Chọn Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là đơn vị đầu tiên đến làm việc trong năm mới Kỷ Hợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói chuyện với hàng trăm cán bộ chủ chốt của bộ này.
Trong bài phát biểu gần 2 giờ đồng hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lần đầu tiên tiên công bố tầm nhìn quốc gia năm 2045. Một số mục tiêu của Việt Nam năm 2045 đã từng được Thủ tướng nêu tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Tầm nhìn Việt Nam 2030, 2045
“Đến những năm 2030, Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao. Nền kinh tế thị trường đã phát triển hơn trong nước sẽ do khu vực tư nhân dẫn dắt, có khả năng cạnh tranh, và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ông nhấn mạnh các tập đoàn, cho dù là tư nhân hay Nhà nước, vào năm 2045 đều tuân thủ những kinh nghiệm và nguyên tắc tốt có giá trị toàn cầu về quản trị doanh nghiệp khách quan, hoạt động trên một sân chơi bình đẳng đối với tất cả bên liên quan.
Các ngành công nghiệp hiện đại và nền kinh tế dựa trên tri thức sẽ phát triển mạnh, được đặt trong một mạng lưới hiệu quả và được kết nối tốt tại các thành phố hiện đại, nơi mà các chính sách đô thị và nông thôn sẽ được đồng bộ chặt chẽ.
Những đô thị như Hà Nội và TP.HCM sẽ tương tác với nền kinh tế toàn cầu và đảm bảo tính đa dạng đô thị, nhờ đó khuyến khích học tập, sáng tạo và phát triển sản phẩm mới, kết nối mọi người và doanh nghiệp trên thế giới.
GDP bình quân đầu người 2030 đạt ít nhất 18.000 USD (theo giá PPP năm 2011), tương đương với Malaysia vào năm 2010. Khi đó trên 50% dân số Việt Nam sống ở khu vực đô thị. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP ở mức hơn 90% và đóng góp hơn 70% việc làm. Tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP ít nhất là 80%. Chỉ số phát triển con người theo Liên Hợp Quốc (HDI) đạt ít nhất 0,7.
Về tầm nhìn đến 2045, Thủ tướng mong muốn: “Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển. Dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới; khả năng con người Việt Nam không hề kém hơn so với dân tộc khác; lòng yêu nước của chúng ta không hề thua kém họ”.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam phải trở thành một quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập nhóm các quốc gia thu nhập cao, nơi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới; trở thành một quốc gia có nền kinh tế tri thức cạnh tranh, nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như chỉ số về môi trường kinh doanh thuận lợi.
Ngoài ra, nền kinh tế với thu nhập tốt và đa dạng hóa các nguồn thu nhập; công nghiệp theo hướng hiện đại, khu vực nông nghiệp giảm xuống dưới 10% với nền sản xuất hiện đại mang tính công nghiệp, không còn ranh giới nông nghiệp thuần túy. Việt Nam hướng đến quốc gia có chất lượng giáo dục tốt nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Xây dựng quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe con người đẳng cấp thế giới, đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho 100% người dân với chất lượng cao; phát triển hệ thống bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất trên cả nước, nằm trong 20 nước có dịch vụ y tế tốt nhất thế giới.
Ngoài ra, chỉ số HDI nằm trong nhóm 30 nước có chỉ số phát triển nhất thế giới, xây dựng gia đình văn hóa, tăng cường liên kết cộng đồng, Việt Nam trở thành một xã hội văn minh, hiện đại, tiếp tục phát huy thành quả của giai đoạn phát triển trước đến năm 2030.
Thách thức cho Việt Nam và yêu cầu hiến kế với Bộ KH&ĐT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu lên một số thách thức với Việt Nam trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, sụt giảm kinh tế toàn cầu. Ngoài ra còn có tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hụt hơi phần nào ảnh hưởng đến Việt Nam bởi đó là đối tác thương mại lớn nhất…
Thách thức tiếp theo là nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nhiều vấn đề tiêu cực thuộc lĩnh vực văn hóa xã hội nổi lên, chênh lệch giàu nghèo, nhân khẩu học, già hóa dân số, chênh lệch vùng miền…
“Những thách thức là những bài toàn lớn đặt ra. Bộ KH&ĐT hãy hiến kế để các mục tiêu KTXH tạo ra bứt phá, không những năm nay mà còn các khâu các cấp, các ngành trong năm nay và các năm tiếp theo. Bộ KH&ĐT phải dẫn đầu”, Thủ tướng nói.
Ghi nhận vai trò "tiên phong đi trước, nắm bắt cơ hội cho đất nước", của Bộ KH&ĐT, ông đề nghị cơ quan này huy động mọi nguồn lực đánh giá và định hướng chiến lược các lĩnh vực cải cách, đổi mới và sáng tạo, xây dựng và hoàn thiện thể chế trong thời gian tới để Bộ xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng.
Ông đề nghị khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém, cần làm tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, huy động mọi nguồn lực, trí tuệ trong và ngoài bộ. Đặc biệt, cần bám sát phương châm hành động của Chính phủ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, coi đây là trọng tâm hành động trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ KH&ĐT không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế mà còn chú trọng đến xã hội, bởi nội hàm của phát triển là cả kinh tế và xã hội. Ông cũng mong muốn Bộ đóng góp nhiều hơn trong phát triển xã hội như cải cách giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa của người dân...