Aa

GDP quý I/2025 tăng 6,93%, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế

Dương Minh Anh
Dương Minh Anh duongminhanh070902@gmail.com
Chủ Nhật, 06/04/2025 - 13:00

Trên cơ sở kết quả tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, Bộ Tài chính đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 thì 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%; tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2% so với kịch bản đề ra.

Tăng trưởng GDP quý I/2025 cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 vừa được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, tăng trưởng GDP quý I vừa qua ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020 - 2025. 

Kết quả này vượt mục tiêu đặt ra cho quý I/2025 (từ 6,2 - 6,6%) tại Nghị quyết số 01/NQ-CP với mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn (đạt 7,7%) tại Nghị quyết số 25/NQ-CP với mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 8,0% trở lên.

Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản quý I tăng 3,74% so với cùng kỳ, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,7%, đóng góp 53,74%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 7,32% so với cùng kỳ năm trước (tăng 6,71%), đóng góp 2,39 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. 

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,28%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,60%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,81%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,76%, làm giảm 0,17 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,99%, cao hơn so với tốc độ tăng 7,57% của quý I/2024, đóng góp 0,48 điểm phần trăm.

Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mục tiêu đề ra trong quý I với sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản lượng gỗ khai thác và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng khá nhờ ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đối với khu vực dịch vụ, nhu cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán và số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao góp phần cho tăng trưởng của ngành thương mại và dịch vụ đạt mức tăng khá cao.

GDP quý I/2025 tăng 6,93%, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhìn chung, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ. Tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, mặt bằng lãi suất cho vay mới có xu hướng giảm. Thu ngân sách Nhà nước đạt 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 38,7% dự toán, tăng 34,5%, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6% và 17% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,16 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,2%. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, quý I/2025, cả nước có 36,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 356,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 228,2 nghìn lao động, giảm 4,0% về số doanh nghiệp, tăng 1,3% về số vốn đăng ký và giảm 14,6% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cả nước có hơn 36,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2024), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2025 lên hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,6 % so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cũng trong quý I năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 61,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước; gần 11,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 26,1%; gần 5,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23,0%. Bình quân một tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường...

Cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 6/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đã quyết liệt tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, phát triển văn hoá, xã hội, du lịch, thể thao, thông tin, truyền thông; ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tình hình an ninh, trật tự cơ bản ổn định; đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai chủ động, toàn diện, hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, các động lực tăng trưởng nguy cơ suy giảm, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 gặp thách thức nặng nề hơn. Nếu bị áp mức thuế 46% trên diện rộng, xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị tác động mạnh, lây lan ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp, thu hút FDI, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, lao động việc làm trong nước…

GDP quý I/2025 tăng 6,93%, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Cùng với đó, ổn định kinh tế vĩ mô đối diện với rủi ro gia tăng; việc hoàn thiện thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; đời sống của một bộ phận người dân, người lao động dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng, thu hẹp.

"Đây là sức ép rất lớn trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, yêu cầu sự chủ động, quyết liệt, sát sao, đổi mới hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định.

Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo cả năm, Bộ Tài chính đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên năm 2025 thì 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%; tăng trưởng quý II là 8,2%, quý III và quý IV lần lượt là 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2% so với kịch bản đề ra. 

Tính riêng quý II, công nghiệp chế biến, chế tạo cần tăng 10,1% so với cùng kỳ, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng; sản xuất điện, khí đốt cần tăng 11,5%, ngành khai khoáng cần phục hồi để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng.

"Đầu tư công còn nhiều dư địa để thúc đẩy, với tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội giao thực hiện năm 2025 là gần 826.000 tỷ đồng. Khu vực dịch vụ, du lịch duy trì đà tăng trưởng tích cực trong quý I, còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tham mưu, đề xuất một số vấn đề trọng tâm.

Nhiệm vụ đầu tiên trong ngắn hạn là tăng cường đối thoại, thúc đẩy đàm phán song phương với Mỹ để thỏa thuận mức áp thuế đối ứng hợp lý, phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để chuẩn bị tốt các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, nhất là 17 luật, nghị quyết dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp. Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan và địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương, đảm bảo không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng; thúc đẩy đầu tư công, đầu tư trong nước, thu hút FDI; phát triển, bảo vệ thị trường trong nước và thúc đẩy du lịch; hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, giải pháp ứng phó với chính sách của Mỹ, ổn định niềm tin, tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân và thị trường, tạo đồng thuận xã hội.

Các bộ, cơ quan ngang bộ cần chủ động rà soát, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp năm 2013 sửa đổi (dự kiến ngày 1/7/2025), bảo đảm chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, liên tục, không tạo khoảng trống pháp lý.

"Kịp thời nắm bắt, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện để hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tạo thuận lợi tối đa cho các địa phương trong quá trình thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top