Aa

Tầm nhìn quốc gia của các quan tòa!

Thứ Tư, 13/02/2019 - 20:01

Với mỗi doanh nghiệp, vi phạm pháp luật là đòn chí tử, dù lớn hay nhỏ. Rồi lại được một tuyên ngôn cửu đỉnh tầm quốc gia phán quyết: “Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”, giá nào sẽ phải trả đây?

Đã cách đây hơn 40 năm, từ khi được tham dự phiên tòa đầu tiên xử một nhóm cán bộ của ngành Nội thương tại một tỉnh miền núi, tôi đã thoáng nổi da gà khi Chủ tọa phiên tòa nói một câu với 6 bị can trước tòa: “Yêu cầu hai anh đảng viên đứng sang một bên”. Tôi rất bất ngờ vì trước tòa chỉ là những công dân, tại sao lại có cả đảng viên ở đây?

Anh bạn trong ngành ở địa phương giải thích: “Tòa địa phương vậy đó, Chủ tọa muốn mọi người phân biệt những bị cáo nguyên là đảng viên phải có trách nhiệm cao hơn trước pháp luật”. Khi ấy, với sự hiểu biết non nớt của một phóng viên mới ra trường, tôi cũng không lăn tăn lắm về tình tiết này.

Đến khi lúc tuyên án, Chủ tọa nghiêm giọng đọc: “Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”, tôi cũng không thể nghĩ rằng tại một phiên tòa cấp tỉnh miền núi xa xôi này lại có thể nhân danh quyền lực của cả quốc gia. Sau này tôi mới hiểu, mỗi phiên tòa dù cấp nào đi nữa cũng là nơi khẳng định sự tồn tại của cán cân công lý, đại diện cho nền tảng pháp luật của quốc gia.

Nhưng rồi qua nhiều phiên tòa được tham dự, rồi kháng cáo, rồi phúc thẩm, rồi hủy án, tôi lại nhận ra rằng, nhiều khi sự nhân danh đó lại đang bôi nhọ hình ảnh của quốc gia. Đấy là điều cực kỳ đau đớn, mà chắc chắn không phải của riêng tôi.

Cách đây ít lâu, nhân vụ việc Vinasun kiện Grab ra Tòa, tôi đã viết một bài trên Reatimes có tiêu đề “Tôn Ngộ Không cũng không giám định được!”. Kể ra cái “tít” ấy cũng hơi chua ngoa nhưng với quan điểm của mình, tôi khẳng định rằng, sự phán quyết của Tòa nếu có trong vụ án này sẽ dễ dàng trở thành một cuộc đua vô tiền khoáng hậu.

Bởi một lẽ rất đơn giản, đó là tại sao con số thiệt hại kia là 41,2 tỷ đồng mà không phải là 51,2 tỷ đồng hoặc 31,2 tỷ đồng?

Để có được con số cụ thể ấy, tất nhiên phải được tổ hợp từ nhiều con số cụ thể khác. Chẳng hạn, Vinasun bị thiệt hại trên thị trường taxi bao gồm kết quả nghiên cứu cho thấy có 40% khách hàng của Vinasun chuyển qua sử dụng dịch vụ của Grab. Theo báo cáo giám định của Công ty Cửu Long, số lượng xe của Grab gần 13.000 xe. Do đó, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX Tòa án nhân dân TP.HCM chấp nhận toàn bộ yêu cầu được bồi thường của Vinasun.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thế nhưng, nếu ai có một chút kiến thức về kinh tế thị trường thì sẽ dễ dàng thấy rằng, một ngành dịch vụ khi suy giảm lượng khách hàng có rất nhiều nguyên nhân, hoặc là do sự quản trị nội tại của doanh nghiệp đó yếu kém, không theo kịp nhu cầu của cuộc sống; hoặc là do các đối thủ cạnh tranh tạo ra những ưu thế mới có lợi cho khách hàng; hoặc là do nhu cầu trải nghiệm của khách hàng đối với mặt hàng mới hay dịch vụ mới đó...

Đơn giản như thế mà cuối cùng, sau khi hoãn đi hoãn lại, ngày 28/12/2018, TAND TP.HCM đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.

Khi biết thông tin này, tôi nghĩ, chỉ có Tôn Ngộ Không là nhân vật thần thông biến hóa trong tác phẩm Tây Du Ký nổi tiếng mới có thể bấm quyết ra con số này. Nhưng thôi, người ta đã “Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...” rồi, vả lại con số cũng đã rút xuống còn 1/10 rồi, có viết thêm nữa thì cũng chẳng bõ.

Thế rồi mới đây, lại nghe tin Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định bổ sung kháng nghị phúc thẩm của viện trưởng VKSND TP.HCM đối với bản án này và cho rằng, Grab không vi phạm pháp luật!

Lập luận của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM lại cũng rất đơn giản. Thứ nhất, Grab hoạt động đúng theo hệ thống luật pháp đã cho phép. Thứ hai, sự thiệt hại của Vinasun là do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, không thể đo đếm được và không liên quan trực tiếp đến Grab. Thứ ba, nếu có vấn đề gì xảy ra thì Grab phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ với cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải với Vinasun.

Đấy, ngắn gọn và dễ hiểu đến như thế, tại sao Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm của phiên tòa này lại không nhìn ra nhỉ?

Tôi lại chợt nhớ đến phiên tòa cách đây hơn 40 năm được dự. Hay là tầm nhìn của quan tòa địa phương nó chỉ cần có thế thôi?

Ôi, thế thì chết doanh nghiệp người ta rồi còn gì? Với mỗi doanh nghiệp, vi phạm pháp luật là đòn chí tử, dù lớn hay nhỏ. Rồi lại được một tuyên ngôn cửu đỉnh tầm quốc gia phán quyết: “Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”, giá nào sẽ phải trả đây?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top