Aa

Thời cơ mới cho doanh nghiệp xây lắp giao thông

Thứ Tư, 24/06/2020 - 17:34

Nhiều công trình giao thông trọng điểm triển khai mở ra viễn cảnh tươi sáng cho các doanh nghiệp xây lắp giao thông…

Sau khoảng 5 năm chìm trong khó khăn do nguồn việc làm khan hiếm, phải mở thêm nhiều ngành nghề “tay trái” để duy trì hoạt động, tới đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm có tổng mức đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng bắt đầu triển khai, mở ra viễn cảnh tươi sáng cho các doanh nghiệp xây lắp giao thông…

Lao đao vì thiếu việc làm

Vài năm trước, trúng thầu triển khai thi công rầm rộ hàng loạt công trình giao thông quy mô lớn như: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Nhật Tân, đường băng sân bay Cam Ranh, Thọ Xuân… và nhiều dự án nâng cấp, mở rộng trên tuyến QL1, mỗi năm doanh thu của CIENCO4 lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. Đỉnh điểm vào năm 2015, doanh thu của CIENCO4 lập mốc kỷ lục 16.610 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiểm tra tiến độ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chiều 17/1/2020. Ảnh: Vĩnh Phú

Thế nhưng, từ đó đến nay, ngành GTVT đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn vốn, số dự án lớn khởi công xây dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kéo theo, các doanh nghiệp xây lắp đều rơi vào cảnh lao đao, khan hiếm nguồn việc làm. CIENCO4 cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, khi sản lượng và doanh thu đều sụt giảm mạnh. Đơn cử, năm 2019, doanh thu của CIENCO4 chỉ vào khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng, giảm khoảng 5 - 6 lần so với trước.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tập đoàn CIENCO4 nói: “Nếu không chuyển hướng, mở rộng kinh doanh sang một số lĩnh vực khác, chỉ trông chờ vào xây lắp giao thông, doanh nghiệp sẽ đứng bên bờ vực”.

Theo ông Huỳnh, ngay từ giai đoạn 2016 - 2017, nhận thấy nguồn việc làm từ xây lắp giao thông bắt đầu sụt giảm, CIENCO4 đã chuyển hướng, mở rộng sang xây lắp dân dụng, đầu tư bất động sản cho thuê, bất động sản nghỉ dưỡng, kể cả dịch vụ vật liệu…

“Chúng tôi đã trúng thầu nhiều gói xây lắp dân dụng, điển hình là dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, rồi nguồn tiền từ các khu bất động sản văn phòng cho thuê tại TP.HCM, Hà Nội, TP Vinh... trong mấy năm qua đã hỗ trợ rất nhiều để CIENCO4 chi trả tiền lương cho cán bộ, nhân viên, duy trì hoạt động của doanh nghiệp”, ông Huỳnh chia sẻ.

Xây lắp đường bộ khó khăn, xây lắp đường thủy cũng bết bát chẳng kém, ngay cả với những “ông lớn” trong lĩnh vực này là Tổng công ty Xây dựng đường thủy (VINAWACO). Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT VINAWACO nói: “Mấy năm qua, chúng tôi không có một dự án nào để thi công, doanh thu gần như bằng không. Nếu không chuyển hướng sang các lĩnh vực khác như đầu tư bất động sản, xây dựng dân dụng, có lẽ VINAWACO đã đóng cửa từ lâu”.

Không chỉ các doanh nghiệp xây lắp, ngay cả các PMU giao thông, từng một thời là chốn mơ ước của bao người, nhưng thời gian qua cũng rơi vào cảnh “ăn đong”, nợ lương, buộc phải cắt giảm nhân lực để duy trì bộ máy.

Một lãnh đạo PMU chia sẻ với Báo Giao thông: “Bản chất của nghề quản lý dự án là khi có dự án thì có tiền nuôi quân, lúc hết dự án cũng hết tiền. Để duy trì bộ máy hoạt động, ngay từ năm 2017, chúng tôi buộc phải cắt giảm nhân sự, hàng tháng người lao động chỉ được tạm ứng 50% lương cơ bản. Số tiền này chúng tôi cũng phải xoay xở, vay nhiều nơi chứ quỹ lương của đơn vị cũng chẳng còn”.

Qua cơn bĩ cực?

Từ đầu năm 2020, ba dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam bắt đầu khởi công xây dựng những gói thầu đầu tiên, báo hiệu một chu kỳ mới đầy triển vọng cho xây lắp giao thông. Mới nhất, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận để chuyển đổi 3/8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công. Theo lộ trình, khi được Quốc hội thông qua, 3 dự án chuyển đổi này sẽ khởi công ngay vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020.

Xa hơn, giai đoạn 1 của dự án sân bay quốc tế Long Thành có giá trị đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng cũng sẵn sàng khởi công vào quý II/2021, hứa hẹn đem lại nguồn việc làm dồi dào cho các nhà thầu xây lắp giao thông. Đặc biệt, Bộ GTVT đang xây dựng danh mục các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa tới, trong đó, dự kiến đầu tư mới nhiều dự án cao tốc quy mô lớn, hàng chục tuyến quốc lộ, cảng biển… với số vốn dự kiến lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành đánh giá, giai đoạn 5 năm trở về trước, hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư rất mạnh mẽ, kéo theo thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH rất lớn. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, tỷ lệ vốn đầu tư mới cho ngành GTVT rất thấp, gần như chẳng có dự án lớn nào được khởi công xây dựng.

“Tôi nhận định, trong 5 năm tới sẽ là một chu kỳ thành công về đầu tư hạ tầng giao thông khi hàng loạt dự án quy mô lớn như cao tốc Bắc - Nam bắt đầu triển khai, đem lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xây lắp giao thông. Để nắm bắt thời cơ, hai năm gần đây, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, máy móc, thiết bị, tài chính tham gia đấu thầu, nhận thầu các dự án cao tốc Bắc - Nam, xa hơn là dự án sây bay quốc tế Long Thành. Trước mắt, chúng tôi sẽ tham gia đấu thầu lựa chọn nhà thầu tại các dự án cao tốc Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công”, ông Khôi nói.

Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh cũng cho biết, doanh nghiệp đặt kỳ vọng rất lớn về nguồn việc xây lắp giao thông tại các dự án cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành trong thời gian tới.

“Đầu năm 2020, chúng tôi đã trúng một gói thầu hơn 600 tỷ đồng tại dự án Cam Lộ - La Sơn. Vừa qua, khi tham gia dự sơ tuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, chúng tôi đã trúng sơ tuyển 7/8 dự án. Nếu một số dự án PPP cao tốc Bắc - Nam được cấp thẩm quyền chuyển đổi sang đầu tư công, CIENCO4 sẽ tiếp tục tham gia đấu thầu để làm nhà thầu thi công”, ông Huỳnh nói.

Không chỉ xây lắp đường bộ, ông Huỳnh cho biết, CIENCO4 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm nguồn công việc tại các dự án hạ tầng hàng không: Thi công đường cất hạ cánh, đường băng, sân đỗ máy bay trong cả nước. Mới nhất, CIENCO4 đã có thư ứng tuyển làm nhà thầu tại hai dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

“Lĩnh vực thi công hạ tầng giao thông chắc chắn sẽ khởi sắc trong giai đoạn tới khi hàng loạt dự án giao thông quy mô lớn đồng loạt triển khai, nhất là các dự án cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành, tạo thêm nguồn việc làm dồi dào cho các doanh nghiệp”, ông Huỳnh chia sẻ.

Cần hơn 447 nghìn tỷ đồng đầu tư giao thông trong 5 năm

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT cần hơn 447.200 tỷ đồng. Trong số này, có gần 27.300 tỷ đồng trả nợ thuộc nghĩa vụ ngân sách; gần 102.000 tỷ đồng để triển khai các dự án chuyển tiếp và hơn 318.000 tỷ đồng cho 192 dự án triển khai mới (47 dự án nhóm A và 145 dự án nhóm B).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top