Aa

Thương lắm tóc dài ơi

Thứ Tư, 09/03/2022 - 06:06

Chị, như những người phụ nữ quê tôi âm thầm nuôi dưỡng mạch ngầm sự sống bằng sự tảo tần, đức hy sinh, ngày ngày ngược xuôi lo toan việc làng xã, mái tóc đen nhánh ngày nào đã điểm sương, lòng tôi trào dâng cảm mến.

Nhận được tấm thiệp mời cưới con trai chị, tôi mừng rơi nước mắt, te tái chạy ra mé bờ dậu ngăn cách với nhà chị hàng xóm, hớn hở gọi: “Này cậu, chiều mốt cùng đi đám cưới con nhà Xuyến không?”. Cô hàng xóm khẽ khàng: “Nhà này không giao du với loại đấy, nhé”. Tiếng cô rất nhẹ, mà sao tôi nghe nhói buốt. Sững sờ, có chút thẹn thùng tôi bẽ bàng, tiu nghỉu đi về.

Trong lòng trào dâng sự thương cảm, tôi bàn với chồng, cả nhà mình cùng đi đám con nhà chị Xuyến nhé. 

Sau câu nói của chị hàng xóm, tôi nghĩ đám cưới chắc vắng vẻ, buồn tẻ lắm. Nhưng không, tuy không quá ồn ào, náo nhiệt như phần đông đám khác ở làng, nhưng bà con trong làng cũng đến khá đông. Tôi ngỡ ngàng, đứa bé đỏ hon hỏn trong túp lều tranh ngày nào, nay đã là chú rể khôi ngô như này sao? Nhìn chị gấu quần vẫn còn lấm bùn tất bật, chạy đi chạy lại đón khách, vẻ ngượng ngùng, bối rối nhưng ánh mắt không giấu nổi niềm vui, tôi mừng thầm cho chị.

Nhìn chị gấu quần vẫn còn lấm bùn tất bật, chạy đi chạy lại đón khách, vẻ ngượng ngùng, bối rối nhưng ánh mắt không giấu nổi niềm vui, tôi mừng thầm cho chị. (Ảnh minh họa: Internet)

Chị là hàng xóm kề nhà mẹ chồng tôi. Ngày tôi về nhà chồng, chị là một trong những người đầu tiên chào đón tôi bằng nụ cười hiền lành. Từ bấy, cứ lần nào tôi về thăm mẹ chồng đều thấy sự hiện diện của chị. Mỗi khi nhà có đám giỗ, có công chuyện, chị lại tay năm tay mười quán xuyến mọi việc giúp mẹ chồng tôi. Thời điểm đó chị tầm ngoài ba mươi tuổi, vóc người cao ráo thon gọn chắc khỏe, khuôn mặt già hơn tuổi khắc khổ rám nắng. Nhưng đặc biệt chị có mái tóc rất dài, mượt mà như dòng suối đen nhánh. 

Bẵng đi một thời gian tôi sinh con đầu lòng, khá lâu mới về thăm quê. Lần đó, mẹ chồng tôi vẻ đắn đo, rồi khẽ khàng nói: “Con sang bên cụ Hạ, thăm chị Xuyến tý. Chị ấy vừa sinh con”. Tôi ngỡ ngàng: Chị Xuyến sinh con? Chị ấy có chồng đâu chứ. 

Tuy thắc mắc, nhưng tôi vẫn nghe lời mẹ, xách chục trứng gà sang thăm mẹ con chị. 

Ngôi nhà nền đất mái rạ thấp lè tè phải gọi là túp lều mới đúng, tôi phải cúi khom người mới chui được vào. Trong nhà quạnh quẽ, ngoài cái giường mọt xiêu vẹo, cái ban thờ nhỏ thì chẳng có đồ vật gì đáng giá. Nhìn thấy tôi, chị rất xúc động, vẻ bối rối, ngượng ngùng.

Tôi hỏi, vậy những ngày này ai chăm chị. Chị cười nhẹ: "Chị tự hết em à. Thỉnh thoảng bà (là mẹ chồng tôi) chạy qua chạy lại đỡ đần mấy hôm đầu. Sau ba ngày là chị tự nấu cơm, giặt giũ rồi". Tôi mở cái rổ úp trên cái mâm gỗ sứt mẻ, bên trong có nồi cơm khô khỏng nguội ngắt, đĩa rau luộc và mấy miếng đậu phụ trắng ởn. Tôi ứa nước mắt, thấy thương chị quá. Tôi cũng vừa sinh con đầu lòng, bé đã được hai tuổi, xung quanh bao nhiêu người phục vụ chăm sóc mà tôi còn thấy xoay như chong chóng.

Ảnh minh họa: Internet

Tôi nhớ lại câu chuyện mẹ tôi kể về chị.

Chị lớn lên ở làng. Mẹ chị là người làng này, nhưng bố quê trên miền ngược. Họ gặp nhau trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một người là bộ đội, một người là dân quân hỏa tuyến. Sau cuộc chiến, họ xuất ngũ và lấy nhau, đưa nhau về quê ngoại Thái Bình này sinh sống. Vào năm chị 7 tuổi, vết thương cũ của bố chị tái phát, ông chữa trị một thời gian nhưng không qua khỏi. Mẹ chị cũng mất sau đó ít năm vì ốm bệnh.

Từ đó, chị, vừa qua tuổi thiếu niên, trở thành trụ cột gia đình nuôi nấng chăm nom cho hai đứa em còn nhỏ. Không còn cách nào khác, chị bỏ học, tự lao động canh tác trên mấy sào ruộng để nuôi các em. Đó là những ngày tháng chị bán mặt cho đất, bán lưng cho giời, tất tả, cực nhọc. Nhưng rồi, do chăm chỉ, tần tảo nên cuộc sống của ba chị em cũng ổn dần. Hai người em học hết cấp hai đều thôi học, tìm việc làm để tự nuôi bản thân. Đến khi hai em có gia đình riêng, cuộc sống tạm ổn thì những người yêu quý chị đều mừng, thế là từ nay chị đã có thể thảnh thơi lo cho mình.

Mọi người đều bảo, nay chị nên lo cho mình đi, cố kiếm lấy tấm chồng để có gia đình con cái nương tựa sau này. Nhưng không, việc đầu tiên chị làm khi có chút thời gian ngơi nghỉ là lên miền ngược tìm họ hàng nhà nội. Tới nơi, thấy gia cảnh các chú bác cũng chật vật, nghèo khổ, chị mới hiểu vì sao mọi người không ai về xuôi tìm mấy chị em. Lúc này, nhìn bà nội đã già yếu, cuộc sống kham khổ quá, chị liền ngỏ lời đưa bà về quê sống cùng mình. Không ngờ mọi người đồng ý một cách dễ dàng. 

Thế là chuyến về xuôi năm ấy của chị kèm theo một bà cụ 80 đã bắt đầu lẫn cẫn.

Từ bấy, ngoài việc đồng áng lợn gà, chị thêm việc chăm sóc bà nội già yếu, bệnh tật. Lại những ngày tất bật đầu tắt mặt tối.

Mấy năm sau, bà cụ mất. Lo mồ yên mả đẹp cho bà xong, chị lúc này đã ngoài 30. Trong làng, tuổi ấy, người ta gọi là bà cô, là gái ế. Không ai nhòm ngó nữa.

Nhưng, cả làng không ai biết, chị cũng có một mối tình. Anh là người làng bên, hai người cảm mến nhau đã lâu, từ khi cùng còn trẻ. Mang gánh nặng nuôi em, nuôi bà, chị không nỡ lo cho bản thân mình. Anh cũng cứ ở vậy chờ chị, bố mẹ họ mạc giục thế nào cũng không chịu lấy vợ. Cho đến khi anh xin nhập ngũ đi bộ đội, thi thoảng có về thăm quê. Trong chiến dịch biên giới Tây Nam, anh không may va phải mìn và hy sinh. Khi ra đi anh vẫn chưa hề biết mình có một đứa con đang thành hình. Chị vừa buồn đau, vừa mặc cảm, sợ hãi, lặng lẽ nuôi lớn đứa con trong bụng.

Thời điểm đó, việc tự nhiên có bầu mà không có chồng của chị chẳng khác một quả bom nổ trong làng. Lời ong tiếng ve xôn xao khắp làng trên xóm dưới. Chị sống những tháng ngày khổ sở, lầm lũi, cắm mặt vào công việc đồng áng để quên tủi hờn, âm thầm chuẩn bị cho kỳ sinh nở.

Rồi năm tháng trôi qua, đứa trẻ cũng cứng cáp dần. Rảnh rang được một chút, chị tích cực tham gia các hoạt động Hội Phụ nữ thôn, làng, luôn đi đầu trong các phong trào phụ nữ xây dựng nông thôn mới. Cùng với Hội Phụ nữ, chị mở lớp dưỡng sinh cho các cụ già, thành lập câu lạc bộ dân vũ cho chị em phụ nữ, vận động mọi người thực hiện nếp sống mới… Cùng với Hội Phụ nữ, chị góp phần không nhỏ trong việc đưa xã tôi sớm được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mọi người cũng dần bỏ qua mặc cảm, ngày càng nhìn chị với ánh mắt cảm thông xen lẫn nể phục. Những người bảo thủ như chị hàng xóm nhà tôi vẫn còn, nhưng chỉ là cá biệt. 

Chị, như những người phụ nữ quê tôi âm thầm nuôi dưỡng cái mạch ngầm sự sống bằng sự tảo tần, đức hy sinh... (Ảnh minh họa: Internet)

Cuộc sống mẹ con chị cũng đi lên cùng với làng quê. Mới năm ngoái đây thôi, nhân dịp về quê ăn Tết, tôi sang thăm chị. Tôi sửng sốt! Trên nền túp lều tranh năm xưa là ngôi nhà mới xây tường quét sơn màu mới tươi rói, mái ngói đỏ au. Mảnh sân lát gạch rộng rãi, thóc mùa mới gặt đang hong nắng vàng ươm…

Mấy năm nay, dịch bệnh hoành hành, chị lại cùng Hội Phụ nữ vận động bà con thực hiện tốt việc phòng chống dịch. Xã quê tôi là một trong những xã ít ca bệnh Covid nhất trong cả tỉnh. Trẻ em vẫn đều đặn được đến trường. Mọi hoạt động tăng gia sản xuất, sinh hoạt của bà con trong làng vẫn diễn ra trong nề nếp và yên ả. 

Chị, như những người phụ nữ quê tôi âm thầm nuôi dưỡng cái mạch ngầm sự sống bằng sự tảo tần, đức hy sinh.

Nhìn chị, ngày ngày ngược xuôi lo toan việc làng xã, mái tóc đen nhánh ngày nào đã điểm sương, lòng tôi trào dâng cảm mến.

Thương lắm tóc dài ơi…

Mùa xuân 2022

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top