Mỗi lần về quê, đi trên con đê đất đỏ, bên phải là sông, bên trái là cánh đồng, hầu như lần nào cũng vậy, tôi đều bắt gặp những dáng cò hoặc đang cặm cụi kiếm mồi, hoặc đang no mồi đứng tụm nhau nơi chân ruộng, hoặc đang cất cánh sải bay.
Nhất là vào những lúc chiều tà, từng đàn cò xếp theo hình chữ V hoặc mũi tên, mải miết bay về chân trời nào, tạc lên nền trời đang màu đỏ rực những đường nét ngoạn mục, như thể ai dùng bút mực tàu chấm vào bức toan hồng vĩ đại… Có hôm, không thể đừng được, tôi phải dừng lại để dõi nhìn. Ơi những phận cò đang sải cánh về đâu ?
Không hiểu sao mỗi lần nhìn thấy những dáng cò, tôi đều đột nhiên nhớ lại những ngày dông bão xưa kia. Vào mùa tháng Bảy, tháng Tám, ở vùng quê Bắc bộ đã bắt đầu vào mùa bão. Có lần bão lớn ban đêm, ngồi trong nhà, đóng hết cửa lại, nghe tiếng gió ào ào, tiếng mưa rơi ràn rạt, tiếng sấm xé tai sau mỗi lần chớp giật, tiếng cửa rung bần bật, tiếng cây đổ ngoài vườn răng rắc. Mỗi lúc như thế, cả nhà ai cũng lo lắng, bất an.
Sớm hôm sau ra ngoài vườn. Nhìn cảnh tượng mới tang thương làm sao. Cây đổ hoặc bật gốc, xiêu vẹo hàng loạt. Trên nền sân, la liệt những cành cây, lá cây bị bão đánh táp xuống.
Bố tôi bảo các con ra rặng tre ngoài đường xem có con cò nào ngã xuống không. Mấy anh em tôi đi. Có cò ngã dưới gốc tre. Cả cò lớn cò bé. Cả cò mẹ cò con. Có con đã chết. Có con đang run rẩy, lờ đờ. Tội nhất là mấy chú cò con, lông vẫn còn măng sữa. Chúng bị cơn bão đêm quăng quật, đã gần như kiệt sức. Chúng tôi xách mấy con cò về. Riêng chú cò con còn sống, tôi đem sưởi ấm, mong nó hồi sức, nhưng cũng chẳng ăn thua. Rồi mấy anh em tôi mải chơi cũng chẳng nhớ đến đám cò ấy nữa.
Trưa hôm ấy đến bữa, chúng tôi thấy trên mâm có bát thịt xáo toàn xương xẩu. Bố tôi bảo thịt cò đấy, giống thịt cò bao giờ cũng tanh, người ta ít ăn thịt cò. Tôi cũng chả biết gì, thấy bố ăn thì cũng ăn, không thấy ngon, không hào hứng. Hình ảnh mấy con cò rã rượi thoi thóp dưới gốc tre cứ thấp thoáng trong đầu tôi...
Bây giờ đã khác. Có lần về quê, thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài người đàn ông đèo nhau xe máy, trên vai là những khẩu súng săn. Họ dựng xe ở chân đê, ngồi rình những con cò, con chim nào vô phúc đậu gần trên bờ tre, mặt ruộng. Chốc chốc lại vang lên một tiếng đoàng. Vậy là một sinh linh của loài thiên điểu đã bị tử nạn. Có hôm thấy trên khẩu súng săn của những người đàn ông treo cả một xâu chim xã cánh, lông bê bết máu.
Dân mình ít để tâm đến chuyện bảo vệ thiên nhiên, sinh thái. Có khi lại còn rất tếu, đặt tên quán nhậu là “Chim to dần”. Hỏi ra mới biết tên quán mang đúng nghĩa đen của nó, nghĩa là khi thực khách vào ăn, bắt đầu bằng món chim sẻ, sau là chim gáy, chim câu, sau nữa là con giang, con sếu, con cò…
Hôm nay, tình cờ vào Facebook, thấy trên trang của một cậu học trò, người miền núi có bức ảnh cậu đang từ trong rừng ra hai tay xách hai xâu cò trắng - chiến lợi phẩm của một cuộc săn - bằng cái cười đắc thắng.
Thấy vẫn đang online, tôi khuyên em rằng không nên sát thương cò, nó là con vật mang tính biểu tượng, nó đã thành ca dao, thành thơ ca âm nhạc. Nó đẹp và lành lắm. Nó là nét thanh bình, là sự sống của làng quê; rằng tôi không bao giờ khuyến khích sát hại cò; rằng em nên hạ bức ảnh xuống, trông đám cò tội lắm, và thấy giống người mình tệ với chúng quá… Những tưởng cậu học trò giận tôi, nhưng không, nó bảo đây là cái ảnh cũ lâu rồi, hôm nay tự nhiên thấy, em đưa lên cho vui, lúc đưa lên em không nghĩ được những chuyện như thầy nói, em sẽ hạ xuống luôn ạ…
Nếu ai để ý, đoạn đầu đường Hoàng Hoa Thám đi về phía đường Bưởi, thỉnh thoảng bắt gặp vài ba người treo bán các xâu chim đã vặt trụi lông, con nào con ấy tím bầm, mắt mở thao láo, như thể chết mà không nhắm được mắt. Cảnh tượng này không khó gặp ở trên những con đường ngoại ô... Tim tôi như bị ai bóp nghẹt...
Tôi cũng không dám chắc, cứ cái đà này, mỗi lần về quê có còn bắt gặp những cánh cò trắng muốt bình yên rỉa lông rỉa cánh bên bờ nước hay đang sải những đường bay thanh thản giữa nền trời ?!...
Mùa Covid-19, 3/2020