Công điện nêu rõ, từ đầu năm 2025, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, chiến tranh thương mại lan rộng, kinh tế toàn cầu suy giảm… gây ra nhiều thách thức. nước, Bộ Chính trị đã thống nhất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 lên 8% trở lên và cao hơn trong các năm tiếp theo. Trên cơ sở đó, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025
Tại công điện, Thủ tướng nêu rõ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, ngày 5/2/2025 - đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng để hướng tới tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026 - 2030.
Đặc biệt, quý I năm 2025, có 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP theo kịch bản đề ra. Nhóm này cần phối hợp với Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân, từ đó, đề ra các giải pháp đột phá, khả thi, tăng tốc phát triển trong các tháng, quý tiếp theo của năm 2025.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025, trình Chính phủ trước ngày 25/ 4/2025. Trong đó, điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có nhiệm vụ rà soát, đánh giá tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Qua đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài khóa đối với doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 4/2025.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên. (Ảnh minh họa)
Quyết liệt đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, khẩn trương xây dựng các gói tín dụng ưu đãi
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu, kêu gọi các ngân hàng xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn.
Đối với vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đạt 100% kế hoạch được giao trong năm 2025; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.
Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải xác định rõ vướng mắc của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời. Quyết liệt giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn về cung ứng vật liệu thi công, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia. Kịp thời điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm để bổ sung vốn cho các dự án giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn;
Các Bộ, cơ quan, địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của Bộ, cơ quan, địa phương mình.
Đối với vốn FDI, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Việt Nam.
Đặc biệt, khẩn trương xây dựng "Cổng một cửa đầu tư quốc gia", hoàn thành trong tháng 5/2025, "Cổng một cửa đầu tư cấp tỉnh" sau khi thành lập tỉnh mới.
Xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, xanh, tuần hoàn, sáng tạo, chia sẻ; chú trọng các ngành mới nổi như AI, dữ liệu lớn, năng lượng mới, y sinh học, công nghiệp văn hóa... Thực hiện hiệu quả các chính sách thí điểm về đầu tư, tài chính, đấu thầu.
Xây dựng khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm kinh tế. Nghiên cứu mô hình "Cảng miễn thuế" để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số. Làm việc với ADB để chuẩn bị các dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng, thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đạt 100% kế hoạch được giao. (Ảnh minh họa)
Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tư nhân, đề xuất phương án giải quyết dự án tồn đọng trước ngày 15/5
Ngoài đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư FDI, Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng phương án huy động tối đa nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân cho đầu tư phát triển; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tư nhân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong đó cần xây dựng các giải pháp đột phá, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích, thúc đẩy, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân.
Để giải phóng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo theo Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 11/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, về giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án tồn đọng. Rà soát, phân loại các dự án, xác định rõ thẩm quyền xử lý để hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương giải quyết. Hoặc đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách để báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết trước ngày 15/5/2025.