Aa

Thống nhất nghiên cứu triển khai đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP

Dương Minh Anh
Dương Minh Anh duongminhanh070902@gmail.com
Thứ Sáu, 20/09/2024 - 11:33

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất nghiên cứu, triển khai Dự án cao tốc Nha Trang (Khánh Hoà) - Đà Lạt (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT để thu hút nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; đẩy nhanh thực hiện dự án trước năm 2030.

Văn phòng Chính phủ có Thông báo 426/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng).

nghiên cứu triển khai Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, dự kiến hoàn thành trước 2030. (Ảnh minh hoạ)

Nghiên cứu triển khai Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, dự kiến hoàn thành trước 2030. (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, thông báo kết luận nêu rõ, tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt là tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối hai địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh là duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; đồng thời kết nối hai trung tâm kinh tế, du lịch lớn của đất nước là tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng.

Báo cáo của tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhu cầu vận tải hàng hóa bằng phương tiện trọng tải lớn từ Tây Nguyên đến các cảng biển duyên hải Nam Trung Bộ ngày càng cao; cần có một tuyến đường chất lượng cao và an toàn kết nối hai trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm quốc phòng - an ninh của khu vực; góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Do vậy, nhu cầu sớm đầu tư cao tốc này là rất cần thiết.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thống nhất nghiên cứu triển khai Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP, hợp đồng BOT để thu hút nguồn lực của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao UBND các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa sớm thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải, có văn bản chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án theo quy định.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phải có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương và Nhà đầu tư đề xuất dự án về thiết kế hướng tuyến, các giải pháp kỹ thuật xây dựng để đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động, ảnh hưởng đến rừng, tổng mức đầu tư, phương án tài chính, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án, hiệu quả đầu tư và các thủ tục để triển khai dự án trước năm 2030.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương và Nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xem xét, hướng dẫn các thủ tục về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương và nhà đầu tư cần đề xuất dự án các nội dung, thủ tục liên quan để sớm hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt dự kiến dài hơn 80,8km, được thiết kế với quy mô 4 làn xe và tốc độ 80-100km/giờ. Thời gian thực hiện dự án kéo dài khoảng từ 2024 - 2028. Dự án có điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối tại ngã ba Darahoa thuộc phường 12, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng hơn 25.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tham gia vào dự án 17.540 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động hơn 7.500 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai địa điểm xuống còn khoảng 1,5 - 2 giờ (so với hiện tại khoảng 3,5 - 4 giờ). Đây được xem là động lực lớn không chỉ thu hút du khách tham gia các tour du lịch kết nối giữa biển và hoa mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch toàn vùng. Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top