Aa

Thủ tướng: Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước

Thứ Ba, 15/04/2025 - 15:15

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước và với từng doanh nghiệp; doanh nghiệp phải tiên phong trong chuyển đổi số vì có nguồn lực, điều kiện, con người, tham gia dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Sáng 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng. Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội, đặc biệt có 68 DNNN tiêu biểu cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Giải quyết 5 vấn đề cốt lõi để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Chúng tôi nhận thức rõ rằng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao thì yêu cầu về vốn là yếu tố vô cùng quan trọng. Đặc biệt, với đặc thù của Việt Nam, nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc khá lớn vào nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng".

Chính vì vậy, theo bà Hồng, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là 16%. Đây là mức cao so với những năm gần đây, đồng thời cũng đã chủ động thông báo sớm cho các tổ chức tín dụng để kịp thời chuẩn bị. Tính đến hết quý I, tín dụng đã tăng 3,93% so với cuối năm 2024 và tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là mức cao so với cùng kỳ năm ngoái (chỉ tăng 1,34%).

Thủ tướng: Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước- Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thực tế và có thể điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng nếu lạm phát được kiểm soát tốt. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng gói hỗ trợ tín dụng 500.000 tỷ đồng, nhằm thúc đẩy cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng và gửi văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương lập danh mục các dự án trọng điểm, để tổng hợp và tiến hành các bước tiếp theo. 

"Trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn hạn chế, nếu muốn tăng trưởng kinh tế cao, thì thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực cốt lõi. Đây cũng là tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 57, mà Ngân hàng Nhà nước đã quán triệt rất sâu sắc", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực tiên phong trong chuyển đổi số. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng cũng không ngừng triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, nhằm tạo nền tảng vận hành số vững chắc.

Theo đó, để chuyển đổi số đạt hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần xây dựng được một hệ sinh thái dữ liệu hoàn chỉnh. Mới đây, Bộ Công an đã xây dựng Đề án 06 liên quan đến cơ sở dữ liệu dân cư.  "Tôi cho rằng thời gian tới, cơ sở dữ liệu này được làm giàu thêm thì sẽ rất tốt cho quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng. Đặc biệt là phải xây dựng hệ sinh thái về số liệu của doanh nghiệp mới có thể thúc đẩy chuyển đổi số", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói.

Ngoài ra, theo bà Hồng, để tạo môi trường hoạt động kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có DNNN, thì vấn đề điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối trong bối cảnh hiện nay là vô cùng thách thức. Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết tâm và theo dõi sát tình hình thế giới và trong nước để có thể điều hành các giải pháp phù hợp với liều lượng và thời điểm hợp lý, giúp ổn định được tình hình.

Đánh giá về những thành tựu bước đầu của DNNN trong hành trình chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho biết, nhiều DNNN hiện đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực then chốt như năng lượng, viễn thông, tài chính... đã gặt hái một số kết quả tích cực, đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất của khu vực này vẫn còn khiêm tốn. Chuyển đổi số trong nhiều DNNN còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, để đẩy nhanh tiến trình này, cần giải quyết 5 vấn đề cốt lõi.

Thủ tướng: Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thứ nhất, chuyển đổi số rất cần vai trò của người đứng đầu. Công thức chuyển đổi số gồm 70% là chuyển đổi, 30% là công nghệ. Ứng dụng công nghệ thông tin thì phổ biến, ai cũng có thể làm nhưng chuyển đổi số thì chỉ người đứng đầu, vì chỉ có người đứng đầu mới quyết định chuyển đổi. Tuy nhiên, người đứng đầu không phải có chỉ đạo mà còn phải trực tiếp làm, trực tiếp phụ trách. Đây là tinh thần của Nghị quyết 57. Thời gian vừa qua, các tập đoàn, công ty nhà nước thực hiện chuyển đổi số nhưng đôi khi vẫn là trào lưu, chưa đi vào thực chất. Chuyển đổi số là đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình mới, có những rủi ro, người đứng đầu nếu không trực tiếp làm thì sẽ không thành công.

Thứ hai, chuyển đổi số thể hiện trên dữ liệu. Dữ liệu rất quan trọng, nếu không có dữ liệu thì tất cả công nghệ đều vô nghĩa. Tuy nhiên, hiện nay ý thức xây dựng dữ liệu trong các doanh nghiệp còn thiếu, đặc biệt là các DNNN. Một số doanh nghiệp đã có ý thức xây dựng dữ liệu, qua đó đã áp dụng được trí tuệ nhân tạo, nâng cao được hiệu suất lao động.

Thứ ba, chuyển đổi số cần một doanh nghiệp công nghệ số đồng hành. Vì chuyển đổi số là một quá trình chứ không phải là một công đoạn. Chuyển đổi số là chuyển đổi là chính, là sự thay đổi sự cải tiến liên tục quy trình và ứng dụng các công nghệ tạo ra các mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm mới. Hiện nay cơ bản các doanh nghiệp lập đề án đầu tư, đầu tư là một bài toán cố định, khi đầu tư xong rồi nếu muốn thay đổi, sửa đổi thì chúng ta lại phải lập dự án để điều chỉnh chuyển đổi. Do vậy không có sự linh hoạt.

Vì vậy, các DNNN nên chọn một doanh nghiệp công nghệ số đồng hành. DNNN thuê doanh nghiệp công nghệ số đầu tư hệ thống vận hành liên tục cải tiến, để đáp ứng yêu cầu đổi mới của doanh nghiệp, thuận tiện cho người dùng và cho khách hàng. Toàn bộ các vấn đề về công nghệ vận hành cải tiến… giao cho doanh nghiệp chuyển đổi số; còn DNNN chỉ tập trung vào đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới.

Thứ tư là chuyển đổi số là chuyển đổi mô hình kinh doanh để tạo ra tăng trưởng mới. Bản chất của tăng trưởng trên 10% hiện nay của chúng ta không thể đến từ mở rộng quy mô mà cơ bản phải đến từ đột phá mô hình kinh doanh. DNNN cần chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang doanh nghiệp số, dựa trên khoa học công nghệ. Các doanh nghiệp hãy nghĩ ra các mô hình để đột phá và đặt ra các bài toán để doanh nghiệp chuyển đổi số giải quyết các bài toán đó. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đóng vai trò là trung tâm kết nối giữa DNNN có nhu cầu chuyển đổi, nhu cầu giải quyết các bài toán với chuyển đổi số.

Thứ năm, ngày 20/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động chuyển đổi số hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tuyến và dựa trên dữ liệu giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

"Để hiện thực hóa lộ trình này, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức đánh giá mức độ chuyển đổi số của các DNNN vào cuối năm 2025. Đồng thời, với vai trò là cơ quan thường trực triển khai Nghị quyết 57, Bộ cam kết tiếp tục đồng hành cùng DNNN trong suốt tiến trình này thông qua việc kiến tạo thể chế, chính sách hỗ trợ, bảo đảm lợi thế cạnh tranh và kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Song song với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ hỗ trợ các DNNN trong quá trình ứng dụng, triển khai và thương mại hóa các sản phẩm đổi mới, góp phần tạo ra những giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế số", Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.

Vừa phát triển cho chính mình, vừa phát triển cho đất nước

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và các DNNN, đi đúng vào chủ đề Hội nghị; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến, chuẩn bị và trình ban hành sản phẩm của Hội nghị là một Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng nêu rõ, mặc dù số lượng các tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động của nước ta nhưng có vai trò, vị trí quan trọng, nắm giữ một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế.

Thủ tướng: Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước- Ảnh 3.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước và với từng doanh nghiệp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Do đó, các doanh nghiệp nhà nước phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng năng suất lao động; vừa phát triển cho chính mình, vừa góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, góp phần thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 và năm 2045) đã đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước và với từng doanh nghiệp; doanh nghiệp phải tiên phong trong chuyển đổi số vì có nguồn lực, điều kiện, con người, tham gia dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Đồng thời, doanh nghiệp phải tăng trưởng cao ở mức 2 con số, tăng trưởng nhanh, bền vững để góp phần tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số những năm tới, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách.

Về giải pháp chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm quan trọng: Các doanh nghiệp phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số và góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước; phát triển các sản phẩm số của doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp; phát triển số nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải quản lý được, bảo đảm an ninh, an toàn số, góp phần vào an ninh, an toàn số quốc gia; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số, góp phần phát triển công dân số vì con người là vốn quý nhất để sử dụng trí tuệ nhân tạo và phải thắng trí tuệ nhân tạo. Thủ tướng lưu ý, tất cả các nhiệm vụ này phải hòa chung vào quá trình chuyển đổi số của cả nước, trong đó có phong trào Bình dân học vụ số.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp phải chú ý làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Về xuất khẩu, Thủ tướng đánh giá hiện đang khó khăn, nhưng không đến mức khó khăn như những khó khăn chúng ta đã vượt qua; không phải bây giờ thị trường xuất khẩu mới bị thu hẹp mà đã bị thu hẹp từ lúc đại dịch COVID-19, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và năng động, sáng tạo tìm kiếm các thị trường mới trên thế giới như Trung Đông, Trung Á, Halal, Mỹ Latinh, châu Phi… và củng cố các thị trường truyền thống, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Tiết kiệm hơn nữa để tập trung cho đầu tư, mở rộng đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR). Về tiêu dùng, cần chú trọng mở rộng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tận dụng cơ hội thị trường 100 triệu dân.

Cùng với đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức; đổi mới hoạt động, quản trị thông minh, giảm chi phí quản lý.

Thủ tướng lưu ý, các DNNN phải phối hợp với nhau, học tập, hỗ trợ lẫn nhau và với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa. Các cơ quan, doanh nghiệp cần đánh giá, khuyến khích, khen thưởng đúng lúc, kịp thời, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, đặc biệt là liên quan luật quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc "cái gì biết mới quản, không biết thì không quản", tăng cường phân cấp, phân quyền. Rà soát, loại bỏ toàn bộ các thủ tục hành chính rườm rà cho doanh nghiệp; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, chi phí và thời gian tuân thủ.

Cùng với đó, phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; đào tạo nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý phải ổn định tỷ giá, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực và khoanh nợ, giãn hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn. Chính sách tài khóa cần tập trung giải ngân đầu tư công; miễn giảm, giãn hoãn thuế, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thuế VAT nhanh chóng, thuận tiện.

Bộ Khoa học và Công nghệ phải cắt giam thủ tục hành chính về khoa học công nghệ. Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp trên thế giới, thị trường trong nước và ngoài nước.

Thủ tướng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể với các bộ ngành để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể cho các doanh nghiệp như giảm thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker xi măng, tái sử dụng chất thải trong khai thác than…

Nhấn mạnh "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc trông đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", nhắc lại yêu cầu phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, Thủ tướng tin tưởng các DNNN sẽ làm tốt việc chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top