Nước ăn chân là một loại bệnh ngoài da rất phổ biến ở nước ta, đặc biệt là vào dịp hè, mưa nhiều, lũ lụt. Bệnh còn hay xảy ra ở những người làm việc mà chân phải tiếp xúc với nước bẩn không có dụng cụ bảo hộ, những người cơ địa hay ra mồ hôi chân mà phải đi giày thường xuyên…
Bệnh này do một loại nấm có tên khoa học là: Epydermophyton interdigitale gây ra. Bệnh tuy không gây nguy hiểm chết người, nhưng gây ngứa ngáy lở loét, hôi rất khó chịu, mất mỹ quan con người. Rất may là căn bệnh nấm ngứa này dễ điều trị và có rất nhiều loại thuốc rẻ tiền và có tác dụng tốt. Thường chỉ trong vòng một tuần bôi thuốc liên tục là bạn sẽ khỏi hẳn. Các thuốc thường dùng như sau:
Các loại dung dịch thuốc có tác dụng sát khuẩn, diệt nấm như: ASA, BSI, Betadine…
Các loại kem, mỡ bôi ngoài da mà trong thành phần của nó có các loại kháng sinh chống nấm như: Clotrimazol, Ketoconazol, Itconazol, Miconazol, Griseofulvine… Những loại thuốc này được bào chế trong dạng thuốc kem, mỡ bôi khá tiện dụng, rẻ tiền có tên thương mại như: Kedefarm, Tomax, Gentrisone, Nirozal…
Trong trường hợp chỉ có một lọ cồn sát trùng từ 70 - 90 độ cồn, bạn cũng có thể bôi chỗ nấm ngứa, có tác dụng tốt. Thậm chí chỉ cần dung dịch phèn chua (chất để đánh trong nước) hòa đặc bôi vào ban đêm khi không còn phải ngâm chân trong nước cũng có thể giảm ngứa nhiều và trị được loại nấm bệnh này.
Nhưng đặc biệt xung quanh bà con ở nông thôn vùng lũ có khá nhiều loại cây cỏ dược liệu có tác dụng tốt với bệnh này. Với kinh nghiệm của một người từng ở rừng mùa mưa, lại đã từng thử nghiệm trực tiếp trên mình và đồng đội, tôi viết ra đây để mọi người tham khảo và sử dụng tùy trường hợp và hoàn cảnh:
Lá trầu không giã nhỏ thêm vài ba hạt muối càng tốt, vắt lấy nước bôi vào chỗ bị nấm hoặc ban đêm có thể đắp luôn cả bã vào kẽ chân.
Búp sim, búp ổi, lá mưng (ngoài Bắc gọi là cây lộc vừng) là những loại lá có nhiều chất tanin làm săn se niêm mạc, diệt nấm khuẩn cũng có tác dụng tốt. Chỉ cần giã nhỏ độ 10 búp, có thì thêm 3 - 4 hạt muối tinh hoặc nếu không có thì thôi. Lấy nước bôi vào kẽ chân hay đắp luôn cũng được.
Các loại lá cây khác cũng có tác dụng tốt như: Lá chè xanh, rau sam, ké đầu ngựa, kim ngân… Thậm chí là trà khô làm ẩm bằng nước rồi giã nát cũng tốt. Các loại lá giã có thêm vài ba hạt muối để tạo môi trường thuốc đẳng trương, dễ ngấm vào da thịt. Nhưng không nên cho nhiều muối quá lại gây xót. Trong trường hợp không có muối thì ta dùng lá không cũng vẫn tốt.
Nếu trong bếp nhà nào có hàn the, một loại phụ gia thực phẩm bạn cho thể đem hòa nước, nhỏ thêm vài giọt chanh hoặc giấm ăn khuấy đều rồi đem bôi cũng có tác dụng trị nấm kẽ: Bởi hàn the trong môi trường acid chanh sẽ biến thành acid boric có tác dụng diệt nấm kẽ tốt.
Để giã nát các loại dược liệu cây cỏ này chúng ta chỉ cần một cái bát ăn cơm rửa sạch, một con dao nhỏ dùng chuôi để nghiền, giã nát là ổn. Là bạn đã thành thầy thuốc cho chính mình và người xung quanh.
Chú ý: Khi bôi các loại thuốc trên vào kẽ chân, bạn chỉ cần rửa sạch bùn đất, thấm khô rồi bôi chứ không cần bóc rửa quá kỹ chỗ nấm vì có thể gây tổn thương nhiễm trùng sâu hơn, thuốc sẽ tự ngấm vào các chỗ bị bệnh.
Hiện nay, miền Trung đang lũ lụt nặng, nhiều vùng bị ngập sâu phân cách không có điều kiện để đi mua thuốc, hy vọng bà con có thể sử dụng các vị thuốc dược liệu có sẵn quanh nhà để trị bệnh cho mình và người thân.