Đối với BOT, hiện nay dư nợ tốc độ tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực BOT thấp hơn so với năm trước. Tỷ trọng tín dụng cho BOT chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ tín dụng tức là mức rất thấp và hiện nay nợ xấu được kiểm soát ở mức rất thấp.
"Tuy nhiên nhu cầu vốn rất lớn cho các dự án BOT. Vừa qua chúng tôi yêu cầu các tổ chức tín dụng là phải kiểm soát chặt các hoạt động tín dụng cho vay BOT và bất động sản", Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định.
Trong 10 tháng năm 2017, tín dụng cho vay bất động sản chỉ khoảng 7,1% và tỷ trọng tín dụng cho vay bất động sản trên tổng dư nợ chỉ khoảng 6,5%, trong khi cùng kỳ năm ngoái thì tín dụng cho bất động sản cỡ khoảng trên 10% và tỷ trọng cũng khoảng hơn 7%. Như vậy, là cả cấp độ tăng và tỷ trọng cũng đã giảm. Chúng ta cũng đã kiểm soát được rủi ro và dành tín dụng cho những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên.
Thời gian tới đây, theo chỉ đạo của Chính phủ thì Ngân hàng nhà nước vẫn quyết tâm kiểm soát rất chặt chẽ những rủi ro trong lĩnh vực.
Tuy nhiên, nhu cầu vốn rất lớn cho nên hệ thống ngân hàng vẫn có thể tiếp tục cung ứng vốn cho vay những dự án nếu phương án tài chính là khả thi và các nhà đầu tư có năng lực thực sự. Điều này là yếu tố then chốt trong việc cho vay các dự án BOT giao thông.
"Đồng thời với việc đó, kiểm soát tín dụng cho bất động sản thì chúng tôi kiểm soát bằng các tỷ lệ an toàn. Ví dụ chúng tôi đã tăng hệ số rủi ro khi cho vay tín dụng bất động sản và chúng tôi giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Đây là những công cụ rất quan trọng để kiểm soát được tốc độ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro", Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời trước Quốc hội./.