Chiều ngày 24/11, Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy, Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây tổ chức Hội nghị Kết nối hãng tàu - doanh nghiệp có hàng container qua cảng Chân Mây.
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp khai thác cảng, xúc tiến, kêu gọi, thực hiện thành công, đưa các đại lý, hãng tàu container vào làm hàng tại cảng Chân Mây; tạo động lực, giúp cho ngành công nghiệp của tỉnh và khu vực miền Trung phát triển; mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
Để cụ thể hóa yêu cầu và mong muốn của doanh nghiệp, ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi chung, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết riêng nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại cảng Chân Mây.
Đến nay, sau hơn 1 năm đưa Nghị quyết đi vào thực hiện, bước đầu đã phát huy, đạt được hiệu quả nhất định; cụ thể, đã thu hút được hơn 65 chuyến tàu vận chuyển container (44 chuyến nội địa và 21 chuyến quốc tế) với sản lượng thông qua là 7.370 TEUs, tương đương 110.640 tấn hàng hóa. Dự kiến đến cuối năm 2023, sẽ có thêm 12 chuyến nội địa và 04 chuyến quốc tế với sản lượng lên 1.716 TEUs, tương đương khoảng 28.350 tấn hàng hóa; nâng sản lượng hàng container thông qua cảng trong năm 2023 là: 81 chuyến, 9.086 TEUs, tương đương 138.990 tấn hàng hóa; ngân sách chi hỗ trợ cho các hãng tàu, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyên bằng container qua cảng đến hết năm 2023 là khoảng 18 tỷ đồng.
Những kết quả đạt được bước đầu cho thấy, chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, lan tỏa rất lớn, góp phần thúc đẩy, phát triển đồng thời cho cả doanh nghiệp và cảng Chân Mây; tạo thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu phát triển lan tỏa, không những cho tỉnh Thừa Thiên Huế, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà còn lan tỏa sang nước bạn Lào thông qua tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây; tạo động lực, diện mạo mới cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.
"Thông qua Hội nghị này, tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết thực hiện nhất quán chủ trương “Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng doanh nghiệp với phương châm “Luôn hướng đến và lấy doanh nghiệp là trung tâm, là động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững, tự chủ của tỉnh nhà", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chia sẻ.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hãng tàu cũng đã chỉ ra một số khó khăn tồn tại trong hoạt động tại cảng Chân Mây như: Hiện một số doanh nghiệp đã quen xuất nhập hàng container tại Đà Nẵng nên còn ngại thay đổi; giữa các doanh nghiệp, hãng tàu và các công ty logistics chưa có sự liên kết, hợp tác nhất định; thu hút nguồn hàng khó khăn do suy giảm thương mại toàn cầu cũng như trong nước… Hiện lượng hàng container, số chuyến tàu nội địa/quốc tế vẫn còn ít; tần suất các chuyến tàu đi/đến cảng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu từ phía các doanh nghiệp cũng như mong muốn, kỳ vọng của tỉnh Thừa Thiên Huế và lợi thế vốn có của cảng Chân Mây...
Hội nghị đã ghi nhận những ý kiến chất lượng, chia sẻ đầy trách nhiệm, tâm huyết của các doanh nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để Ban quản lý Khu kinh tế, các sở, ban, ngành và cảng Chân Mây cùng nghiên cứu, chắt lọc để ban hành chính sách thuộc thẩm quyền, thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp xuất nhập hàng hóa qua cảng Chân Mây luôn được thông suốt.
Dịp này, Hãng tàu Regional Container Lines (sở hữu và vận hành 36 tàu container đi 170 điểm đến tại 28 quốc gia) đến từ Thái Lan và Công ty Cổ phần Cảng Chân Mây ký biên bản ghi nhớ về việc Hãng tàu Regional Container Lines sẽ triển khai mở tuyến vận chuyển container quốc tế qua cảng vào đầu tháng 12/2023./.