Aa

Thời "đong gạo"

Thứ Năm, 22/11/2018 - 06:00

Những khi mẹ chưa đong được gạo, hai anh em tôi cầm rá đi vay, tôi vẫn tránh những nhà có con gái là bạn cùng lớp. Vì ngượng. Nhưng cũng có lần đi hết các nhà mà vẫn không vay được gạo. Tôi đành sang nhà gần đó, dù rất ngại vì là nhà đứa lớp phó là con gái. Không chỉ là lớp phó, mà còn rất trắng trẻo. Đã hy vọng không gặp bạn ở nhà, nhưng trớ trêu là lại có mỗi "nó" trong nhà.

Hôm nay nghe người nhà nhắc nhau: "Hết gạo rồi, mai bác mua hộ mấy cân nhé!".

Tự nhiên nhớ ra là ngày xưa, một thời gian rất lâu, chẳng ai nói "mua gạo", mà nói "đong gạo".

Khi mình còn bé, ở thành phố, cái sổ mua lương thực của cả nhà, gọi là "sổ gạo", để ở nơi khá đặc biệt: Trên tường, ở cái hốc thông hơi sát mái. Muốn lấy, người lớn phải kê ghế mới với được. Trước năm 1964, người lớn hay nói chuyện "Mỹ - Nguỵ" định đánh ra miền Bắc. Mình không hiểu thế nào là chiến tranh. Mình nói với chú ruột: "Chú ơi, có phải "nó" ra đây thì nó lấy mất sổ gạo của nhà mình à?". Trong tâm trí mình, khi đó 6 tuổi, cái sổ gạo là cái quý nhất, và mất nó là tai hoạ lớn nhất.

Rồi chiến tranh ném bom đến với nơi mình ở. Cả nhà đi sơ tán. Nơi sơ tán là làng Cốc. Dạo này hay được gọi là "Làng cổ Bách Cốc". Thuở đó, làng này rất đẹp, nhất là nhà nào cũng có những bức tường bằng duối đan xen khít vào với nhau, được cắt tỉa vuông vắn.

Mua hàng tem phiếu thời bao cấp.

Mua hàng tem phiếu thời bao cấp.

Thời đó, dân sơ tán ăn gạo mậu dịch. Dù là chiến tranh, hệ thống phân phối gạo vẫn có chi nhánh toả về mọi vùng nông thôn để phục vụ. Nhưng địa điểm bán gạo thì lúc chỗ này, lúc chỗ khác. Lúc xa, lúc gần. Cái sổ gạo vẫn mỗi tháng thêm một dòng người bán ghi số kilogam gạo đã bán. Cũng có nhiều lần gạo mậu dịch muộn, hoặc do bom đạn nên thay điểm bán chưa thông báo kịp, nên nhà hết gạo. Mẹ đi làm nhà máy chưa về, hai anh em cầm rá gạo đi vòng cả xóm để vay.

Thời ấy vay gạo là chuyện bình thường, chiều nào cũng có người cầm rá đi vay gạo. Nhưng nói chung dân sơ tán vẫn có gạo ổn định. Hay đi vay là dân trong làng. Trong trí nhớ của mình, làng Cốc nghèo lắm. Rơm rạ thì nhiều, nhà nào cũng mấy đống rơm đống rạ, đun nấu cả năm. Nhưng gạo thì lại ít. Gia đình mình sơ tán về nhà họ hàng đằng ngoại. Vào mùa, thóc đựng trong bồ góc nhà. Và giữa nhà có bộ hậu sự đóng sẵn để ngay gần phản, sát ban thờ. Lúc được mùa, thóc phơi khô xong để đầy quan tài. Hết thóc trong bồ thì mở ván lấy dần thóc ở đó ra giã gạo. Thường thì thóc cạn rất nhanh. Nhiều tháng người dân quê ăn ngô khoai thay gạo. Cho nên dân sơ tán, với tiêu chuẩn gạo mậu dịch ổn định, vẫn được dân quê nhìn như những người "giàu". Và hay có người đến vay gạo dân sơ tán.

Gạo mậu dịch hồi đó lúc là gạo tốt, lúc là gạo để lâu, không còn hương gạo, mà đã ngả màu vàng, toả ra "mùi bao tải". Nhưng gạo mậu dịch có đặc điểm là nở. Một bát gạo thành mấy bát cơm. Dân quê có gạo mới, thơm và ngon, nhưng không nở khi nấu. Có loại, như gạo Di Hương, bát gạo được một bát cơm. Vì thế người dân quê "thích" được đổi gạo mới họ có lấy gạo của mấy nhà sơ tán đong ở kho mậu dịch. Luôn có hàng xóm đến gạ đổi gạo. Họ vui mừng đổi lấy gạo đã mất mùi về ăn, đưa cho chúng tôi những cân gạo nồng mùi thơm, nấu phải cho thật ít nước vì hạt gạo căng nhựa.

Những khi mẹ chưa đong được gạo, hai anh em tôi cầm rá đi vay,  tôi vẫn tránh những nhà có con gái là bạn cùng lớp. Vì ngượng. Nhưng cũng có lần đi hết các nhà khác mà vẫn không vay được gạo. Sang xóm bên, rất xa, cũng không nhà nào còn gạo nhiều để cho vay. Tôi đành sang nhà gần đó, dù rất ngại đó là nhà đứa lớp phó là con gái. Không chỉ là lớp phó, mà còn rất trắng trẻo. Đã hy vọng không gặp bạn ấy ở nhà, nhưng trớ trêu là lại có mỗi "nó" trong nhà. Lắp bắp nói mấy câu giả vờ hỏi thời khoá biểu rồi quay về, nhưng vì tôi đang cầm cái rá không trên tay, nên "nó" hỏi ngay:"Hết gạo à?". Rồi "nó" bảo: Ngồi đấy đợi tý!

Cô bạn vào nhà, nghe tiếng vét thóc kêu quèn quẹt. Có nghĩa là cũng cạn thóc rồi. Rồi bưng ít thóc ra cối sau nhà, chân nhún đạp cái cần cối to, tay nắm lấy sợi thừng từ nóc nhà chăng xuống. Một lúc thì vét lên, sàng lùa trấu. Tôi ngượng chín người chìa rá ra, chỉ thoáng thấy khuôn mặt cô bạn tóc mai ướt đẫm mồ hôi đang trút gạo sang. Rồi tôi lí nhí nói: "Khi nào mẹ tớ đong được gạo, sẽ trả".

Một năm trước tôi về lại làng Cốc. Cái làng giờ đây như bé hẳn đi, nhà sát nhau. Tường duối còn ít lắm. Vì duối cổ có giá, người ta lùng mua, chỉ nhà nào quý lắm mới giữ lại được. Những cây duối rất to, rất già. Bởi bọn bạn giờ cũng già đi. Bạn cùng học lớp 3, lớp 4 xưa gặp nhau. Nhìn mặt thì vẫn nét ngày trước, nhưng nhiều thằng bạn mình ôm vai, thấy xương vặn vẹo cả. Lao động nặng cả đời, không còn đứa nào vóc dáng thẳng thắn nữa. Niềm vui chỉ là chén rượu. Chỗ nhà cô bạn cho vay gạo, giờ chi chít đến gần chục nóc nhà, lại có ngõ nữa, chật chội như phố cổ. Cười chào mình là một bà gầy nhỏ, yếu, duy nhận ra là nước da vẫn trắng, dù cả đời bùn đất nông thôn.

Thương lắm làng cổ Bách Cốc. Thương lắm cái thời "đong gạo"!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top