Được biết, tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan có chiều dài 29,2km, có tổng mức đầu tư 2.986,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Hưng Yên, chào mừng Đại hội XX Đảng bộ tỉnh; cắt qua đường nối Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình với Quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội - Hải phòng, giao cắt với Quốc lộ 38, với tuyến tránh Quốc lộ 38B và nối vào đường tỉnh 378.
Tuyến đường đi qua địa bàn của 14 xã thuộc 3 huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, được xem là "trục xương sống" thứ 3 của tỉnh này sau tuyến Quốc lộ 39 và đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Thời gian thi công dự án 720 ngày. Để triển khai dự án, tỉnh Hưng Yên phải giải phóng mặt bằng với tổng diện tích 175ha. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt hơn 89%, bảo đảm đủ điều kiện cho các đơn vị sau khi thi công có thể triển khai tiếp tục công việc phục vụ dự án.
Ông Nguyễn Lê Huy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ, dự án đường Tân Phúc - Võng Phan là một dự án giao thông trục dọc quan trọng của tỉnh Hưng Yên để phát triển các huyện Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ hình thành tuyến đường liên vùng kết nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với các tỉnh Thái Bình, Nam Định. Đây sẽ là tuyến đường đẹp và hiện đại, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo hạ tầng giao thông của địa phương.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc xây dựng tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan là lựa chọn chiến lược của Hưng Yên, góp phần phá thế độc đạo cho 3 huyện nghèo nhất của tỉnh là Ân Thi, Tiên Lữ và Phù Cừ. Khi tuyến đường đi vào khai thác sẽ kết nối kinh tế các huyện này với các huyện trong tỉnh, vùng và cả nước; tạo không gian phát triển mới. Các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ dù đi sau sẽ về trước để cùng Hưng Yên, các tỉnh trong khu vực và cả nước phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hưng Yên, Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thi công tiếp tục phối hợp tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích còn lại, trong đó khuyến khích di dân tái định cư tại chỗ, đảm bảo người dân có cuộc sống mới tốt hơn, ít nhất bằng ở nơi ở cũ. Sau khi có mặt bằng thì nhà thầu tập trung thi công "3 ca 4 kíp", "vượt nắng thắng mưa", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương", "làm việc xuyên lễ xuyên Tết xuyên ngày nghỉ", phát huy điều kiện thuận lợi từ địa hình bằng phẳng, khắc phục khó khăn liên quan đến nguyên vật liệu, cố gắng hoàn thành dự án vào tháng 9/2025, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển bài bản, bền vững, hài hòa, bảo vệ môi trường; nghiên cứu không làm hàng rào cứng cạnh các tuyến đường mà làm hàng rào mềm như các kênh, mương, hồ nước…, bố trí hệ thống cây xanh để có cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Thủ tướng đề nghị tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát huy khí thế phát triển; cấp ủy, chính quyền và người dân nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong phát triển, kết nối hạ tầng giao thông, công trình sau đẹp hơn, tốt hơn công trình trước, đạt kết quả năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các bộ, ngành của Trung ương đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để tỉnh thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, quan tâm của Thủ tướng và các bộ, ngành của Trung ương. Đồng thời yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương liên quan phối hợp thực hiện dự án; nhà thầu tập trung nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Trong chương trình công tác tại tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tới thăm Khu công nghiệp Thăng Long II - khu công nghiệp lớn và hiện đại nhất của Hưng Yên hiện nay, được đầu tư bởi liên doanh có sự tham gia của Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản. Khu công nghiệp Thăng Long II có tổng diện tích hiện nay là hơn 525 ha, tổng vốn đầu tư hơn 206 triệu USD.
Thăm nhà máy sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mektec Manufacturing Corporation Việt Nam tại Khu công nghiệp Thăng Long II, Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao tỉnh Hưng Yên và nhà đầu tư phát triển khu công nghiệp theo hướng đa ngành, trong đó tập trung thu hút các ngành công nghệ cao như điện tử, cơ khí chính xác, phụ tùng ô tô, công nghiệp nhẹ, khí công nghiệp, dược phẩm, chế phẩm sinh học, kính quang học và các ngành công nghệ cao khác.