Vị thế thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu

Vị thế thu hút FDI của Việt Nam trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Sáu, 05/05/2023 - 06:06

thu hút FDI

 

Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua. Triển khai các hành động của BEPS, tháng 7/2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của G20 đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (gọi tắt là Thỏa thuận Thuế tối thiểu toàn cầu), bao gồm: (1) Trụ cột 1 là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số; (2) Trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Ngày 02/02/2023, OECD đã công bố chi tiết bản hướng dẫn cuối cùng đối với chính phủ các nước về cách thức đưa thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tối thiểu toàn cầu vào các văn bản luật, trong đó có Quy tắc Chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Global Anti-Base Erosion - GloBE Rules) tiến gần hơn việc triển khai cải cách thuế vào năm 2024.

Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu; Thuỵ Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Australia và vùng lãnh thổ HongKong (Trung Quốc)… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu.

Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, tương tự như Việt Nam, đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (QDMTT) để tránh việc các tập đoàn phải nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty con có thuế suất thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính, đồng thời cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các công ty mới.

Việt Nam được coi là cứ điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, dự kiến từ năm 2024, Samsung và nhiều công ty lớn khác sẽ chính thức trở thành doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của Trụ cột 2 (Thuế tối thiểu toàn cầu)”, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam chia sẻ tại một diễn đàn gần đây.

Đại diện Samsung Việt Nam bày tỏ sự lo lắng và cho rằng, những chính sách mà Chính phủ Việt Nam ứng phó với Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tính quyết định đến năng lực cạnh tranh của các công ty thuộc tập đoàn đa quốc gia lớn đang hoạt động tại đây. Thậm chí có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp đa quốc gia phải xem xét lại chiến lược vận hành cứ điểm sản xuất đầu tư của mình, do năng lực cạnh tranh tại Việt Nam bị ảnh hưởng.

“Trong bối cảnh Thuế tối thiểu toàn cầu đang được triển khai áp dụng như hiện nay, chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam sẽ không còn phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI”, “đại bàng” FDI đưa ra cảnh báo và đề xuất, Việt Nam cần xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu.

************

Trong cuộc đời mình, GS. TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã từng ký khoảng 1.400 - 1.500 giấy phép đầu tư nước ngoài, nhiều nhất là ở giai đoạn đầu trong hành trình thu hút FDI của Việt Nam. Ông cũng là nhân chứng lịch sử quan trọng, chứng kiến rất nhiều sự đổi thay, được mất của Việt Nam trong suốt hơn 35 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ sau Đổi mới đến nay.

Bằng sự uyên bác, thông tuệ cùng trăn trở của của người gắn bó gần cả cuộc đời với đầu tư nước ngoài, GS. TSKH. Nguyễn Mại hiểu rõ hơn ai hết những đóng góp cũng như sức lan tỏa, ảnh hưởng của khối doanh nghiệp FDI đến nền kinh tế và sự trưởng thành, lớn mạnh từng ngày của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Đối thoại với Reatimes trong thời điểm thu hút đầu tư FDI đang rất được quan tâm, GS. TSKH. Nguyễn Mại nhấn mạnh, Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra làn sóng FDI mới có giá trị cao hơn nhưng nếu không có cơ chế “chia sẻ lợi ích” và cải thiện chính sách xúc tiến đầu tư, thủ tục hành chính để giúp đỡ các nhà đầu tư khi thực hiện dự án, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội lớn. Theo đó, việc thực thi quy định này đang tạo ra thời cơ tốt để Việt Nam cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư có chất lượng và có trọng điểm hơn.

Thu hút FDI

Đối thoại Reatimes: Chưa bao giờ, vấn đề thu hút nguồn vốn FDI lại trở nên nóng bỏng như hiện nay khi cả hai bên là Chính phủ Việt Nam - nước nhận đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài đều có những nỗi lo riêng khi đứng trước thời khắc thực thi quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu của OECD.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.

Đến thời điểm này, áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu đã không còn là vấn đề nên hay không nên mà gần như đã trở thành điều kiện bắt buộc nếu Việt Nam không muốn nằm ngoài cuộc cạnh tranh về thu hút FDI. Là một quốc gia đang phát triển, có độ mở của nền kinh tế lớn, phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài, điều chúng ta cần làm lúc này là đối mặt với thách thức và nắm bắt được cơ hội mới, thưa ông?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Thời gian qua, trên thế giới có rất nhiều thiên đường thuế - đó là các nước đánh thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0 hoặc rất thấp. Đã có hiện tượng các công ty đa quốc gia chuyển dịch lợi nhuận sang các thiên đường thuế này. Theo số liệu công bố của OECD (đầu tháng 1/2023), ước tính mỗi năm các nước nhận đầu tư mất đi khoảng 220 tỷ USD doanh thu thuế. Do đó, không có lý do gì mà các nước không áp dụng một cơ chế thống nhất để thu lại 220 tỷ USD đó (và có thể còn nhiều hơn nữa ở những năm tới).

Việt Nam cũng được đánh giá là một thiên đường thuế. Về vấn đề chuyển giá, trốn thuế, chúng ta đã phát hiện ra thực trạng này từ lâu nhưng chưa có giải pháp để khắc phục. Do đó, quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu tạo ra cơ hội cho Việt Nam và các nước giải quyết tình trạng xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, tăng thêm nguồn thu ngân sách.

Quan trọng hơn, cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng cho tất cả các quốc gia. Nếu không kịp thời đưa ra các quy định pháp luật liên quan đến cơ chế thuế này thì Việt Nam sẽ mất đi một khoản thu lớn hàng năm.

thu hút FDI

Ví dụ, hiện nay, công ty Samsung đang đóng thuế ở mức 6,9%. Khi áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% thì còn khoảng 8% chênh lệch. Theo ước tính của doanh nghiệp, mỗi năm công ty này sẽ phải đóng thêm khoảng 600 triệu USD. Như vậy, nếu Việt Nam không sớm nội luật hóa để chính thức áp dụng, thì từ năm 2024, mức chênh lệch đó sẽ thuộc về Hàn Quốc - nơi đặt trụ sở chính của Samsung.

Mặt khác, hiện nay các nhà đầu tư quốc tế đang đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nhưng nếu không phản ứng nhanh về cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu thì rất nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều sẽ phải đóng thêm phần thuế chênh lệch cho quốc gia có công ty mẹ. Môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn vì sẽ có lập luận rằng, Chính phủ Việt Nam không quan tâm đến lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Nếu trường hợp đó xảy ra, tức là phản ứng chính sách quá chậm thì không chỉ nhà đầu tư hiện nay mà cả những nhà đầu tư đang có ý định đầu tư trong tương lai cũng rất nghi ngờ.

Tôi cảm nhận được doanh nghiệp FDI đang lo lắng và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Nếu khi đầu tư vào Việt Nam bất lợi vì chưa có Thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang Indonesia hay Ấn Độ, nơi đã có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy tắc thuế mới này.

Vì thế, ngay từ bây giờ, phải rốt ráo nghiên cứu và thực hiện bổ sung các quy định về mặt luật pháp để đầu năm 2024, Việt Nam có thể cùng với các nước thực hiện cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu.

- Thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu đồng nghĩa với việc, các biện pháp ưu đãi thuế với nhóm doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam sẽ không còn nhiều tác dụng, trong khi đó, đây vốn được xem là giải pháp quan trọng giúp Việt Nam thu hút mạnh dòng vốn FDI trong thời gian qua. Trong bối cảnh mới như vậy, Việt Nam có gì để cạnh tranh trong thu hút FDI chất lượng?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu với mức thuế phổ thông 20% - thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Nhiều tập đoàn đa quốc gia có dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại còn được ưu đãi mức thuế chỉ dưới 10%. Trong đó, 4 năm đầu được miễn thuế, 5 năm tiếp theo chỉ đóng 50% thuế suất…

Tôi cho rằng, ưu đãi thuế sẽ không bao giờ mất đi kể cả khi áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu nhưng sẽ phải có sự điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn. Hay nói cách khác, thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu là thời cơ để Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút FDI thời gian tới.

Nhưng cũng phải nhấn mạnh, chính sách của nhiều nước, trong đó có nước ta, đã quá coi trọng ưu đãi thuế. Thuế là ưu đãi cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng quan trọng nhất. Nhằm hướng tới mục tiêu quản trị tốt và minh bạch, các quốc gia nên thực hiện đánh giá lợi ích và chi phí của các chính sách ưu đãi thuế như một điều kiện tiên quyết trước khi phê duyệt các ưu đãi thuế đó.

Việc ưu đãi thuế giảm tác dụng khi thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều đáng quan ngại. Và cũng cần phải thay đổi tư duy rằng, Việt Nam có những lợi thế khác trong thu hút FDI và cần phải duy trì khả năng cạnh tranh bằng những lợi thế đó chứ không nên tiếp tục cạnh tranh bằng ưu đãi thuế.

thu hút FDI

- Các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam mong muốn được “bù đắp” khoản thuế chênh lệch mà họ sẽ phải đóng thêm khi áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Ông có đề xuất cơ chế hỗ trợ như thế nào để giữ vững vị thế thu hút FDI của Việt Nam trên toàn cầu nhưng không tạo ra phân biệt đối xử với doanh nghiệp nội?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Cho đến thời điểm hiện tại, các ưu đãi thuế chủ yếu của Việt Nam là giảm, miễn thuế. Điều này không còn thích hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn. Nhiều nước đã chuyển sang áp dụng ưu đãi thuế về chi phí và ưu đãi thuế về đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài lập ra một trung tâm R&D, hay khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo - Việt Nam đang rất cần những trung tâm như vậy, tuy nhiên, điều kiện ưu đãi của Việt Nam chỉ được áp dụng khi nhà đầu tư tạo ra sản phẩm, doanh thu, lợi nhuận. Còn tại các nước, ưu đãi này được áp dụng ngay từ đầu và với mức ưu đãi cao, có quốc gia (như Mỹ, Anh) áp dụng mức ưu đãi lên tới 20 - 40%.

Ví dụ, Samsung xây dựng 1 trung tâm R&D có giá trị 230 triệu USD, thì Chính phủ sẽ tài trợ khoảng 20 - 40% của 230 triệu USD đó. Đây gọi là ưu đãi chi phí đầu tư.

Samsung
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT). (Ảnh: VnExpress)

Các nhà đầu tư chưa có lãi nhưng được Chính phủ tài trợ thì giống như được giảm một phần chi phí bỏ ra để đầu tư và thu về lợi nhuận cao hơn. Việt Nam chắc chắn cũng phải nghiên cứu chuyển dần sang ưu đãi trên cơ sở chi phí đầu tư và kinh doanh bằng khoản trợ cấp tài chính của Chính phủ.

Tại một hội thảo gần đây, Tổng Giám đốc Samsung (đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chịu tác động khi nước ta áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu) chia sẻ, hàng năm, nếu đóng thuế 15%, Samsung sẽ nộp thêm cho Việt Nam khoảng 600 triệu USD. Samsung đề nghị Việt Nam lấy 400 triệu USD trong đó để tài trợ cho Sam Sung, trong đó 200 triệu USD để đổi mới thiết bị, công nghệ, 200 triệu USD làm chi phí nghiên cứu, phát triển. Như vậy, Việt Nam vẫn còn 200 triệu USD, trong khi Samsung có được khoản tài trợ để phát triển nhanh hơn, điều này mang lại lợi ích dài hạn cho cả Samsung và Việt Nam.

thu hút FDI

Trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chúng ta sẵn sàng đàm phán nhưng hỗ trợ cho Samsung bao nhiêu, bằng cách nào để không vi phạm các quy định trên trường quốc tế, đặc biệt liên quan đến các hiệp định FTAs đã ký và các hiệp định bảo hộ đầu tư của các nước? Đây là vấn đề cần tính toán kỹ.

Không chỉ Samsung mà còn Intel và doanh nghiệp đến từ các nước khác, chúng ta cũng cần đối xử công bằng. Muốn vậy, cần sớm có chương trình hành động cụ thể, tiến hành đàm phán với từng nhà đầu tư để thỏa thuận với họ về cách mà hai bên chia sẻ lợi ích với nhau để đảm bảo sự hài hòa. Đây là vấn đề mà Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ phải làm sau khi có quyết định của Quốc hội và Chính phủ.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể học tập Indonesia áp dụng thuế carbon cho các nhà đầu tư có hoạt động sản xuất giảm carbon được hưởng.

Ngoài ra, theo khuyến nghị của OECD, trong điều kiện áp dụng 15% thuế tối thiểu toàn cầu đối với các doanh nghiệp có 750 triệu EUR doanh thu hàng năm thì có thể áp dụng thuế tối thiểu nội địa vào khoảng 6,5% để hỗ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia lớn.

Như vậy, ngoài việc xem xét lại thuế thu nhập doanh nghiệp - tối thiểu 15% mà Việt Nam cũng đã đồng thuận, thì còn phải xem xét lại toàn bộ các chính sách và thuế ưu đãi có gắn với thuế ưu đãi này dựa trên nghiên cứu các văn bản của G7, G20, OECD, tham khảo quy định của một số nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thành viên ASEAN… từ đó chọn lọc những nội dung phù hợp với nước ta trong quá trình bổ sung, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế… và các nghị định.

Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn và cần nhiều thời gian, trong khi từ nay đến cuối năm 2023, chỉ còn gần 8 tháng, đòi hỏi Việt Nam phải chạy nước rút để có thể hoàn thành các quy định.

- Đến thời điểm này, phải chăng Chính phủ đã thấy rõ được những thách thức cũng như cơ hội mà quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu mang lại thông qua việc tăng cường đối thoại với doanh nghiệp FDI và có những giải pháp mang tính “nước rút” thưa ông?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Từ năm 2022, khi tình hình dịch bệnh ổn định, Chính phủ đã bắt đầu cho nghiên cứu về quy tắc thuế mới này. Tháng 6/2022, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã tổ chức hội thảo đầu tiên và trình Thủ tướng đề xuất các giải pháp thực hiện Thuế tổi thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Ngay sau đó, Thủ tướng đã thành lập tổ công tác để tư vấn cho Chính phủ. Tổ công tác gồm các chuyên gia đầu tư, chuyên gia kinh tế, chuyên gia tài chính, chuyên gia thuế và đại diện các công ty kiểm toán “Big 4”.

Tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Ngày 31/3/2023, Bộ Tài chính đã báo cáo trực tiếp Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai các giải pháp ứng phó cho Việt Nam.

Mới đây, hôm 18/4, Bộ Tài chính chủ trì tổ chức Hội thảo: “Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” đã một lần nữa tái khẳng định tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc có giải pháp để nội luật hóa quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu.

Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái với các quy định và cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Nếu Chính phủ có thể trình Quốc hội sửa các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế vào tháng 10 này thì năm 2024 mới có thể thực hiện được. Nếu không kịp, Quốc hội có thể ra nghị quyết cho Chính phủ ban hành các quy định dưới luật để thực hiện.

Chúng ta đang làm một cách thận trọng bởi đây là vấn đề liên quan đến các nhà đầu tư FDI lớn. Chính phủ muốn tham vấn ý kiến của họ, cũng như ý kiến của những nước/lãnh thổ đầu tư nhiều vào Việt Nam như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… và tiến hành đàm phán để đưa ra những thỏa thuận mới.

thu hút FDI

- Là người theo sát hành trình hơn 35 năm thu hút FDI của Việt Nam, Giáo cảm nhận ra sao về những đóng góp của khu vực này đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam và việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng gần 300 tỷ USD vốn FDI đầu tư thực hiện. Tôi không muốn nhắc đến vốn đăng ký vì đó chỉ là con số ảo.

Những năm đầu mới thu hút vốn FDI, khu vực này chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bình quân trong 35 năm qua, vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 22% vốn đầu tư toàn xã hội. Có thể thấy, đây là một tỷ lệ rất lớn. Khu vực FDI đã tạo được việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Về cơ cấu, vốn đầu tư nước ngoài đã tạo nên những ngành nghề mà trước đây Việt Nam không có, ví dụ như ngành dầu khí.

Toàn bộ ngành dầu khí từ thăm dò, khai thác, lọc dầu, hóa dầu phần lớn là vốn đầu tư nước ngoài. Trước đây, mỗi năm ngành dầu khí góp vào khoảng 20% thu ngân sách nhà nước, hiện nay đã giảm đi chỉ còn 5 - 6% nhưng có thể khẳng định, ngành dầu khí Việt Nam đã lớn mạnh không kém so với các nước trong khu vực ASEAN.

Không chỉ thăm dò, Việt Nam còn đóng được những dàn khoan lớn để khai thác và xuất khẩu trực tiếp, làm chủ công nghệ và tự nghiên cứu thông qua các viện nghiên cứu của chúng ta. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đó đã không chỉ mang vốn, mà còn là những công nghệ hiện đại đến Việt Nam. Họ cũng đã góp phần rất quan trọng đào tạo ra đội ngũ nhân lực mà sau này, đều là cán bộ chủ chốt của ngành dầu khí.

Việt Nam hiện đứng đầu trong ASEAN về công nghệ thông tin. Trước đây, ngành này rất lạc hậu, thậm chí chỉ có điện thoại cố định, khi có điện thoại di động thì giá lại rất cao, chi phí để sản xuất cũng rất cao. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài đã góp phần giúp ngành công nghệ thông tin phát triển rất nhanh, thậm chí ngang ngửa với Singapore - nước dẫn đầu về công nghệ. Hiện Việt Nam là một trong số ít quốc gia nhanh chóng phát triển mạng 5G và tự sản xuất các thiết bị 5G.

Dẫn chứng như vậy để thấy, trong cơ cấu 50% tổng giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 55%) vốn FDI thì phần lớn là công nghiệp hiện đại, như sản xuất máy tính, smartphone, ipad, các thiết bị điện tử để xuất khẩu.

Một ngành khác mà chúng ta cũng có thể nhắc tới là xây dựng, khách sạn. Hãy nhìn các khách sạn 5 sao, nhìn các khu đô thị như Phú Mỹ Hưng, nhìn bộ mặt đô thị Việt Nam thay đổi nhanh chóng ra sao khi các đầu tư nước ngoài đến, thì sẽ thấy những đóng góp của khu vực này lớn như thế nào…

thu hút FDI

Hơn nữa, quan sát có thể thấy, tư duy, hành động của người Việt Nam nhờ ảnh hưởng bởi sự thay đổi phương thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng từ doanh nghiệp FDI đã khác đi rất nhiều. Trước đây, để làm được một cái nhà thôi cũng mất rất nhiều thời gian, nhưng rõ ràng hiện nay, chúng ta đã bắt kịp các nước từ kỹ thuật xây dựng đến công nghệ. Chất lượng cuộc sống của người dân Việt cũng được nâng cao. Tất cả điều này là đóng góp quan trọng không thể đo đếm được bằng tiền nhưng có thể thấy, hiện nay chúng ta sống ở Việt Nam không khác gì sống ở nước ngoài.

Cũng từ những bệ đỡ vững chắc mà các nhà đầu tư nước ngoài mang lại, Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang rất nhiều nước và hiện nay đã có được một vị thế rất quan trọng trên bản đồ đầu tư của thế giới.

thu hút FDI

- Thưa Giáo sư, sự gia tăng về số lượng và những đóng góp lớn của doanh nghiệp FDI trong thời gian qua có làm lu mờ đi vai trò và vị thế của doanh nghiệp Việt?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: 72% tổng kim ngạch xuất khẩu là của khối FDI. Rất nhiều ý kiến lo ngại rằng, liệu FDI có chèn ép doanh nghiệp trong nước nên chỉ sản xuất để xuất khẩu.

Tôi cho rằng, đó là nhìn nhận thiếu thực tế. Vì xuất khẩu của khu vực FDI chủ yếu là xuất khẩu công nghiệp chế biến, chế tạo. Samsung là tập đoàn kinh tế xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam (khoảng 65 - 66 tỷ USD/năm), hoàn toàn không chèn ép ai hết.

Năm 2022, khu vực FDI xuất siêu khoảng hơn 40 tỷ USD, bù đắp được nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước khoảng 27 - 28 tỷ USD nên tạo ra xuất siêu 12 -13 tỷ USD cho Việt Nam. Nếu không có khoản ngoại tệ xuất siêu thì hàng năm làm sao hàng trăm nghìn doanh nghiệp mới của Việt Nam có tiền nhập khẩu trang thiết bị? Bởi ngành cơ khí nước ta chưa phát triển, trang thiết bị trong nước chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp mới. Chính nhờ khu vực FDI, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ hơn.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu”. Còn Nghị quyết 50/NQ-TW khẳng định: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác”.

Hiện nay, chúng ta có nền kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh, có nhiều tập đoàn lớn, nhiều công ty vừa và nhỏ cũng đã có năng lực. Chúng ta quan tâm đến FDI ở khía cạnh thúc đẩy họ vừa để giúp đất nước phát triển, vừa để giúp doanh nghiệp trong nước phát triển.

Một số doanh nghiệp Nhật Bản tham gia hợp tác với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam, truyền lại cho doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm không chỉ trong xây dựng mà còn marketing thị trường, đưa ra những chính sách hấp dẫn với người tiêu dùng, liên kết với ngân hàng… Những vấn đề này rõ ràng có lợi cho việc nâng cao trình độ của doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh đó, yếu tố nước ngoài cũng là lực đẩy và có tác động lan tỏa giúp các thành phần kinh tế trong nước trở nên năng động, cạnh tranh hơn, phát triển với tốc độ cao hơn.

Kinh nghiệm của Viettel, FPT, TH true Milk trong đầu tư nước ngoài là bài học để các tập đoàn kinh tế khác nghiên cứu để vươn ra thị trường thế giới. Thành công của Vingroup, Sun Group trong đầu tư vào nhiều ngành, lĩnh vực đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường nội địa đã khẳng định năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, sự chuyển đổi chiến lược của Vingroup sang công nghiệp công nghệ cao rất cần được Chính phủ hỗ trợ để nhanh chóng gặt hái được những thành quả lớn.

Có thể thấy, hiện nay FDI không chỉ góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam mà còn của các doanh nghiệp Việt. Và lẽ dĩ nhiên, FDI góp phần chứ không phải là chủ lực cho phát triển kinh tế đất nước tự chủ, tự cường, hội nhập quốc tế.

- Thực tế, không còn bị động ngồi chờ vốn, những năm gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp Việt chủ động tìm kiếm và bắt tay với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Ông nghĩ sao về điều này?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Đúng vậy. Thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đã thay đổi từ cách đầu tư trực tiếp đến liên doanh với doanh nghiệp Việt. Nhiều doanh nghiệp địa ốc còn chủ động lựa chọn nhà đầu tư với mình mà không còn rơi vào tình trạng chờ đợi như trước. Ví dụ như trước đây, Nhật Bản chỉ đến Việt Nam và mua lại dự án. Nhưng phương thức hoạt động giờ đây đã khác bởi các tập đoàn Việt Nam đã lớn mạnh. Doanh nghiệp Việt có nhu cầu học hỏi cách thức huy động vốn, xây dựng vốn, bán hàng, cách vận hành và quản lý. 

Điều này cho thấy sức mạnh của các doanh nghiệp địa ốc và môi trường cạnh tranh của Việt Nam đang rất tốt.

bất động sản Việt Nam
bất động sản Việt Nam

Một chuyển biến quan trọng của ngành bất động sản là đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn khi nhiều chủ đầu tư đã chú trọng đưa các yếu tố xanh, thân thiện với môi trường vào trong các dự án.

Bất động sản đã có thay đổi đáng kể khi xuất hiện nhiều khu đô thị thông minh, công trình xanh thân thiện với môi trường. Thay vì những tòa nhà đơn độc, các khu đô thị đã được xây dựng hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn mới của thế giới, đầy đủ hệ thống giáo dục, trường học, các khu thể thao, trung tâm thương mại... Xu hướng hình thành khu đô thị xanh và thông minh đang ngày càng gia tăng. Ví dụ như tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đang hợp tác đầu tư cùng Tập đoàn BRG của Việt Nam triển khai dự án thành phố thông minh tại phía Bắc Hà Nội tại huyện Đông Anh. Dự án cung cấp 6 giải pháp thông minh gồm năng lượng, giao thông, quản trị, giáo dục, kinh tế, đời sống.

Nhiều người đánh giá bất động sản là lĩnh vực giữ vai trò không ngang ngửa với công nghiệp chế biến, chế tạo mà là ngành "có cũng được, không có cũng chẳng sao". Tôi cho rằng, nếu có suy nghĩ như vậy là hoàn toàn không hiểu gì về bất động sản. Bất động sản không chỉ là đất đai, nhà ở, khu đô thị mà còn là văn phòng cho thuê, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, cầu đường, trường học, bệnh viện... tạo cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh cho một xã hội phát triển. 

thu hút FDI

Trên thế giới không chỉ có tỷ phú công nghệ như Bill Gates mà còn có tỷ phú bất động sản như Donal Trump. Ở Việt Nam cũng vậy.

Không nên đánh giá thấp đóng góp của ngành bất động sản. Hầu hết các năm qua, FDI vào lĩnh vực bất động sản đều chiếm vị trí thứ hai. Bình quân trong 5 năm gần đây, FDI bất động sản chiếm khoảng 18% tổng vốn đăng ký. Đây là con số rất lớn.

Bất động sản cũng đóng góp lớn vào GDP, cũng tạo việc làm, tạo cơ sở hạ tầng cho đô thị không chỉ về giao thông, trường học mà còn là khách sạn, văn phòng, nhà ở…

Một chuyển biến quan trọng của ngành bất động sản là đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững, kinh tế tuần hoàn khi nhiều chủ đầu tư đã chú trọng đưa các yếu tố xanh, thân thiện với môi trường vào trong các dự án. Chúng ta thấy ngày càng có nhiều khu đô thị xanh, khách sạn xanh… Trước đây, việc xây dựng các công trình bất động sản này tạo ra phát thải rất nghiêm trọng nhưng trong những năm gần đây, bằng việc ứng dụng công nghệ cao vào xây dựng, vai trò của tăng trưởng xanh trong lĩnh vực bất động sản được phát huy hiệu quả.

Gần đây, Chính phủ cũng đã đưa ra lộ trình phát triển cho khu công nghiệp sinh thái - dựa trên nền kinh tế tuần hoàn; khu đô thị công nghiệp dịch vụ và công nghệ sinh thái bao gồm toàn bộ hệ thống khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu dân cư, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, thể thao, trung tâm giao dịch, thương mại, ngân hàng… đảm bảo cuộc sống của cư dân theo hướng lành mạnh, an toàn.

Việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài không những giúp các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực hiện được những định hướng của Chính phủ mà quan trọng hơn, các công ty của Việt Nam hiện nay chưa có đủ điều kiện vào lĩnh vực công nghệ, tăng trưởng xanh có thể bắt tay với các nước châu Âu (Đức, Pháp), châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) có kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại chuyển giao cho Việt Nam.

thu hút FDI

- Vai trò, đóng góp lớn là vậy nhưng tính hai mặt của đồng tiền FDI cũng đang là vấn đề gây quan ngại?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Chuyển giá, trốn thuế, ô nhiễm môi trường, tranh chấp lao động, kiện cáo… là thực tế thể hiện tính hai mặt của FDI. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng 2 vấn đề.

Thứ nhất, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có phải là để làm những điều này hay không? Tôi cho là không phải. Bởi vì lợi ích cao nhất mà nhà đầu tư nước ngoài muốn có khi vào Việt Nam là lợi nhuận và hiệu quả đầu tư. Đồng nghĩa với việc, nếu không tuân thủ luật pháp của Việt Nam về bất kỳ vấn đề nào thì chắc chắn sẽ bị loại thải.

Formosa đã từng phải đền bù cho Việt Nam 500 triệu USD trong khi vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại nước ta lúc đó chỉ hơn 1 tỷ USD. Và sau vụ việc này, họ đã thực hiện nghiêm chỉnh các luật lệ của Việt Nam từ năm 2016 đến nay.

Thứ hai, chúng ta cũng phải thắng thắn nhìn nhận sự yếu kém của quản lý nhà nước từ Trung ương xuống địa phương. Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay còn những điểm chưa minh bạch, việc giám sát thực thi cũng còn nhiều hạn chế. Dù đã có những cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nhưng đến khi xuất hiện những hậu quả nghiêm trọng như vụ Formosa thì mới phát hiện ra. Điều này chứng tỏ, chúng ta còn yếu trong việc theo dõi, phát hiện sớm các vấn đề hạn chế và chỉ khi hậu quả đã rồi thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc để xử lý, đàm phán, tìm cách giải quyết.

Cụ thể, Hà Tĩnh đã phải vận hành trung tâm theo dõi Formosa kết nối với Sở Kế hoạch Đầu tư và với cả Bộ Tài nguyên và Môi trường để giám sát vấn đề xả thải của Formosa hàng ngày. Bất kể khi nào có thông tin cần thiết, quan trọng thì chúng ta sẽ nắm bắt được ngay và có thể điều chỉnh.

Câu chuyện Formosa là bài học rất lớn cho Việt Nam, giúp nước ta phải nhìn nhận lại năng lực quản lý nhà nước. Nhưng cũng cần nhấn mạnh là, chúng ta nên nhìn vào những đóng góp của FDI nhiều hơn là những tiêu cực trong mặt kia của đồng tiền mang lại. Bởi tiêu cực thì kể cả doanh nghiệp trong nước cũng sẽ có như: Không đảm bảo vệ sinh môi trường, công nhân phải làm thêm giờ… Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước cũng không được buông lỏng quản lý, thiếu sự theo dõi các doanh nghiệp để gây ra nhiều hệ quả không tốt.

thu hút FDI

- Việc trao quyền cho các địa phương trong việc thu hút, lựa chọn và sử nguồn vốn FDI thời gian qua đã tạo ra một cuộc chạy đua “ưu đãi”. Điều này đã và đang gây ra những hệ lụy gì?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Không có nước nào là không có phân cấp phân quyền. Nguyên tắc là một cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên làm một phạm vi mà mình có thể điều hành được và đem lại hiệu quả tốt nhất. Cho nên, việc phân cấp phân quyền cho các địa phương là chính xác.

Tại Việt Nam, việc trao quyền đã tạo ra không gian và sự chủ động cho các địa phương trong việc thu hút đầu tư phát triển, nhiều tỉnh cũng vì thế mà bứt lên. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở năng lực thực thi các chức năng mà Trung ương phân cấp của các tỉnh, thành là khác nhau. Có địa phương thực hiện tốt, nhưng có địa phương lại rất kém, thậm chí không hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của mình và mục tiêu, chiến lược phát triển mà Trung ương đặt ra. Trong vấn đề thu hút đầu tư FDI cũng vậy, đã có tình trạng lạm dụng phân cấp, phân quyền để ban hành những ưu đãi về đất đai, thuế để “chạy đua” thu hút đầu tư về số lượng, không coi trọng việc lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, chất lượng và hiệu quả đầu tư.

Năm 2008, thu hút FDI của Việt Nam tăng đột biến với 73 tỷ USD vốn đăng ký nhưng 2 năm sau đó, chúng ta đã mất đi khoảng 30 tỷ USD vì trong đó có những “nhà đầu tư dởm”.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để phân cấp phù hợp với năng lực của các địa phương được thực thi phân cấp. Và sau khi phân cấp thì Trung ương phải theo dõi, hướng dẫn, đặc biệt là hỗ trợ để nâng cao năng lực cho các địa phương chưa có đủ điều kiện để đảm bảo cho phân cấp tốt nhất.

Năm 2014, chúng ta đã có ý định điều chỉnh phân cấp nhưng không điều chỉnh nổi vì khi phân thì dễ nhưng để lấy lại thì khó. Do đó, cần ban hành các quy định làm rõ chức trách các địa phương, để các điạ phương hiểu được trách nhiệm của mình và có sự giám sát, kiểm soát để “tuýt còi” những sai phạm và kịp thời điều chỉnh.

Hiện nay, lãnh đạo các địa phương đều có bộ phận giúp việc, ví dụ như bộ phận xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, nếu bộ phận này không có tư duy đổi mới, vẫn thực hiện xúc tiến đầu tư kiểu cũ như tổ chức hội nghị, hội thảo, meeting thì không hiệu quả. Muốn kêu gọi các nhà đầu tư lớn thì phải xúc tiến đầu tư có địa chỉ, xác định rõ mình muốn lôi kéo nhà đầu tư nào và nhà đầu tư đó có nhu cầu vào Việt Nam hay không. Do đó, năng lực thực thi của cán bộ địa phương rất quan trọng.

Sau khi thu hút được các nhà đầu tư thì điều quan trọng hơn là phải giảm thiểu thủ tục hành chính. Ở Indonesia, Tổng thống nước này đã tuyên bố, nhà đầu tư rót vốn từ 70 triệu USD và tạo ra việc làm cho khoảng 300 lao động thì đích thân ông sẽ xử lý giấy phép trong vòng 1 tuần. Việt Nam cũng phải làm được như vậy thì mới có thể cạnh tranh được. Bởi ưu đãi thuế, ưu đãi tiền thuê đất dù cần thiết nhưng không quan trọng bằng việc tạo ra môi trường đầu tư rộng mở, thủ tục đầu tư nhanh gọn để các doanh nghiệp có thể triển khai đúng tiến độ đã cam kết và đưa sản phẩm ra thị trường kịp thời.

Nếu thủ tục chỉ chậm từ 5 - 6 tháng thì nhiều cơ hội của nhà đầu tư sẽ mất đi, đó là điều họ quan ngại và lo lắng nhất khi lựa chọn môi trường đầu tư.

thu hút FDI

- Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là không nhỏ, nhưng thực tế, áp lực cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt hơn, mà nếu không có sự chuẩn bị kịp thời và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam có thể bị… hụt hơi trong cuộc chạy đua này?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam thực hiện khi đối mặt với tình thế khẩn cấp được cho là tích cực hơn các quốc gia khác. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, vấn đề tham nhũng và hệ thống thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có khoảng 78,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát dành ra khoảng 5% thời gian trở lên hàng năm cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật. Thuế, phí, tiếp cận đất đai, hải quan và xây dựng tiếp tục là những lĩnh vực gây nhiều khó khăn nhất. 100% doanh nghiệp FDI phản hồi cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới.

Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong quý I/2023 đang giảm mạnh so với cùng kỳ. Mặc dù, sắp tới sẽ có thêm các dự án có thể lên đến hàng chục tỷ USD đăng ký khiến tổng quy mô dòng vốn này chắc chắn sẽ tăng lên. Tuy nhiên, sự suy giảm ở quý I vẫn là một lời cảnh báo. Nếu chúng ta không thay đổi nhanh, đặc biệt là 4 vấn đề sau thì sẽ dễ tụt hậu.

Một là tiếp cận nhanh chóng các vấn đề mới của quốc tế như việc áp dụng quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu không làm nhanh thì chúng ta sẽ mất đi một cơ hội và rõ ràng môi trường đầu tư sẽ xấu đi rất nhiều.

Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Mặc dù Chính phủ Việt Nam luôn có ý thức và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng đáng tiếc khâu thực thi lại chưa theo kịp. Hiện chưa có một thể chế hoàn chỉnh, công khai, minh bạch, ổn định như mong muốn của nhà đầu tư nước ngoài. Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang làm khó các nhà đầu tư bằng các thủ tục nhiêu khê, bằng các chi phí không chính thức…

thu hút FDI

Vì sao chúng ta chưa đón được nhiều dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc? Đó là bởi họ dừng sản xuất ở Trung Quốc để chuyển đi thì phải nhanh, nhưng mất tới 1 - 2 năm để làm thủ tục thì họ sẽ mất đơn hàng, nên họ sẽ không lựa chọn Việt Nam.

Do đó, cần làm sao để thủ tục đơn giản, minh bạch, tiên liệu được và thống nhất cách hiểu từ trên xuống dưới. Việc làm luật, sửa luật cần thực hiện nhanh. Nếu không có sự ổn định về thể chế thì rất khó thu hút “đại bàng”.

Ba là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng của nước ta hiện nay tuy đã khá hơn nhưng vẫn còn ách tắc tại những đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội; cảng hàng không, cảng biển vẫn còn khó khăn, nhiều hạn chế; kết nối giao thông vẫn chưa được đồng bộ hoàn toàn (đến bây giờ mới có khoảng 600km cao tốc đường bộ, trong khi Trung Quốc có đến 48.000km cao tốc đường bộ; đường sắt thì còn nhiều lạc hậu; logistics còn nhiều bất cập). Việt Nam vẫn chủ yếu vận tải hàng hoá bằng đường bộ cho nên hệ thống đường rất nhanh xuống cấp. Trong khi vận tải hàng hoá bằng đường sắt, đường thuỷ có nhiều ưu việt hơn thì tỷ lệ vận tải rất thấp. Mức độ sẵn sàng của cơ sở hạ tầng giao thông vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp cũng như đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Nếu muốn chuyển sang nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp số, xã hội số thì cần đầu tư rất nhiều cho cơ sở hạ tầng.

Thứ tư là, nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam đáp ứng tương đối tốt nguồn nhân lực nhưng vẫn còn thiếu bộ phận chất lượng cao. Phần lớn các nhà quản lý doanh nghiệp cấp cao của các công ty nước ngoài có mặt ở Việt Nam hiện nay vẫn là người nước ngoài. Người Việt Nam đa số chỉ mới làm đến chức trưởng phòng. Và rõ ràng, nhiều nhà quản lý doanh nghiệp cấp cao Việt Nam vẫn chưa được đào tạo bàn bản. Việc tiếp cận quản trị tiên tiến nhất của thế giới để thể hiện năng lực cạnh tranh vẫn còn thấp. Trong khi đó, trí tuệ quan trọng hơn nhiều so với tài nguyên.

Vì vậy, nếu chúng ta không lưu ý cải cách giáo dục từ tiểu học cho đến đại học, dạy nghề, bồi dưỡng các nhà quản lý doanh nghiệp cấp cao và cả các cán bộ quản lý nhà nước từ hệ thống hành chính đến hệ thống chính trị thì chúng ta sẽ yếu kém hơn trong việc cạnh tranh năng lực lãnh đạo với các nước. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn với Ấn Độ, Indonesia về vấn đề này.  

thu hút FDI

- Sáng 22/4, một hội nghị trực tiếp, trực tuyến với quy mô lớn nhất từ trước đến nay hướng tới nhà đầu tư nước ngoài được tổ chức với 100 đầu cầu khắp cả nước và 83 đầu cầu nước ngoài, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Hội nghị nhằm trao đổi thẳng thắn, lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, từ đó, đưa ra lộ trình áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, phù hợp tình hình đất nước.

Một điều khá bất ngờ là tại Hội nghị, có 3 tập đoàn lớn đến từ CHLB Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản cam kết sẽ đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay với tổng vốn gần 4 tỷ USD, trong bối cảnh tưởng chừng như lẽ ra họ đang có sự chần chừ. Phải chăng, đây là tín hiệu tích cực cho thấy niềm tin của nhà đầu tư FDI vào Việt Nam vẫn rất lớn, thưa ông?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Tôi cho rằng, Chính phủ đã phản ứng rất nhanh tại thời điểm mà hàng nghìn nhà đầu tư FDI tại Việt Nam đang lo lắng nhất về tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu. Và có thể nói, các “đại bàng FDI” cũng đã nhìn thấy được những quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trên tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng phát triển.

Theo kết quả điều tra của Công ty Tư vấn thuế và Kiểm toán KPMG Việt Nam, có tới 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà doanh nghiệp cân nhắc đầu tư như các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Nhà nước.

Các doanh nghiệp cảm nhận được quyết tâm mà Chính phủ thực hiện trong việc thúc đẩy thực thi hiệu quả các FTAs đã có hiệu lực, đặc biệt là các FTAs nhận được sự chú ý đặc biệt của doanh nghiệp trong những năm gần đây. Điều này tạo ra tác động tích cực với các doanh nghiệp.

Chính vì vây, các doanh nghiệp FDI dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 cũng như những bất ổn của kinh tế toàn cầu nhưng tiếp tục có niềm tin vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. Cụ thể, có 76,2% doanh nghiệp nhận định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 3 năm tiếp theo là ổn định và có cải thiện, trong khi 13,4% nhận định sẽ suy giảm cùng với xu hướng toàn cầu.

Cùng với sự lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp phản hồi dự báo tình hình sản xuất - kinh doanh trong năm 2023 sẽ tốt hơn (40,5%) hoặc giữ ổn định (31,6%) so với năm 2022. Về dòng vốn FDI mở rộng sản xuất - kinh doanh trong 3 - 5 năm tiếp theo cũng cho thấy một bức tranh sáng. Theo kết quả khảo sát, có 63,9% doanh nghiệp dự kiến sẽ bổ sung nguồn vốn đầu tư từ 1 triệu USD trở lên, 36,1% doanh nghiệp dự kiến tăng từ 10 triệu USD trở lên.

Sự quan tâm và cam kết đầu tư nói trên càng tái khẳng định chúng ta không nên quá lo ngại về vấn đề Việt Nam khó cạnh tranh khi ưu đãi thuế không còn là thỏi nam châm, mà nên coi đây là cơ hội cực lớn để đón làn sóng đầu tư mới.

Nếu có một cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu tốt nhất trên cơ sở học hỏi từ các nước, cộng với những lợi thế hiện nay - các nhà đầu tư cho rằng chỉ Việt Nam mới có như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tốt, thị trường 100 triệu dân với 25 - 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, thì rõ ràng Việt Nam sẽ đứng trước một cơ hội lớn. 

Chúng ta có một thị trường thế giới rất tốt nhờ hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã ký và những hiệp định đang chuẩn bị thương lượng và ký. Tất cả các yếu tố thuộc về lợi thế của Việt Nam sẽ được nhân lên.

thu hút FDI

- Như vậy có nghĩa là, ông vẫn rất tin tưởng vào triển vọng thu hút FDI của Việt Nam?

GS. TSKH. Nguyễn Mại: Cứ yên tâm bởi như đã nói, thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án nếu chúng ta làm tốt quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu. Mới đây, nhiều công ty Mỹ cho biết sẽ vào Việt Nam với 3 lĩnh vực cam kết gồm: Kinh tế số, năng lượng xanh và chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Quan hệ của chúng ta với EU cũng đang rất tốt, cho nên khi thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thì thương mại sẽ phát triển nhanh chóng, có điều kiện nhiều hơn để nhập khẩu trang thiết bị hiện đại từ EU, bớt phụ thuộc từ Trung Quốc. Và điều này sẽ thu hút các công ty, doanh nghiệp từ EU đến với Việt Nam. 

Có thể nói, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh là 3 lĩnh vực sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thời gian tới.

Tóm lại, Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhà đầu tư đánh giá là có lợi thế lớn đối với FDI, những năm gần đây đã trở thành nơi sản xuất một số mặt hàng công nghệ cao của thế giới. Nếu áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của các MNEs đang sản xuất - kinh doanh, cũng như các nhà đầu tư tiềm năng thì sẽ làm cho lợi thế vốn có được nâng cao, môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn hơn, khu vực kinh tế FDI đóng góp lớn hơn vào việc thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030.

Cơ hội vẫn rất rộng mở cho Việt Nam, với điều kiện phải biết cách chọn lựa để nâng cấp chất lượng đầu tư và giữ vững tinh thần đồng hành, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tạo môi trường thuận lợi để vừa thu hút nhưng cũng vừa giữ chân các nhà đầu tư lớn.

- Xin trân trọng cảm ơn GS. TSKH. Nguyễn Mại vì những chia sẻ cởi mở và thú vị với Reatimes. Hy vọng Việt Nam sẽ có sự chuẩn bị vững vàng để đón lấy những cơ hội trong thực hiện chiến lược thu hút FDI giai đoạn tới, với không ít những thách thức và áp lực cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn./.

thu hút FDI

Nguyên Hà
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top