Aa

Thu về

Thứ Năm, 18/08/2022 - 06:12

Trong thẳm sâu tâm hồn, ta thực sự muốn cảm ơn tạo hóa vì đã sinh ra mùa thu, để ta được sống giữa những ngày mát mẻ, trong trẻo ấy và nhớ lại những ngày thu đã xa...

Thu về. Đã qua tiết Lập Thu được mấy ngày. Có thể bạn quên, không bóc tờ lịch để nhớ ngày này, nhưng những làn gió nhẹ mơn man từ da thịt đến tâm hồn, đã báo hiệu bạn: Thu về!

Xã hội đã bước sang cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nhưng những cư dân vùng Á Đông vẫn không thể “bứng” mình ra khỏi văn hóa tâm linh. Về tiết khí đó là lịch Vạn niên. Thưa, 24 tiết khí trong mỗi năm được xác định bằng thời điểm mặt trời đi qua những kinh độ nhất định. Bắt đầu từ kinh độ 0 độ đến kinh độ 345 độ, cứ mỗi 15 độ là thời điểm diễn ra một tiết khí.

Lập Thu, có nghĩa là “Lập” trong xác lập, “Thu” trong mùa thu, Lập Thu là một từ Hán Việt có nghĩa là bắt đầu mùa thu. Ngày Lập Thu chính xác là ngày mặt trời đi qua kinh độ số 135 độ và thường rơi vào các ngày từ 7 - 9 tháng 8 Dương lịch. Năm 2022 này cũng vậy.

Lập Thu là thời điểm mùa hạ qua đi, nhường chỗ cho mùa thu tới. Nó đánh dấu sự kết thúc của cái nắng gay gắt và những cơn mưa rào tầm tã. Thay vào đó, khí trời dần dần chuyển sang se lạnh, hanh khô, bầu trời dường như cũng thêm phần ảm đạm. Đồng thời, tiết Lập Thu thường rơi vào tháng 7 âm lịch. Dân gian truyền rằng đây là tháng cô hồn, những điềm xấu sẽ thường xuyên xảy ra hơn.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Lập Thu 2022 thì cơn bão số 2 đến. Dẫu nó đã biến thành áp thấp nhiệt đới, nhưng mưa khá buồn. Khi cơn bão số 2 ập vào đất liền cũng là lúc trên bàn thờ của mọi gia đình người Việt, hương đèn được thắp lên.

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu chính là ngày rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Vu Lan là ngày để khắc ghi công dưỡng dục và báo hiếu cha mẹ của kiếp này và cả những kiếp trước. Khắc ghi công ơn của bề trên gồm ông bà, tổ tiên nói chung. Và trên hết là bày tỏ lòng kính nhớ tổ tiên. Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta. Chính vì thế, cần tránh một số việc để không làm tổn phúc đức của bản thân, gia đình, tổ tiên...

“Cả năm được rằm tháng 7, cả thảy được rằm tháng Giêng” (ca dao); Lập Thu vì thế càng có ý nghĩa tâm linh.

Mùa thu thật nhẹ nhàng và dịu dàng... (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Chắc các bạn tôi, nhất trí rằng, trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì mùa thu đẹp nhất. Mùa thu thật nhẹ nhàng và dịu dàng. Trong thẳm sâu tâm hồn ta thực sự muốn cảm ơn tạo hóa vì đã sinh ra mùa thu, để ta được sống giữa những ngày mát mẻ, trong trẻo ấy và nhớ lại những ngày thu đã xa. Rất nhiều người con trai, con gái sinh ra trong mùa này, được phụ huynh đặt tên Thu. Biết bao nhà văn, nhà thơ, danh họa từ thế giới đến Việt Nam, từ cổ chí kim lấy mùa thu làm cảm hứng sáng tác.

Nói về các danh họa thế giới, người ta không thể không nói đến Levitan (Nga) với những bức tranh đã gây nhiều ấn tượng như Tháng ba, Một ngày thu ở công viên, Rừng bạch dương, Sự yên tĩnh vĩnh hằng, Hồ nước Nga, Con nước mùa xuân và hàng trăm tác phẩm với nhiều chất liệu khác nhau, mô tả cảnh đẹp của nước Nga hùng vĩ và thơ mộng.

Song, trong những tác phẩm nổi tiếng của ông thì bức tranh đẹp nhất là Mùa thu vàng. Có thể nói trong sự nghiệp sáng tác tranh phong cảnh, bức tranh Mùa thu vàng là biểu tượng, danh tiếng và đỉnh cao nghệ thuật tạo hình của Levitan. Tuy là tranh phong cảnh nhưng người xem vẫn thấy động tĩnh bóng dáng đâu đó của con người trong tranh. Hẳn, nhiều người Việt Nam từng học tập và công tác ở nước Nga, yêu mến nước Nga vẫn giữ nguyên cảm xúc với kiệt tác vĩnh hằng này?!

Thu về. Đất nước Việt Nam liền một dải, “Quê hương ta một dải/ Từ mũi Cà Mau/ Đến địa đầu Móng Cái”, (Học đi em, thơ Tố Hữu); tuy nhiên, những người sống ở phía Bắc mới cảm nhận rõ hơn về mùa thu.

Hà Nội, có lẽ là nơi mùa thu ở Việt Nam đẹp nhất... (Ảnh: Bùi Văn Doanh)

Cám ơn các nhạc sĩ Việt Nam tài danh đã để lại những ca khúc sống mãi với thời gian về mùa thu. Có thể nhắc đến “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Thu quyến rũ” (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh); “Thu cô liêu”, “Buồn tàn thu” (nhạc sĩ Văn Cao); “Mùa thu lá bay” (nhạc Hoa, lời Việt); “Mùa thu cho em” (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên); “Con thuyền không bến” (nhạc sĩ Đặng Thế Phong); “Không còn mùa thu” (nhạc sĩ Việt Anh); “Mùa thu ru em” (nhạc sĩ Đức Huy); “Có phải em mùa thu Hà Nội” (nhạc sỹ Trương Quang Lộc); “Nhớ mùa thu Hà Nội” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Đặc biệt phải kể đến, “Nhìn những mùa thu đi” và “Nắng thủy tinh” là hai nhạc phẩm bất tử về mùa thu mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Phải đi vào âm nhạc, ca khúc sống mãi với thời gian mới “ngộ” ra được vẻ đẹp mà thu mang đến. Mùa thu còn là mùa của chim làm tổ, hẳn những nam thanh, nữ tú yêu nhau không bao giờ quên giai điệu “... Không còn mùa thu, trăng rơi bên thềm/ Không còn lời ru, mơ trên môi mềm/ Em thơ, như mùa xuân đầu, nối dài đêm sâu/ Anh làm mùa thu, cho em mơ màng...” (Ca khúc “Không còn mùa thu”, nhạc sĩ Việt Anh). Bản chất của tình yêu cũng như mùa thu là vẻ đẹp.

Thu về! Với tôi khác lạ. Bởi tháng 8 là ngày tôi được sinh ra trên cõi đời để biết đắng, biết ngọt ở “quán trọ trần gian” (chữ của Trịnh Công Sơn). Trong bài thơ “Tháng tám” viết cách đây khá lâu, tôi đi từ một hiện thực “Tháng tám,/ một ngày/ tã lót là cánh đồng xanh gió/ tôi sinh ra như cỏ/ trọn một đời rễ bám ruộng quê” để đến một hiện thực khác “Tôi lớn lên đội mưa nắng trên đồng/ gặp hạt sương ngậm cười chưa trúng số/ ngày hanh hao đất gan gà bỏng rộp/ nối bốn mùa da diết giữa quê hương”.

Cội nguồn, quê hương, đất nước; quá khứ, hiện tại, tương lai bao giờ cũng là dòng chảy không ngắt quãng. Trong vạn vật, bốn mùa cũng khăng khít trong vĩnh cửu.

Những ngày tháng Tám sôi sục ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Thu về! Trong dòng cảm xúc cùng đất trời, là con dân nước Việt, hẳn không ai không thấy rạo rực. Bởi nó cũng chính là mùa thu Cách mạng. Tôi không nhớ biết bao lần thả bộ trên những con đường phía Hoàng Thành Thăng Long, đọc trong tâm tưởng bài thơ “Đất nước” của cố nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi:

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Thật đẹp, trong mùa thu Cách mạng. Thật xúc động khi trong mùa thu ấy, cách đây 77 năm, “Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Hà Nội, có lẽ là nơi mùa thu ở Việt Nam đẹp nhất, nên những bài hát về mùa thu Hà Nội, Hà Nội mùa thu khá nhiều. “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió/ Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”. Thật đặc biệt, cám ơn mùa thu Hà Nội, “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Nhớ đến một người/ Để nhớ mọi người” (Nhớ mùa thu Hà Nội, Trịnh Công Sơn).

Tôi muốn nói với mùa thu bằng cảm thức tri ân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top