Aa

Thúc đẩy kinh tế sau bão lũ là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam

Thứ Sáu, 27/09/2024 - 06:25

Dù đối mặt với thiệt hại nặng nề do bão Yagi gây ra, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2024. Chính phủ đang triển khai các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, kết hợp với triển vọng xuất nhập khẩu khả quan và môi trường tín dụng toàn cầu nới lỏng, tạo động lực vượt qua khó khăn và thúc đẩy kinh tế phục hồi nhanh chóng.

Bão Yagi gây thiệt hại nặng nề, Việt Nam vẫn quyết tâm tăng trưởng

Bão Yagi, cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, đã gây ra thiệt hại nặng nề cho Việt Nam, ước tính thiệt hại lên đến hơn 50 nghìn tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng GDP năm nay có thể giảm 0,15 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra trước đó là 6,8 - 7%. Trong đó, nông, lâm và ngư nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi ước tính giảm 0,33 điểm % tăng trưởng, công nghiệp và xây dựng dự báo giảm 0,05 điểm %, trong khi khu vực dịch vụ được dự báo giảm 0,22 điểm %.

Mặc dù bão Yagi gây thiệt hại đáng kể, Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng và quyết liệt để giảm thiểu ảnh hưởng. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy việc gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất không đáng kể. Lũ lụt và mất điện gây ra khó khăn tạm thời cho một số khu công nghiệp miền Bắc, nhưng với việc nhanh chóng khắc phục sự cố, hoạt động sản xuất dự kiến sẽ sớm trở lại bình thường và đẩy mạnh công suất để bù đắp sản lượng đã mất. Ngành du lịch cũng cho thấy khả năng phục hồi ấn tượng, điển hình là Quảng Ninh đã mở cửa đón khách trở lại chỉ sau 5 ngày. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp có thể cần thời gian dài hơn để khắc phục hậu quả.

Chúng tôi cũng tin tưởng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế và giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP vào khoảng 6,4 - 6,8% cho quý III và 6,5% cho cả năm 2024. Sự lạc quan này dựa trên các yếu tố hỗ trợ.

Thúc đẩy kinh tế sau bão lũ là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam- Ảnh 1.

Thứ nhất là chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại và phục hồi kinh tế. Theo đó, Chính phủ sẽ tập trung vào việc khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu như lưới điện, đường sá, trường học và trạm xá, đồng thời hỗ trợ người dân sửa chữa và xây dựng lại nhà cửa bị hư hại do bão Yagi. Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước hoạch định và thực hiện các chính sách như giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, gia hạn, hoãn các loại thuế, phí và lệ phí. Trong khi đó, Bộ Công Thương đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ hai, hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự báo, với mức tăng trưởng ấn tượng 15,9% và 18,1% trong 8 tháng đầu năm. Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm, đặc biệt là về xuất khẩu. Do đó, chúng tôi đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu năm nay lên lần lượt 15,2% và 17,2%. Kết quả xuất nhập khẩu khả quan này được kỳ vọng sẽ bù đắp phần nào sự suy giảm tăng trưởng do cơn bão gây ra.

Thúc đẩy kinh tế sau bão lũ là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam- Ảnh 2.

Thứ ba, môi trường tín dụng toàn cầu cũng đang dần nới lỏng. Các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu và Fed, đang đẩy nhanh chu kỳ cắt giảm lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ tạo ra những tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam. Đơn cử như lãi suất huy động trong nước có thể hạ nhiệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn, kích thích đầu tư và tiêu dùng. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất thấp toàn cầu có thể thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là vào thị trường chứng khoán và bất động sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tóm lại, việc nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới, hỗ trợ thêm cho những nỗ lực vượt qua khó khăn do bão Yagi gây ra.

Đầu tư công sẵn sàng bứt phá trong những tháng cuối năm

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công thực hiện trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt 363 nghìn tỷ đồng (14,9 tỷ USD), tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 và mới chỉ đạt 47,8% kế hoạch năm.

Theo Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân đầu tư công cũng đang chậm lại, với tổng số tiền giải ngân tính đến tháng 8 ước đạt 274,5 nghìn tỷ đồng (11,3 tỷ USD), bằng 37,1% so với kế hoạch năm, thấp hơn mức 39,6% của cùng kỳ năm 2023.

Nhìn lại năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện đạt 580 nghìn tỷ đồng (22,6 tỷ USD), đạt 81,5% kế hoạch năm của Quốc hội, cho thấy sự cải thiện so với tỷ lệ 71% của năm 2022.

Thúc đẩy kinh tế sau bão lũ là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam- Ảnh 3.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

Mặc dù tốc độ giải ngân đầu tư công trong 8 tháng đầu năm có phần chậm lại nhưng chúng tôi nhận thấy những tín hiệu tích cực cho thấy khả năng tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Thứ nhất, nhu cầu đầu tư cho phục hồi cơ sở hạ tầng sau bão Yagi là rất lớn, bao gồm các công trình giao thông, trường học, bệnh viện và hỗ trợ nhà ở cho người dân. Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ người dân sửa chữa và xây lại nhà cửa. Một số làng chịu thiệt hại nặng nề có thể được di dời đến các khu vực an toàn hơn và tái thiết bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc địa phương. Trong cuộc họp gần đây về khắc phục hậu quả của bão Yagi, Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh các dự án đầu tư công trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Thứ hai, tình hình ngân sách nhà nước thuận lợi với mức thặng dư cao trong 8 tháng đầu năm, tạo điều kiện cho việc mở rộng chính sách tài khóa và tăng cường đầu tư công. Bên cạnh đó, lạm phát hạ nhiệt và giá vật liệu xây dựng ổn định trong những tháng gần đây cũng tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và sân bay quốc tế Long Thành.

Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực của Chính phủ và các điều kiện thuận lợi hiện tại, đầu tư công sẽ có những bước tiến đáng kể trong quý IV, góp phần quan trọng vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau bão Yagi.

Ngân hàng Nhà nước tăng cường hỗ trợ thanh khoản, tín dụng phục hồi

Trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn. Cụ thể, từ cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã tạm dừng phát hành tín phiếu, đồng thời giảm lãi suất tín phiếu và OMO xuống lần lượt 4,15%/năm và 4,0%. Những động thái này nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống và giảm áp lực lên lãi suất liên ngân hàng. Kết quả là, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm xuống dưới 4,0%, phản ánh hiệu quả của các biện pháp can thiệp.

Chúng tôi kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm những động thái hỗ trợ quyết liệt hơn trong quý IV, bao gồm mua vào dự trữ ngoại hối và thúc đẩy tăng trưởng cung tiền, vốn rất chậm chạp kể từ đầu năm nay.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 26/8 đạt 6,63% so với đầu năm, cho thấy sự phục hồi đáng kể từ giữa tháng 8. Điều này một phần là do Ngân hàng Nhà nước đã thông báo sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng đạt ít nhất 80% mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Ngoài ra, quyết định gần đây của Kho bạc Nhà nước khi muốn mua tổng cộng 250 triệu USD từ các ngân hàng thương mại cũng góp phần hỗ trợ thanh khoản thị trường. Nhìn chung, những hành động này thể hiện rõ ý chí của nhà điều hành nhằm cải thiện thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất hấp dẫn.

Do đó, chúng tôi giữ nguyên dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân ở mức 5,2 - 5,3% cho cuối năm nay, thấp hơn dự báo 5,3 - 5,5%. Sự thay đổi này phản ánh kỳ vọng của chúng tôi về việc Ngân hàng Nhà nước có thể linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ hơn trong bối cảnh tỷ giá hối đoái và áp lực lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.

Tóm lại, các chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là kịp thời và phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau bão Yagi. Chúng góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tài chính và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng cần theo dõi sát diễn biến của lạm phát và tỷ giá để có những điều chỉnh chính sách phù hợp, đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top