Hôm nay đã là 14 tháng 8 âm lịch, còn có 1 ngày nữa là đến Tết Trung thu. Nằm trên bãi cỏ chiều muộn, nhìn lên bầu trời tôi thấy trăng. Sắp đầy rồi. Tôi nhớ đến tôi của bao mùa Trung thu. Bất giác tôi đọc lại câu thơ “Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ” (Thanh Tâm Tuyền).
Rằm tháng 8 hằng năm là ngày Tết của trẻ em, còn được gọi là “Tết trông trăng” hay “Tết hoa đăng”. Trẻ em, cháu nào chẳng mong đợi, thời tôi bé xíu càng thế. Ngày này, các cháu được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he... và được ăn bánh nướng, bánh dẻo nữa. Vui quá đi. Cưng chiều con mình, bố mẹ nào cũng tất bật. Thật hồi hộp vào những thời khắc bày cỗ, trông trăng. Trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát, vừa ngắm trăng phá cỗ.
Tôi nhớ mãi, trong đời có hai lần đi công tác xuyên đêm ở một huyện ngoại thành Hải Phòng và một huyện thuộc Nam Định vào đúng đêm Trung thu. Tiếng trống rộn ràng. Hương đất, hương lúa nồng nàn. Lần xuống Nghĩa Hưng (Nam Định), do nhà xe trả khách tận nơi khách yêu cầu nên bác tài phải vòng vèo qua nhiều làng quê. Vui quá. Đúng vào đêm 14. Trẻ em hai bên đường ùa ra múa lân, múa sư tử, đánh trống... inh ỏi. Xe cứ phải dừng lại nhiều điểm, chờ các cháu đi qua. Cũng có nơi, bọn trẻ đến cửa kính xe “xin” quà Trung thu người lớn.
Trước trẻ con, trong không khí “trông trăng”, ai cũng sẵn lòng có phần quà nho nhỏ tặng các cháu. “Trẻ em như búp trên cành”, đây là câu thơ trong bài “Trẻ con” của Bác Hồ đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 106, ngày 21/9/1941, cách đây 80 năm có lẻ.
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, lớn lên gặp chiến tranh, đạn bom găm vào mơ ước. Trung thu chỉ được bố mẹ cưng nựng trong hầm trú ẩn đào dưới nền nhà. Tôi nhớ mãi Trung thu khi vừa kết thúc đợt ném bom miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ. Chiều 14 tháng Tám, sân kho đầu làng vui như chưa bao giờ vui thế. Hợp tác xã tổ chức Trung thu cho đám trẻ và cũng chẳng có gì ngoài một nong xôi lạc. Bọn trẻ xếp hàng, đi lên nhận nắm xôi từ tay các mẹ. Gạo nếp thời đó, ở vùng đất miền Trung gần như là “hạt ngọc”, cầm nắm xôi sung sướng đến chảy nước mắt. Ăn ngấu nghiến. Cuộc sống càng đủ đầy, càng nhớ.
Tôi có cảm tình đặc biệt với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Cứ mỗi dịp Trung thu, ông đều hì hục mua giấy, phẩm màu... về tự làm đèn ông sao, đèn kéo quân cho cháu, dù ngoài phố những đồ chơi ấy được nhập về giá rẻ, bắt mắt. Lúc ông làm, cháu quây quần bên ông. Đồ chơi của cháu ông, không chỉ là đồ chơi mà còn là tình cảm, cảm xúc đặc biệt. Cách đây mấy ngày, nhà thơ của “Dưới trăng và một bậc cửa” (xin lỗi nhà thơ, gia tài ông nhiều, lớn lắm, nhưng tôi chỉ nhắc đến tác phẩm này, trong khung cảnh này), viết trên trang cá nhân: “Tôi có một ước mơ là sống được đến khi Mem và Kya 18 tuổi, tôi sẽ tổ chức một đêm Trung thu với tất cả những chiếc đèn tôi đã làm cho các cháu được thắp sáng và tôi sẽ kể cho các cháu nghe về những chiếc đèn Trung thu từ hồi cụ các cháu làm cho tôi. Đấy sẽ là một đêm đẹp trong cuộc đời và có lẽ đấy là câu chuyện tôi muốn kể nhất cho các hậu duệ của mình”.
Lòng tôi trào lên xúc động. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm tôi nhớ đến những chiếc tàu bay giấy, con cào cào bằng lá dừa... mà bố tôi từng gấp cho anh em tôi những mùa Trung thu thời niên thiếu. Tôi tin rằng sau này lớn lên, cháu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, dù các cháu khi đó lập nghiệp, thành đạt, có thể ở một nước nào đó nhưng chiếc đèn ông sao mà ông các cháu đã miệt mài làm bằng cả trái tim yêu trẻ sẽ mãi nằm trong ký ức, và hơn thế, đó còn là quê hương, đất nước.
Đất nước có đến gần 26% trẻ em, chứ không hề ít. Từ trong lịch sử Việt Nam đã có những làng nghề truyền thống làm đồ chơi Trung thu. Nghệ nhân Vũ Văn Sinh ở Cao Viên (huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) từng làm chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam, cao gần bằng ngôi nhà hai tầng, được Kỷ lục Guinness Việt Nam ghi nhận. Tiếc thay, làng nghề Việt ngày càng mai một, hàng hóa phục vụ cho Trung thu của đất nước, từ lâu đã “ngã gục” ngay trên “sân nhà” trong cuộc “so găng” với đồ chơi nhập ngoại. Nghĩ vậy, tôi càng trân quý những người luôn nâng niu giá trị bất biến thuộc về cảm xúc như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Trung thu hai năm qua của các cháu bị Covid-19 làm “vỡ vụn”. Cu Tôm nhà tôi chưa được đến trường. Sáng ngày ra, Tôm vẫn nằm trên giường, tay ngậm bình sữa, tay hí hoáy trò chơi. Thường mọi năm, bố mẹ Tôm đã mua đèn ông sao, nhưng dịch bệnh, thời của “giãn cách”, “ai ở đâu, ở yên đấy”... thì chịu. Phố Hàng Mã (Hà Nội) qua hai mùa “đìu hiu”.
Covid-19 cướp đi nhiều thứ, trong đó có “Tết hoa đăng”. Câu thơ “Những em bé vừa đi vừa lớn” của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh viết trong những ngày hàng ngàn người từ TP.HCM tự phát về quê tránh dịch, trong đó có em bé 10 ngày tuổi, thực sự ám ảnh đến giờ. Tôi nhớ, đã có con số hơn một ngàn trẻ em mồ côi bố mẹ, trong đó có nhiều bé vừa lọt lòng đã mồ côi mẹ vì Covid-19. Nỗi đau không chỉ của riêng các cháu, nỗi đau chung rỉ máu con người.
Covid-19 “thức tỉnh” con người, cho thấy cuộc đời quá mong manh, cuộc sống ngày càng nhiều nguy cơ phi truyền thống. Các nhà chính trị đứng đầu các quốc gia, tổ chức quốc tế hẳn nhiên đã phải suy nghĩ và hành động.
Dịch bệnh được đẩy lùi, đất nước ta chuyển sang thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả”. Chắc chắn, Trung thu năm nay, khắp cả nước tiếng trống ếch, trống bỏi sẽ rộn ràng. Đèn kéo quân, đèn cù, đèn lồng giấy xếp nhảy ra sân “thách đố” cùng chị Hằng. Biết bao đồ chơi. Trẻ lớn hơn chút thì múa lân, múa sư tử. Tôi dám chắc rằng, phố cổ Hà Nội, lại chật như nêm. Tôi hình dung ra rằng, từng tốp phụ huynh lại xúng xính quần áo, trên tay bế bồng những thiên thần đến Hàng Mã để mua những món đồ lý tưởng cho con mình, vừa chụp những bức ảnh đẹp. Không riêng Hà Nội, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đang thực sự bước vào “Đêm hội trăng rằm”.
Việt Nam là đất nước, trên lá cờ lý tưởng có tuyên ngôn “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Trẻ em không chỉ được luật định có quyền được chăm sóc về sức khỏe dinh dưỡng, về giáo dục, về văn hóa vui chơi giải trí, được bảo vệ mà còn có một thứ quyền khác, đó là quyền được tham gia. Trong nhà, trẻ em phải được “đối thoại”, thay vì bố mẹ dùng “quyền sinh thành” đối với các cháu. Với xã hội, trẻ em có quyền được trao cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về các vấn đề của trẻ em tại các diễn đàn trẻ em các cấp... Nhiều nước trên thế giới, trẻ em từng được thử làm nguyên thủ đó sao? Như Mỹ, Anh, Pháp, Úc... từng có những em bé 5 - 6 tuổi gửi tâm thư lên Tổng thống, Thủ tướng của họ về nhiều vấn đề thời cuộc, từng xôn xao dư luận.
Ở Việt Nam, trẻ em chưa mạnh dạn làm việc đó, nhưng sự tham gia của các cháu vào các vấn đề về trẻ em đã tác động tích cực đến quá trình xây dựng pháp luật, chính sách của một số cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương. Quyền tham gia của trẻ em Việt Nam đã được lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Tết Trung thu, hẳn nhiên cũng là dịp để các em bày tỏ.
Cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa nước láng giềng. Nhiều giả thuyết cho rằng, Trung thu bắt đầu từ điển tích về chú Cuội. Theo các nhà sử học, hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ - niềm tự hào của văn hóa Việt Nam. Theo học giả Phan Kế Bính (1875 - 1921), tục hát trống quân có từ đời vua Quang Trung Nguyễn Huệ: "Nguyên khi ông đem quân ra Bắc. Quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Nguyễn Huệ mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân".
Như vậy là Việt Nam có quyền tự hào, Tết Trung thu với tư cách giá trị phi vật thể, đã có chiều dài từ trong lịch sử và văn hóa luôn có điểm giao thoa. Các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đều có Tết Trung thu, tuy nhiên mỗi cộng đồng dân tộc có bản sắc riêng, khác biệt. Dù xuất xứ từ đâu nhưng Trung thu - “Tết trông trăng”, rõ ràng là một thành tố của văn hóa dân tộc, trường tồn cùng dân tộc Việt.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, cứ vào dịp Trung thu, Bác thường đi thăm hoặc gửi quà cho thiếu nhi. Có một số năm vào dịp Trung thu, Bác còn gửi thư khen hoặc làm thơ tặng thiếu nhi với tất cả tấm lòng trìu mến và một tình thương bao la, nồng ấm.
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương”,
Đây là mấy vần thơ dung dị của Người vào Tết Trung thu năm 1951, trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn ác liệt.
Trung thu về, tôi nhớ tuổi thơ mình, nhớ thời gian khó. Trẻ con đã và đang ngày càng được chăm bẵm, đúng nghĩa là “búp trên cành”. Nhưng không phải tất cả. Còn rất, rất nhiều trẻ em, không cứ vùng sâu, vùng xa, còn sống trong những gia đình nghèo khó, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc ngày đông giá. Chắc chiếc bánh Trung thu đối với các cháu còn là niềm mơ ước lớn. Bất giác tôi mơ ước, ông Trăng là của chung, nên làm sao “Tết hoa đăng” phải thực sự là của tất cả trẻ em, các cháu đều được tận hưởng niềm vui của những ngày xanh non trong cuộc đời?
Nhưng những âm thanh của chiêng, la, não bạt rộn ràng trong trái tim của những người yêu trẻ em rộn ràng như muôn thuở. “Trung thu trăng sáng như gương”, câu thơ của Bác Hồ, không chỉ tả Rằm Trung thu, đó còn là lời nhắc nhở hành động vì trẻ em. Chính Bác Hồ từng mơ ước “Thu sau so với thu này vui hơn” (thơ Bác gửi các cháu thiếu nhi năm 1953)./.