Theo khảo sát, hầu hết các sản phẩm bất động sản mở bán đều được chủ đầu tư đưa ra nhiều cam kết hấp dẫn để thu hút người mua. Tuy nhiên, ngoài một số chủ đầu tư uy tín như Vingroup, Sun Group… thực hiện tốt cam kết của mình, thì có không ít doanh nghiệp lại thất hứa, gây thất vọng và bức xúc cho khách hàng.
Chẳng hạn, tại dự án Home City Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) của chủ đầu tư là Công ty Văn Phú - Trung Kính. Khi giới thiệu mở bán và trong hợp đồng ghi địa chỉ cổng đi của dự án là 177 Trung Kính, nhưng khi cư dân nhận nhà về ở, thì lối đi này bị bịt lại và cư dân phải đi hướng ra đường Nguyễn Chánh.
Tại dự án New Horizon 87 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) của Vinaenco, khi dự án đi vào hoàn thiện, thì chủ đầu tư lại đổi màu sơn khác với màu sơn đã quảng cáo trước đó, khiến khách hàng bức xúc.
Hay tại chung cư Hồ Gươm Plaza (quận Hà Đông, Hà Nội) của Công ty May Hồ Gươm, quảng cáo là chung cư cao cấp, quản lý hiện đại, nhưng khi cư dân về ở đã nảy sinh nhiều tranh chấp với chủ đầu tư về chất lượng của Tòa nhà, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, phí dịch vụ…
Còn tại Dự án Parkview Residence thuộc Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông) của Ceninvest lại thay đổi thiết kế từ 9 căn/sàn lên 10 căn/sàn dẫn tới khiếu kiện của khách hàng…
Trong khi đó, với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là các dự án condotel, nhiều chủ đầu tư khi mở bán đã đưa ra cam kết khủng, lãi từ 10-12,5%/năm, thậm chí có doanh nghiệp còn cam kết lợi nhuận lên tới 14%/năm trong 10 năm.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và người trong ngành, nhà đầu tư cần cẩn thận, bởi mức cam kết này có nhiều rủi ro. Đa số những dự án này do những chủ đầu tư ít kinh nghiệm phát triển.
"Khách hàng nên tìm hiểu xem chủ đầu tư dựa vào cơ sở nào để “vẽ ra” con số cam kết hấp dẫn đó, hay đó chỉ là chiêu thức phá giá thị trường, tìm mọi cách bán sản phẩm, còn thực tế tương lai thì không ai, kể cả chủ đầu tư dự án cũng không dám chắc", một chuyên gia khuyến nghị.
Theo nhận định của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đối với sự rủi ro về cam kết của sản phẩm condotel, cần phải có biện pháp bảo đảm chủ đầu tư thực hiện lời hứa đảm bảo lãi suất 8 -12%/năm cho khách hàng.
Ngoài ra, cũng cần có biện pháp để giám sát tiền chủ đầu tư thu của khách hàng được sử dụng để đầu tư, hoàn thiện cho dự án bất động sản nghỉ dưỡng đó, chứ không phải sử dụng vào mục đích khác.
Để hạn chế rủi ro, theo vị này, khi lựa chọn sản phẩm để đầu tư, hay đáp ứng nhu cầu thực, khách hàng cần cân nhắc các dự án có chất lượng từ các chủ đầu tư uy tín. Về phía chủ đầu tư, khi cạnh tranh ngày càng gay gắt, càng phải có sự đầu tư nghiêm túc cho dự án và thiết lập lợi nhuận dựa trên cơ sở chắc chắn mới đủ khả năng thuyết phục. Bên cạnh đó, khi lựa chọn mô hình phát triển, cần hoạch định tốt cũng như thực hiện nghiên cứu tính khả thi ngay từ ban đầu để có được một sản phẩm phù hợp với điều kiện thị trường.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, giám đốc một công ty môi giới bất động sản cũng cho rằng, khi mua sản phẩm, khách hàng nhất thiết phải kiểm tra rõ thông tin về chủ đầu tư như năng lực tài chính, các dự án trước đó như thế nào.
“Ở một góc độ nào đó, chúng tôi là những người hiểu chủ đầu tư, hiểu dự án hơn ai hết, do đó khách hàng nên tìm đến các đơn vị môi giới chuyên nghiệp để được tư vấn để mua được sản phẩn phù hợp và hạn chế được rủi ro”, vị này cho biết.
Thiết nghĩ rằng, trước những lời giới thiệu có cánh, cam kết khủng của chủ đầu tư, ngoài việc khách hàng phải là “người tiêu dùng thông minh”, thì cũng rất cần sự vào cuộc, giám sát từ phía các cơ quan chức năng để lời cam kết của chủ đầu tư không bay theo gió và “thượng đế” không rơi vào cảnh dở khóc dở cười như tại một số dự án thời gian gần đây.