nơi thuê trọ.

“Tôi đành phải gửi con ở một trường mầm non tư thục nhỏ gần khu công nghiệp. Tiền phải nộp hàng tháng trung bình là 1,6 triệu đồng, bao gồm 900.000 đồng học phí và 650.000 đồng tiền ăn hai bữa, thêm phụ phí trông coi ngoài giờ 10.000 đồng/giờ. Với mức thu nhập của 2 vợ chồng như hiện tại thì tôi lựa chọn trường tư thục vì nằm trong khả năng chi trả của gia đình mặc dù điều kiện cơ sở chăm sóc cũng như học tập không được tốt bằng các trường công lớn ở đây. Hơn nữa, chúng tôi còn phải tiết kiệm cho các khoản sinh hoạt chi tiêu khác trong gia đình. Chúng tôi cũng chưa có dự định về quê hay rẽ hướng khác vì còn sức khỏe thì cứ làm công nhân đi đã, mai sau có tuổi rồi tính", chị Hoa chia sẻ.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, gia đình chị Loan làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã hơn 6 năm nay, chị Trần Thị Bích Loan là công nhân tại Công ty Panasonic và chồng chị hiện đang làm ở Công ty TNHH Kein Hing, phải chật vật bươn chải, cắt giảm chi tiêu để trang trải sinh hoạt trong gia đình và lo chi phí cho con nhỏ đi học. Tổng thu nhập của hai vợ chồng Loan khoảng 17 triệu đồng/tháng.

Chị Loan tâm sự: “Khó khăn lớn nhất hiện nay của gia đình chị là không biết gửi 2 con nhỏ ở đâu để có thể yên tâm đi làm. Nếu gửi ở trường tư thục mà cơ sở chất lượng thì học phí cao, riêng tiền học phí cho 2 con là hơn 5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền sữa, thuốc thang khi con ốm đau… Còn nếu gửi con vào trường công lập thì lại gặp khó khăn về giờ giấc, bởi chúng tôi đi làm ca kíp nên không thể đón con theo quy định của nhà trường. Cực chẳng đã, tôi phải chọn giải pháp là gửi một bé về quê nhờ ông bà chăm giúp”.

Được biết, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là một trong những nơi tập trung nhiều công nhân nhất Hà Nội. Trong những năm qua, việc ổn định đời sống cho hơn 60.000 nhân lực gắn với khu công nghiệp này không chỉ xoay quanh vấn đề giải quyết việc làm, nhà ở mà còn phải đảm bảo đủ trường học cho con em người lao động.

Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu sản xuất tại khu công nghiệp tăng, số lượng công nhân biến động liên tục đã tạo áp lực lên các cơ sở giáo dục mầm non tại xã Kim Chung. Với hệ thống 3 trường công lập, 5 trường tư thục và 10 nhóm trẻ dường như không đủ đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng cao.

Theo tìm hiểu của PV Reatimes,  tại các khu nhà trọ công nhân, nhiều gia đình chấp nhận chia ca đi làm ngày và tối để có thời gian trông con, bởi họ cũng không còn cách nào khác khi con còn nhỏ nhưng chỉ học một buổi không bán trú, hoặc có những khoảng thời gian trường mầm non chưa mở cửa.

Là giáo viên tại nhóm trẻ Tuổi Thơ (xã Kim Chung), cô Xuân cho biết, học sinh tại các điểm gửi trẻ nhỏ lẻ, trường tư thục phần lớn là con em công nhân.

“Người trong làng hầu như gửi con vào các trường công vì những gia đình này có ông bà và họ có thể đi đón cháu sớm cũng như không cần gửi con vào thứ bảy. Trường tôi và các trường tư thục khác chủ yếu nhận con em công nhân, gia đình kinh tế khó khăn vì họ phải đi làm theo ca, có thể đến gửi con rất sớm và đón con rất muộn”, cô giáo Xuân cho biết.

Nơi cô Xuân gọi là “trường” thực ra là căn nhà nhỏ cấp 4 chật chội. Hơn 30 đứa trẻ từ 1 - 4 tuổi được chia vào 3 gian nhà ngăn cách nhau chỉ bằng hai cánh cửa. Mọi hoạt động học tập, vui chơi và sinh hoạt chỉ diễn ra trong một không gian rộng chừng 40m2.

“Nếu gửi trẻ ở đây có thể nói là mức phí giữ trẻ là thấp nhất trong vùng. Mỗi tháng chỉ dao động 1,6 - 1,7 triệu đồng/tháng. Có một số trường học phí dao động từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Một số trường tư thục có giá thấp hơn thì cũng trên 2 triệu đồng/tháng do vướng tiền thuê mặt bằng cao”, cô giáo Xuân chia sẻ.

Nhiều gia đình chấp nhận gửi con ở các điểm trông trẻ tư thục nhỏ để đi làm
Nhiều gia đình chấp nhận gửi con ở các điểm trông trẻ tư thục nhỏ để đi làm. (Ảnh: Nguyễn Lạc)

Cách xã Kim Chung không xa, Khu công nghiệp Nam Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm) cũng đang trong tình trạng tương tự. Khu vực này cũng chỉ có 3 cơ sở trường học công lập nên nhiều gia đình công nhân cũng lựa chọn gửi con tại các cơ sở tư thục vì không đủ điều kiện kinh tế hoặc trường công lập không nhận trông trẻ đến 6 - 7 giờ tối.

Có thể thấy, nhiều gia đình công nhân tại các khu công nghiệp đều chấp nhận bỏ một khoản tiền từ 1,2 - 2 triệu đồng/tháng để gửi con ở các cơ sở trông giữ trẻ tư thục nhỏ lẻ, chật chội. Thế nhưng, việc tìm được một cơ sở trông trẻ gần chỗ làm không phải là điều đơn giản khi mà số lượng các cơ sở chỉ "đếm trên đầu ngón tay".

Không chỉ là nỗi lo tìm chỗ gửi con, gánh nặng của những công nhân có con nhỏ còn là các khoản chi phí để đảm bảo cuộc sống khi mức lương trung bình của họ hiện chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Nhắc đến con, chị Vũ Thị Hoa (quê Thanh Hoá), hiện đang làm công nhân tại khu công nghiệp Nam Thăng Long thở dài: “Vợ chồng tôi làm công nhân đã 7 năm nay, thu nhập mỗi tháng chỉ đủ sống và nuôi 2 con. Vợ chồng tôi đã tìm hiểu nhiều nơi, nhưng để tìm được một trường học có mức học phí phù hợp và thời gian lẫn địa điểm để tiện cho công việc thì rất khó. Sắp tới, tôi có dự tính sẽ xin nghỉ làm việc ở công ty dệt may để tìm một công việc bán thời gian gần nhà và kinh doanh online để tiện chăm sóc con, còn chồng thì vẫn duy trì công việc tại công ty điện tử”.

Nóng cầu - thiếu cung

Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập ở bậc mầm non, nhất là nhóm dưới 2 tuổi đang xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước. Theo thống kê, hiện nay trường mầm non công lập mới chỉ đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu. Thậm chí, nhiều nơi chỉ đáp ứng khoảng 1/5 nhu cầu học của trẻ, số trẻ còn lại được gửi cơ sở tư thục.

Trên thực tế, Bộ Luật Lao động 2019 đã có quy định Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng nhà trẻ mẫu giáo cho con nhân nơi có nhiều lao động nữ, không phân biệt công nhân lao động trong hay ngoài khu công nghiệp. Tuy nhiên, kết luận tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non khẳng định các khu công nghiệp vẫn còn thiếu nhiều trường mầm non.

Chia sẻ với PV Reatimes, PGS.TS. Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, thực trạng này không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà đang là vấn đề chung của cả nước. Chúng ta đang đứng trước câu chuyện biến động về mặt dân cư và kinh tế xã hội. Sự phát triển diễn ra rất nhanh, không chỉ một vài doanh nghiệp mà là những chuỗi doanh nghiệp sản xuất nên lượng dân cư tập trung và tăng rất nhanh. Số lượng dân hàng năm tăng lên rõ ràng mà không chỉ tập trung ở một chỗ. Dù các địa phương đã dành một phần ngân sách quan tâm tới vấn đề này, nhưng để lo cho tất cả và nhất là số lượng dân tăng đột biến thì không hề dễ dàng. Trong khi đó, nước ta đang yêu cầu phát triển con người toàn diện nên càng đang đặt ra yêu cầu cao hơn cho giáo dục. Có thể thấy đây là áp lực rất lớn với các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

“Mới đây, Ủy ban Văn hoá Giáo dục đã triển khai công tác giám sát ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Hà Nội, Bắc Giang… và thấy rằng tốc độ phát triển ở khía cạnh kinh tế thì nhanh nhưng hạ tầng giáo dục thì chưa theo kịp, ở địa phương thì có thể kể tới huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Nhưng nhìn chung, Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố lớn thiếu trầm trọng về trường học dành cho con em công nhân tại các khu công nghiệp.

Ở các tỉnh phía Bắc, khoảng cách từ nhà của công nhân tới khu công nghiệp chỉ khoảng vài chục ki-lô-mét nên họ thường gửi con cái cho ông bà trông hộ và cuối tuần về với con. Còn đối với những tỉnh phía Nam, đặc biệt là Bình Dương, công nhân chủ yếu đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Tây. Họ xa quê, xa nhà, vì vậy bắt buộc họ phải gửi con tại nhà trẻ để đi làm. Hiện nay, có rất nhiều cơ sở trông trẻ có diện tích nhỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo và giáo viên không có nhiều kỹ năng trong việc chăm sóc, dạy học cho trẻ”, ông Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng, nơi thì thiếu trường học trầm trọng, nhưng nơi có đủ thì lại không sử dụng đến. Qua giám sát, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cho biết, bên trong những khu công nghiệp như Tân Tạo hay Nhà Bè, Thủ Đức (TP.HCM), có những trường học công đã được xây dựng xong nhưng lại không có nhiều trẻ đến học. Nhiều gia đình có cả bố mẹ làm tại khu công nghiệp nhưng lại thuê trọ ở ngoài, ca làm việc của họ cũng khác với giờ mà nhà trường nhận trông trẻ. Cụ thể, ca làm việc của công nhân có thể bắt đầu từ chiều đến đêm, trong khi trường chỉ nhận gửi trẻ từ sáng tới chiều, vì vậy nhiều gia đình vẫn lựa chọn gửi tại các cơ sở tư gần nhà.

“Hơn nữa, đường đi vào những khu công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn vì có nhiều xe trọng tải lớn và ô nhiễm môi trường do khói bụi. Vậy nên, quy hoạch xây dựng trường trong khu công nghiệp ban đầu tưởng chừng là hợp lý nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Do không có nhà dân ở bên trong khu công nghiệp nên họ chỉ xem đây là chỗ làm việc”, ông Nghĩa nêu vấn đề.

Thực tế đang cho thấy, tại các khu công nghiệp hiện nay, số lượng công nhân trẻ ở độ tuổi lập gia đình ngày càng gia tăng, từ đó gia tăng nhu cầu cần có cơ sở trông giữ trẻ để họ yên tâm đi làm vì không ai có thể đưa con đến cơ quan, xí nghiệp sản xuất. Do đó, xây dựng đủ những điểm trông trẻ sẽ giải quyết được vấn đề cấp bách này. Tuy nhiên, những điểm trông trẻ tự phát với quy mô nhỏ, giáo viên không có nghiệp vụ sư phạm, cơ sở vật chất không đảm bảo... sẽ dễ phát sinh những rủi ro không mong muốn.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa cho biết, tại các khu công nghiệp hiện nay, số lượng công nhân trẻ ở độ lập gia đình hay gia đình trẻ đến sinh sống và làm việc ngày càng gia tăng
nên nhu cầu gửi trẻ rất lớn. Tuy nhiên, vẫn có một thực tế, nơi thiếu thì rất cần, nhưng nơi có lại không dùng đến. (Ảnh: Nguyễn Lạc)

Như vậy, để giải quyết bài toán này, ông Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, trước hết là vấn đề quy hoạch và phải có quỹ đất, đồng thời cần có sự tham gia xây dựng trường học của chính các doanh nghiệp sử dụng lao động.

“Chúng tôi đi nhiều nơi và thấy có doanh nghiệp đã tham gia xây dựng trường học chất lượng, từ đó góp phần giảm tải, hỗ trợ cho các trường công. Chẳng hạn như tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), có trường học do Nhà nước xây dựng nhưng trang thiết bị phục vụ cho việc học tập, vui chơi của trẻ thì do doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ. Trẻ em có nơi học tập chất lượng thì bố mẹ cũng yên tâm làm việc, gia tăng sản xuất.

Hiện nay, xuất hiện tình trạng công nhân "nhảy việc" nhiều khi họ thấy nơi khác có thu nhập cao hơn. Cho nên để doanh nghiệp quan tâm đến việc hỗ trợ xây dựng trường học cũng là vấn đề khó, chẳng hạn như doanh nghiệp dốc sức đầu tư vào trường học này nhưng chỉ được một thời gian thì con em công nhân lại chuyển đi nơi khác. Vì vậy, trước hết là Nhà nước phải có trách nhiệm xây dựng trường học, đặc biệt là ở những địa phương đang có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ thì phải ưu tiên nơi đó về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản”, ông Nghĩa nhận định.

Thực tế cho thấy, vì nhu cầu và điều kiện của các gia đình khác nhau nên cần phải tăng cường xã hội hóa giáo dục phù hợp với nhu cầu đặc thù của người lao động ở từng khu vực.

“Tôi đi vào trong Khu công nghiệp Tân Tạo, tỉnh Bình Dương thì thấy rằng, trường mầm non được xây dựng giữa khu công nghiệp nhưng mà số lượng trẻ đến học không nhiều. Nguyên nhân là bởi, bố mẹ các cháu làm việc tại khu công nghiệp đó nhưng lại thuê trọ trong khu dân cư cách đó cách 6 - 7km. Bên cạnh đó là do chênh lệch giữa giờ làm việc và giờ đưa đón trẻ, thậm chí là có thể nhiều công nhân còn phải làm tăng ca. Do đó, nếu gửi con ở trong trường mà xa nơi ở sẽ rất vất vả. Do đó, nhiều gia đình công nhân vẫn lựa chọn gửi con tới các nhóm trẻ, gần chỗ họ thuê trọ thì giờ giấc có thể linh hoạt hơn. Vậy nên, quy hoạch trường học xây dựng giữa khu công nghiệp có thể chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế”, ông Nghĩa bày tỏ.

Một vấn đề nữa hiện nay là còn nhiều bất cập trong quy hoạch quỹ đất đầu tư cho hạ tầng giáo dục. Theo ông Đỗ Chí Nghĩa, cần phải có cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện, tức là phải áp các quy định bắt buộc doanh nghiệp khi xây dựng khu công nghiệp hay khu đô thị thì phải xây dựng cả trường học. Còn nếu chỉ thể hiện việc xây dựng trường học trên bản vẽ quy hoạch rồi sau đó lại nêu các lý do để không triển khai thì sẽ dẫn tới sự lãng phí vì để hoang hóa đất đai, đồng thời càng gia tăng áp lực lên các cơ sở giáo dục khác.

“Tại các tỉnh, thành phố phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương hay TP. Thủ Đức, qua giám sát cho thấy có những doanh nghiệp rất tâm huyết muốn đầu tư lâu dài nhưng còn nhiều vướng mắc trong thủ tục hành chính như chuyển mục đích sử dụng đất thành đất xây trường. Và thực tế có nhiều nhà đầu tư không chuyển đổi vì giá trị của mảnh đất ấy sẽ giảm đi rất nhiều. Mặt khác, có những nơi không phải là đất chủ đầu tư mà chỉ là đất thuê thì sẽ không chuyển đổi được.

Còn tại những thành phố lớn như Hà Nội, vừa rồi chúng ta thấy tại phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, việc xây dựng trường học rất khó khăn. Trong quy hoạch là có xây dựng trường học nhưng trên thực tế, quỹ đất của doanh nghiệp lại chưa giải tỏa được, thậm chí là đất nghĩa trang, ao hồ, không có giải pháp phù hợp”, ông Nghĩa dẫn chứng.

Do đó, ông Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, khi kêu gọi xã hội hóa thì phải có chính sách ưu đãi từ đất đai, cơ chế tài chính. Bên cạnh việc quan tâm phát triển các trường công lập thì phải dành thêm nguồn lực, cơ chế phát triển các trường tư để người dân yên tâm gửi con và làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, nhìn xa hơn là sự ổn định cả về kinh tế và xã hội của từng địa phương và đất nước./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top