Aa

Thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2023: Cần nhiều hơn các chính sách điều hành hiệu quả

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 12/01/2023 - 06:12

Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2022 đạt mức 8,02%, song nền kinh tế vẫn chưa tiến gần đến mức tăng trưởng trung bình giai đoạn trước Covid-19. Vì vậy, năm 2023, Việt Nam cần nhiều hơn các chính sách điều hành hiệu quả.

Thấy gì từ con số tăng trưởng GDP 8,02% năm 2022?

Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong cả năm 2022 đạt 8,02%, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1997 và giúp Việt Nam có thể nằm trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á. 

Theo đó, động lực tăng trưởng đến từ hầu hết các khu vực kinh tế chính khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, cũng như những yếu tố nền tảng đến từ tiêu dùng nội địa và dòng vốn FDI.

Tuy nhiên, đánh giá về mức tăng trưởng GDP trong cả năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng trưởng cao GDP cả năm 2022 chưa thể là lời khẳng định hoàn toàn về chất lượng tăng trưởng kinh tế. Thực tế, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 gần như bị đình trệ do dịch bệnh, đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM bị giãn cách nhiều ngày. Bước sang năm 2022, dịch bệnh được đẩy lùi, kinh tế phục hồi nhờ một loạt các gói hỗ trợ chính sách và sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp; cùng với đó, kết quả của năm 2022 đang được so sánh với nền tăng trưởng thấp của năm 2021. Chính vì thế, kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2022 cao là lẽ thường tình.

Theo bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI, ngay cả khi tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa tiến gần đến mức tăng trưởng trung bình trong giai đoạn trước Covid-19 (6,5%/năm). Tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2020 - 2022 chỉ ước tính khoảng 4,5%/năm.

Tốc độ tăng GDP các quý năm 2022 (%). (Ảnh chụp màn hình)

Ngay trong quý IV/2022, những dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế cũng đã được bộc lộ rõ. Cụ thể, tăng trưởng GDP trong quý IV/2022 của Việt Nam đã chậm lại, chỉ tăng 5,92% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trên thực tế, con số này không đem lại quá nhiều bất ngờ khi quan sát cho thấy, sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu trong các tháng gần đây đang xuất hiện ngày càng rõ.

Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng đã tăng chậm lại, chỉ tăng 4,2% so với cùng kỳ. Điều này đã phản ánh sự sụt giảm chung từ lĩnh vực chế biến chế tạo và xây dựng trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài yếu đi rõ rệt và ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn. 

Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và PMI ngành chế biến chế tạo trong tháng 12 đều ghi nhận kết quả không mấy tích cực, trong đó số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt. 

Khu vực dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong quý IV/2022 (ghi nhận mức tăng 8,12% so với cùng kỳ) với sự hồi phục từ khối du lịch (dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 37,6%) và bán buôn/bán lẻ (tăng 6,83%). 

Trong đó, lượng khách du lịch đã có sự cải thiện đáng kể trong những tháng cuối cùng của năm, với mức tăng trung bình đạt khoảng 20% so với tháng trước, và cơ cấu khách du lịch cũng đa dạng hơn. 

Tuy nhiên, lượng khách du lịch trong năm 2022 chỉ đạt khoảng 20% so với thời điểm trước đại dịch 2019 và khiến cho quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 chỉ đạt 82,5% quy mô của chỉ tiêu trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch bệnh. 

Năm 2023, Việt Nam cần nhiều hơn các chính sách điều hành hiệu quả

Theo các chuyên gia, năm 2023 nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Kinh tế thế giới sẽ có những biến động phức tạp, khó lường tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta. 

Cụ thể, các chỉ số về lạm phát, lãi suất, tỷ giá trong năm tới sẽ lên xuống khó đoán. Cùng với đó, nhu cầu mua sắm tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có khả năng giảm mạnh khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam thu hẹp dần. Từ đó nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam bị ảnh hưởng. 

Chính vì vậy, năm 2023, Việt Nam cần nhiều hơn các giải pháp, chính sách điều hành hiệu quả, hợp lý để đưa nền kinh tế an toàn vượt qua khó khăn, tiến gần hơn mức tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn trước đại dịch Covid-19.  

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, để đảm bảo mức tăng trưởng GDP trong năm 2023, Việt Nam cần phải tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó, đảm bảo "sức khỏe" cho thị trường tài chính, đẩy mạnh đầu tư công, khắc phục những khuyết điểm còn tồn tại của thị trường trái phiếu, hay bất động sản là những mục tiêu quan trọng cần thực hiện để giữ vững lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, thời gian tới cần có các chính sách duy trì động lực từ các trụ cột tăng trưởng như đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế số…

Cùng với đó, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và dịch bệnh mới phát sinh. Cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc. Thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Về chính sách thương mại, sản xuất, Nhà nước cần chủ động đánh giá, dự báo các mặt hàng có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn để có phương án điều tiết về nguồn cung hàng hóa, sản xuất trong nước. Chính sách điều hành giá cần rà soát, tính toán lộ trình tăng giá phù hợp đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, quản lý, trên cơ sở cân nhắc, đánh giá đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, đặc biệt là giá xăng dầu, điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục.

Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy nhanh lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện quy định về trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán...

“Các dự báo về kinh tế toàn cầu năm 2023 ngày càng trở nên u ám hơn. Nguy cơ xung đột địa chính trị, những bất ổn kinh tế vĩ mô trầm trọng hơn, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết và thiên tai khắc nghiệt… đang là những thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam năm 2023. Do đó, Việt Nam cần chủ động nắm bắt tình hình, đánh giá bản chất để đưa ra những chính sách điều hành linh hoạt, hợp lý, tránh tình trạng giật cục ảnh hưởng đến tâm lý của cả thị trường”, TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận. 

Báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC cũng khuyến cáo, Việt Nam “không thể ngủ quên trên chiến thắng” khi những khó khăn trong thương mại đang mạnh lên. Năm 2023 sẽ là một năm thách thức bất chấp những điểm tựa có phần tươi sáng của năm 2022.

Theo HSBC, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 là những khó khăn trong thương mại đang gia tăng. Tháng 12/2022, xuất khẩu giảm 14% so với cùng kỳ 2021 với sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử. Nhập khẩu cũng giảm ở nhóm hàng liên quan công nghệ.

Có thể hiểu rằng, Việt Nam đang ở thế “đứng mũi chịu sào” ảnh hưởng từ chu kỳ công nghệ toàn cầu đang hạ nhiệt. Triển vọng sản xuất đang bắt đầu có dấu hiệu khó khăn với chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) mới nhất tiếp tục giảm xuống 46,4 trong tháng qua, mức thấp nhất 1,5 năm qua. Trong khi đó, mức dưới mốc 50 phản ánh sản xuất giảm.

“Động lực bên ngoài của Việt Nam đã giảm tốc trong vài tháng qua và triển vọng không chắc chắn trong năm nay khi tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn được dự báo chậm lại. Áp lực thêm nữa có thể là lạm phát”, HSBC đánh giá.

Vì vậy, HSBC cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách điều hành thực sự cẩn trọng và hợp lý trong năm 2023. Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ dấu hiệu áp lực lạm phát đang mạnh lên, nhất là giá hàng hóa cơ bản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top