"Về, về ngay. Tao bảo mày về ngay mà. Không hoa không chết nhé". Tiếng quát rít lên trong chiều đông lạnh tê tái làm tôi giật mình quay lại.
Người đàn ông tầm 40 tuổi, mặt đỏ bằm giận dữ, đôi mày sâu róm nhíu lại, bặm môi túm chặt tay một phụ nữ.
Người đàn bà nhỏ thó, trùm khăn kín mít, đôi mắt ngấn nước, mặt mếu máo, đang khổ sở cố rút tay khỏi bàn tay vạm vỡ của người đàn ông, tay kia chị đang cầm một cành hoa đào.
Người bán hoa chạy theo, giằng lấy cành hoa, quày quả quay đi, tíu tít bận rộn với khách hàng khác. Cành bích đào, chỉ mới chúm chím vài bông hé nở rực hồng như những đốm lửa nhỏ, bắt sáng, nổi bật giữa tiết trời u ám, lạnh lẽo. Vẻ tương phản giữa cảnh tượng xô đẩy và những bông hoa sáng chói tinh khôi khiến tôi lặng người, nghe tim mình nhoi nhói nơi lồng ngực.
Bỗng, như một cơn gió, bóng một cô gái lướt qua. Rất nhanh, cô dúi vào tay người bán hoa tờ giấy bạc polime màu xanh, cầm lấy cành hoa, chạy theo người phụ nữ đang bị người đàn ông lôi xềnh xệch, đặt cành hoa vào tay chị. Không rõ cô gái nói gì, chỉ thấy gương mặt người phụ nữ ngỡ ngàng, rồi ửng đỏ bối rối, đôi mắt đang ngấn nước chợt trào dâng hạnh phúc. Người đàn ông buông tay chị, lặng im, lùi lũi bước đi. Cảnh tượng diễn ra nhanh như một thước phim, không mấy ai kịp nhận ra trong cái ồn ào hối hả chiều cuối năm. Nhưng đã kịp thu trọn vẹn vào đôi mắt đang chăm chú theo dõi của tôi.
Đó là buổi chiều cuối cùng của năm âm lịch, buổi chiều 30 tết. Nó đã là điểm khởi đầu cho tình bạn kỳ lạ của chúng tôi.
Cành bích đào, chỉ mới chúm chím vài bông hé nở rực hồng như những đốm lửa nhỏ, bắt sáng, nổi bật giữa tiết trời u ám, lạnh lẽo. Ảnh minh họa: Internet
Trở lại buổi chiều cuối năm ấy. Cô gái quay trở đi cũng nhanh như khi cô xuất hiện. Tôi lúc này đã kịp định thần, gỡ tay chồng đang khoác qua vai mình, lướt nhanh theo cô. Bóng dáng bé nhỏ của cô chìm vào đám đông, nhưng tôi vẫn không bị mất dấu vì một điểm đặc biệt, trên vai cô đeo chiếc hộp đàn vĩ cầm.
Trong dòng người đông đúc, cần hộp đàn chĩa lên trời, ngạo nghễ, kiêu hãnh. Vào cái khoảnh khắc đó, không hiểu vì lẽ gì, tôi cứ ngỡ như nó là cây thánh giá trên vai Đức mẹ đồng trinh. Khi đuổi kịp, nắm nhẹ tay cô, tôi gọi khẽ: Này cháu! Cô quay lại ngạc nhiên: Là cô gọi cháu sao? Đúng vậy! Cháu có vội không? Cô khẽ cười: Dạ cũng không vội lắm ạ. Vậy cô xin cháu mấy phút được không? Dạ được ạ. Chúng tôi cùng di chuyển ra phía ngoài chợ hoa. Lúc này tôi đã có dịp nhìn cô kỹ hơn. Gương mặt thanh tú trắng xanh, đôi mắt sâu dưới chân mày đen nhánh, sống mũi cao thanh, dáng người mảnh khảnh, từ cô toát lên vẻ tao nhã đặc biệt. Cô rất xinh đẹp.
Ra đến chỗ vắng, tôi hỏi: Cô đã thấy cháu mua cành hoa cho người phụ nữ ấy. Cô có thể hỏi vì sao cháu làm vậy không? Cô gái mỉm cười bẽn lẽn: Dạ, chị ấy làm cháu nhớ tới mẹ mình. Mẹ cháu cũng yêu hoa, cũng luôn đắn đo mỗi khi đứng trước hàng hoa. Chị ấy làm cháu nhớ mẹ quá. Cháu muốn làm chị vui thôi ạ. Cháu đáng yêu quá, cô có thể làm quen với cháu được không. Dạ cháu rất hân hạnh ạ.
Khánh Vân (tên cô gái) là sinh viên nhạc viện. Cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Học vĩ cầm từ nhỏ, cô vừa tu nghiệp ở một nhạc viện nổi tiếng châu Âu về. Sau buổi đó, chúng tôi thỉnh thoảng nhắn tin hỏi thăm nhau, cho đến hôm Khánh Vân gọi điện mời tôi đến dự buổi biểu diễn của cô ở nhạc viện.
Trong buổi hòa nhạc này, Vân cho tôi biết, cô đã bất ngờ nhận được tin nhắn từ người phụ nữ trong chợ hoa chiều cuối năm. Điều gì khiến chị có thể tìm ra cô? Vân cười: Chắc cũng là do cây đàn ạ. Chúng tôi cùng cười. Và thế là cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy nhau trong cái biển đời mênh mông này.
Sau buổi đó, tôi và Vân hẹn nhau đến thăm Thủy Tiên, người phụ nữ bé nhỏ trong chợ hoa chiều cuối năm. Bên hiên nhà thanh vắng dưới giàn thiên lý trong một con ngõ nhỏ ven đô, là câu chuyện đời của Thủy Tiên…
Là con gái duy nhất của ông giáo tiểu học già muộn vợ, Thủy Tiên lớn lên trong tình yêu thương có phần thái quá của cha mẹ. Thế giới của cô là những bài học vần của người cha và những cuốn sách cổ xưa của ông nội. Cô nuôi mộng ước gặp được chàng Lục Vân Tiên của đời mình. Không thông minh sáng dạ lắm, cô học không giỏi và hết cấp ba, cô kế thừa tiệm may vá nhỏ của người mẹ, trở thành cô thợ may của làng. Cuộc tình thời mới lớn ngây thơ bồng bột dẫn đến cuộc hôn nhân của Thủy Tiên với anh thợ lái máy kéo. Đứa con đầu ra đời, không may chậm nói, đã 7 tuổi mà không có khả năng giao tiếp, hòa nhập. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, thói cục súc của người chồng ít học, việc chăm sóc cô con gái khuyết tật đã làm Thủy Tiên kiệt quệ cả thể chất và tinh thần. Cô càng đau khổ, mặc cảm khi bị chồng và gia đình nhà chồng dè bỉu vì không biết đẻ, không biết nuôi con. Cách đây ba năm, bố cô do tuổi cao sức yếu, lại suy tư nhiều vì thương con gái vất vả đường chồng con nên đã sớm ra đi. Cú sốc này làm Thủy tiên càng suy sụp. Cô chỉ còn gắng gượng vì con trong tuyệt vọng.
Sau cuộc viếng thăm, tôi và Khánh Vân, tuy không nói ra nhưng đều nung nấu ý nghĩ làm sao có thể giúp đỡ được Thủy Tiên và con cô. Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tôi thầm đoán con gái Thủy Tiên mắc chứng tự kỷ. Tôi lao vào kiếm tài liệu, tìm hiểu về căn bệnh này. Rất may thời điểm đó đã có khá nhiều nghiên cứu mới về căn bệnh tự kỷ. Càng tìm hiểu tôi càng thấy xót thương cho những số phận không may, chịu bao đau khổ bất hạnh chỉ vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết.
Tự kỷ (Autism) là một hội chứng rối loạn phát triển tâm thần kinh. Nó chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các khuyết tật của trẻ em, những 10%. Trung bình cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 2 - 5 trẻ mắc hội chứng tự kỷ. 80% trẻ tự kỷ lớn lên không có khả năng giao tiếp xã hội, chậm phát triển tâm thần, thường mắc kèm các bệnh thần kinh khác như động kinh, trầm cảm. Nếu tính chung thì người tự kỷ chiếm đến 1%, thậm chí có quốc gia lên đến 2,6% dân số.
Điều đáng buồn là trước đây người ta không coi đó là một loại bệnh, không nhận biết, không quan tâm thích đáng, thậm chí còn bỏ mặc. Tệ hơn, những đứa trẻ đó còn là đối tượng của sự ghẻ lạnh trong gia đình và sự kỳ thị của xã hội.
Thật vui mừng, tuy chưa tìm được cách chữa trị triệt để như những loại bệnh thông thường, nhưng đã có rất nhiều tiến bộ trong các công trình nghiên cứu về căn bệnh và phương pháp điều trị mới. Đặc biệt nếu được phát hiện và can thiệp sớm trong giai đoạn vàng (từ 0 đến 3 tuổi) thì hiệu quả điều trị rất cao, trẻ có thể hòa nhập và phát triển bình thường sau này. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều bệnh viện, trung tâm, tổ chức chuyên nghiên cứu, tư vấn và điều trị. Những lớp học đặc biệt dành cho đối tượng trẻ tự kỷ cũng ra đời.
Sau khi tìm hiểu cặn kẽ, tôi trao đổi với Thủy tiên, thuyết phục cô đưa con đi khám và chữa trị. Thủy Tiên đi từ ngỡ ngàng đến xúc động. Niềm vui và tia hy vọng ánh lên trong đôi mắt đau khổ của cô. Cùng lúc đó Khánh Vân cũng tìm được một chuyên gia người Singapore đồng ý gặp trực tiếp và thăm khám cho con Thủy Tiên.
Những ngày sau đó Thủy Tiên kiên trì nghiên cứu tài liệu, cô phối hợp với phác đồ điều trị của chuyên gia và đưa con đến trung tâm dạy trẻ tự kỷ mà tôi đã tìm cho cô. Chúng tôi cũng trao đổi với chồng Thủy Tiên, anh lúc đầu còn e dè lạnh lùng, có phần nghi ngại, nhưng rồi, thấy sự chuyển biến tích cực của con gái, những tiếng bập bẹ “Bố, bố…” đầu tiên đã làm anh nghẹn ngào và thay đổi.
Hàng ngày anh thay Thủy Tiên đưa con đến lớp học hòa nhập. Mầm mống của niềm hy vọng, còn nhỏ thôi, đang le lói nhú lên trong căn nhà nhỏ. Đặc biệt, Thủy Tiên dường như thay đổi hẳn. Một sức sống mới bừng lên trong cô. Cô yêu đời hơn, đôi mắt đã có ánh cười.
Mùa Tết 2022, khi tôi và Khánh Vân còn đang chuẩn bị quà cho gia đình Thủy Tiên thì nhận được món quà bất ngờ từ cô. Mở ra, chúng tôi ngỡ ngàng, trong bình thủy tinh trong suốt, giữa những búp lá xanh nõn mươn mướt, mấy nhành nụ trắng tinh khôi, nho nhỏ, đang lấp ló vươn lên. Là hoa Thủy Tiên! Món quà nhỏ nhưng làm hai chúng tôi vô cùng xúc động.
Người có thể tặng hoa là trái tim ấy đã ấm áp, là bàn tay ấy đã ươm mầm niềm vui.
Và hoa sẽ nở…