Ngành ngân hàng quán triệt sâu sắc tinh thần tăng trưởng tăng tốc, bứt phá
Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định, ngành ngân hàng quán triệt sâu sắc tinh thần tăng trưởng tăng tốc, bứt phá. Toàn ngành phải làm thế nào để góp phần đưa nền kinh tế cả nước đạt được tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên, và tạo đà cho mục tiêu tăng trưởng cao trong giai đoạn 2026 - 2030.
Riêng ngành ngân hàng còn có nhiệm vụ song song, là phải đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế đầu năm 2025 cho thấy, diễn biến kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục khó lường. Với độ mở cửa lớn của nền kinh tế Việt Nam, thì những căng thẳng, thay đổi về chính sách thương mại sẽ tiếp tục tạo nhiều áp lực cho thị trường tài chính. Vì vậy, chính sách tiền tệ, tỷ giá của các ngân hàng Trung ương trên thế giới nói chung và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói riêng sẽ cùng chịu rất nhiều áp lực.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Ở trong nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lo ngại, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của chúng ta cải thiện nhưng vẫn còn những khó khăn thách thức, doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh này và với mục tiêu tăng trưởng bứt phá, bà Hồng cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vào những trọng tâm.
Trước hết, một nhiệm vụ rất quan trọng, là nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, đó là theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, phía Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16% trong năm 2025 và thông báo ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng để chủ động. Ngân hàng Nhà nước cũng căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5 - 5%, để đánh giá, theo dõi diễn biến thực tế. Trường hợp kiểm soát lạm phát ở mức thấp hơn, hoặc cao hơn để có thể có những điều chỉnh đối với tăng trưởng tín dụng, bà Hồng cho biết.
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm khác, như thúc đẩy đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, thúc đẩy chuyển đổi số, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, mạng lưới xử lý nợ xấu… Ngân hàng Nhà nước cũng đang quyết liệt xử lý.
Với vấn đề tỷ giá, theo bà Hồng, cốt lõi là cung cầu ngoại tệ. Hiện nay tỷ giá đang chịu áp lực, kể cả chính quyền Trump mới có chính sách về thuế hay vấn đề thao túng tiền tệ. Chính phủ đã có chỉ đạo, các bộ, ngành cần có giải pháp để hài hòa hóa thương mại với các đối tác lớn để làm sao chúng ta không vào danh sách chịu áp thuế.
Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát hành lang pháp lý, để khi cần các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì các Tổ chức tín dụng đã có cơ sở thực hiện.
Rút ngắn thời gian phê duyệt, triển khai dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra một số kiến nghị liên quan đến dòng vốn, tín dụng. Trong đó, để đạt được tăng trưởng cao thì cần phải khai thác tối đa yếu tố về vốn, đó là phải huy động cả trong nước và nước ngoài, vì bản chất nền kinh tế Việt Nam thì tiết kiệm chưa đủ bù đắp nhu cầu đầu tư. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong muốn Chính phủ đẩy mạnh vấn đề này, trong bối cảnh hiện dư địa để huy động vốn nước ngoài đã có, các bộ, ngành cũng đang thực hiện, nghiên cứu, rà soát. Cùng với đó, là tăng năng suất lao động cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Tại Hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, dự án; sớm khơi thông nguồn lực của các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Đặc biệt, Thống đốc đề cập đến yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn hiện nay. Hiện Quốc hội, Chính phủ đang tích cực cải cách, tháo gỡ khó khăn, giảm tầng nấc trung gian, đó là tín hiệu tốt. Bởi việc làm sao rút ngắn thời gian phê duyệt, triển khai dự án, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn là rất quan trọng. Từ đó, dòng vốn sẽ quay về ngành ngân hàng nhiều hơn, để các ngân hàng có điều kiện tiếp tục cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp và người dân, giúp việc giảm lãi suất cho vay thuận lợi hơn.
Đặc biệt, bà Hồng thông tin, dư nợ tín dụng bất động sản của hệ thống hiện nay 3,48 triệu tỷ đồng, nhưng rất nhiều dự án đang gặp khó khăn. Vì vậy, nếu các dự án được tháo gỡ, sẽ giúp cho dòng tiền quay trở lại ngân hàng, dòng tiền lưu thông hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng.
Đối với tín dụng nhà ở, ngành ngân hàng rất quyết liệt dành nguồn lực tài chính của hệ thống. Tuy nhiên, gói cho vay nhà ở 120.000 tỷ đồng đang giải ngân hạn chế, lý do là người dân có thu nhập thấp nên không phải ai cũng có mong muốn đi vay để sở hữu nhà ở.
"Cho nên Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu sở hữu nhà ở, thuê hoặc thuê mua để có các giải pháp phù hợp. Về phía ngành ngân hàng, chúng tôi cũng sẽ tập trung cấp tín dụng đối với người dân có thu nhập thấp có nhu cầu mua, sở hữu nhà ở và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Đối với lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có thể tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời, để tín dụng có thể tăng trưởng 16% trở lên như chỉ tiêu đề ra và có thể điều chỉnh thêm khi bối cảnh phù hợp và nền kinh tế có nhu cầu, bà Hồng nhấn mạnh, cần có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có cơ chế bảo lãnh vay vốn để các doanh nghiệp này tiếp cận vốn tín dụng hiệu quả hơn.