Cụ thể, tổng số vốn đã giải ngân hơn 1.646 tỷ đồng, trong đó năm 2024 là gần 381 tỷ đồng, đạt gần 45%. Tổng giá trị giải ngân năm 2024 dự kiến khoảng hơn 546 tỷ đồng/847 tỷ đồng. Số vốn còn lại khoảng 300 tỷ đồng chưa giải ngân nên Ban quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa thiên Huế xin kéo dài thời gian thực hiện giải ngân sang năm 2025.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), Ban QLDA cho biết, khu vực xã Hải Dương đã cơ bản hoàn thành và bàn giao cho đơn vị thi công. Đến nay chỉ còn 1 hộ đã nhận tiền đền bù và đang bàn giao mặt bằng. Khu vực phường Thuận An đối với đất ở, phạm vi GPMB đoạn 600m có 54/54 trường hợp đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ về đất và tài sản trên đất. Trong đó có 26/54 hộ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng, nhưng không có đường vào nên các đơn vị chỉ phá dỡ lấy mặt bằng chứ chưa triển khai thi công. 28 hộ còn lại chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng do vướng mắc về bố trí tái định cư và kiến nghị đơn giá đền bù.
Được biết, hiện nay đường đầu mố M2 (phía Thuận An) còn vướng mặt bằng nên đường vận chuyển tập kết vật liệu, thiết bị gặp nhiều khó khăn. Ban QLDA đã kiến nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc trong công tác GPMB để có mặt bằng hoàn chỉnh triển khai dự án.
Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình khai thác, tạo điểm nhấn mỹ thuật cho cầu nhất là về ban đêm, tăng hiệu quả sử dụng của dự án, chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh cho phép điều chỉnh bổ sung một số hạng mục, như: Hệ thống camera giám sát cầu qua cửa biển Thuận An, điện chiếu sáng mỹ thuật trên và dưới cầu, hệ thống thoát nước dọc, đầu tư hoàn thiện vỉa hè và hệ thống điện chiếu sáng đoạn tuyến 1B (phía phường Thuận An). Ngoài ra, bổ sung diện tích đất 3,2ha tại khu vực bãi biển Hòa Duân (trong đó 2ha thuộc phường Thuận An, TP. Huế và 1,2ha thuộc xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) để hoàn trả lại diện tích 3ha đất quốc phòng bị thu hồi tại thôn Hải Tiến, phường Thuận An.
Việc bổ sung các hạng mục này không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án. Đây là dự án lớn, có thời gian thực hiện kéo dài, sử dụng nhiều loại vật liệu, áp dụng nhiều công nghệ mới lần đầu tiên thực hiện ở Thừa Thiên Huế nên việc điều chỉnh bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình thực hiện là cần thiết.
Để việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo pháp lý cũng như đẩy nhanh được tiến độ, Ban QLDA kiến nghị UBND tỉnh ủy quyền cho phép Ban QLDA được chấp thuận bổ sung sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật khi cần thiết. Ban QLDA chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định bổ sung của mình và báo cáo UBND tỉnh về việc bổ sung này trong báo cáo giám sát đầu tư hàng quý./.