Aa

Thương trường cũng sóng gió… với các nhà văn

Thứ Sáu, 12/10/2018 - 20:30

Thực lòng, từ khi biết viết văn đến giờ, tôi chưa bao giờ tự mình bán được cho mình lấy một cuốn sách. Điều ấy hay hay dở? Là dở chứ! Dở ẹc ấy!

Tôi đã được “xem” mấy người bạn văn chương bán sách, quả cũng có người bán chạy ra trò, thậm chí còn bảo tôi, cậu cứ in sách đi, tớ bán hộ một ít. Khi ấy tất nhiên là tôi cám ơn và xin lui về hai chữ “bình an”.

Nhà thơ Thu Bồn nổi tiếng trước hết vì tài thơ. Thơ ông thời nào cũng sôi động và giàu tính cách, giàu cả tính thời sự, kể cả thơ tình, bởi vì vốn ông là con người của đời sống. Ông lại nổi tiếng là phóng túng, bán nhà, bán xe để lấy tiền vui thú bạn bè “không văn tự”. Ấy vậy mà cuối đời cũng bị bà vợ hối mà theo nàng đi làm lịch, làm sách thị trường… bán. Kính thưa các bà vợ của các nhà thơ. Các nhà thơ của các chị không phải ai cũng lơ mơ cả đâu nhé. Cũng biết bán mua, mua bán ra trò đấy. Cỡ như thi sĩ Thu Bồn mà cũng ngược xuôi xuôi ngược theo vợ lên tận cao nguyên về thành phố mấy lần để “hội nhập cùng thương trường”.

Nhà thơ Thu Bồn.

Nhà thơ Thu Bồn.

Rồi nhà thơ Nguyễn Duy, cũng đã mồ hôi mồ kê làm lịch thơ, triển lãm điếu cày, nơm dậm, tượng gỗ chú Tễu, con giống nhà trò, dân gian múa rối, thằng bé mục đồng cởi trần thổi sáo... cho trâu nghe, từ Sài Gòn đến Hà Nội rồi bê sang cả Mỹ quốc bán cho chủ yếu là bạn đọc người… Việt. Thế có khá không cơ chứ?

Chuyện hai nhà thơ “cỡ như Thu Bồn, Nguyễn Duy” lừng danh về thơ đương đại mà liều thân xông vào thị trường, theo con mắt quan sát của thằng em là tôi, thì tôi thấy hơi bị... chờn! Tui cũng đôi lần được “xem” đôi ba nhà thơ có nhiều “quan hệ” với các khách VIP, đa số là các quan chức bậc trung nhưng ở vị thế có nhiều tiền, thậm chí có rất nhiều tiền… chùa. Hạng này họ lại thích giao du với giới văn nghệ sĩ. Bán thơ cho mấy ông này và cả mấy ông giám đốc kinh doanh quốc doanh thích thơ ca hò vè, tiêu tiền không phải đếm, trong các bữa nhậu ta thu được “tiền tươi thóc thật” theo giá ưu đãi, không phải chiết khấu phần trăm phát hành phí, cũng rủng riểng ra trò… Có điều nho nhỏ cần lưu ý, sau khi mua rồi, mấy ông quan chức yêu văn nghệ cũng như mấy ông giám đốc kinh doanh bận việc của họ, làm sao có thời gian để để ý đến thơ phú, nên cả “bó thơ” bị bỏ quên trong xó phòng, một thời gian sau, chị lao công phải đem đi bán giấy vụn...

Nhà thơ Nguyễn Duy.

Nhà thơ Nguyễn Duy.

Đấy cũng là vấn đề của thị trường cả thôi mà!...

Mấy năm vừa qua người ta nhắc tới nhà văn Lê Lựu với chức danh Tổng giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân. Hoạt động của Trung Tâm rôm rả đủ kiểu, đủ trò, khi họp báo ở khách sạn năm sao, lúc lửa trại bên bờ biển, tổ chức đấu thầu tranh, đấu thầu số điện thoại di động, tổ chức cho độc giả bình thơ hay, in sách thơ hay thế kỷ, tặng thưởng cho tác phẩm hay nhất trong năm v.v... Lại cũng có công ty mẹ, công ty con, có hàng trăm đầu mối doanh nghiệp phụ trợ, ấy thế mà nom bác Tổng Lựu lúc nào cũng tất bật, mồ hôi mồ kê đến phát ngốt! 

Hai chữ “thương trường” nghe đến là ghê! Hay là mê!

Ghê thì ghê, mê thì mê, đó là việc của các anh, các anh cứ việc ghê, cứ việc mê, chứ còn xã hội tiến lên, hay lùi xuống thì kiểu gì nó cũng phải hội nhập với thế giới, với khu vực. Vì thế mỗi ngày người ta nhắc tới hai chữ “thương trường” ấy một nhiều và càng nhiều hơn dù anh có chờn có ớn, có rút vào trong hang ổ thơ văn hay gì gì thì vẫn phải chấp nhận thôi.

Nhà văn Lê Lựu.

Nhà văn Lê Lựu.

Ví như chuyện “chứng khoán”, tôi nghe người này vơ cả đống tiền, kẻ kia lại mất trắng tay cả xe cộ, cả đất đai lẫn… sàn nhà. Thực lòng cho đến tận hôm nay, tôi vẫn mù tịt, vẫn không rõ chứng khoán là tiên hay là phật hay là sức bật ma mãnh nào mà chung quanh cứ rối nhặng cả lên. Thực đấy!

Từ “chứng khoán” ở ta bắt đầu có từ bao giờ, mà sao người ta vừa mới “chơi” đã thành “nhà đầu tư”, chỉ việc “lên sàn” một cái là đã làm đảo lộn hết cả “nền” kinh tế từ gia đình cho đến hàng xóm. Không biết thì lên sàn mà… hỏi, lên trời mà tìm hiểu!

Có lần anh bạn tôi mắng cái thằng tôi rằng, cái đầu “bã đậu” của ngữ cậu, có đồng nào xào đồng ấy thì làm sao giàu có? Phải học kinh doanh theo thời đại, phải thành doanh nhân đi. Không biết gì mua đi bán lại, thì đầu tư, lên sàn đi! Muốn giầu thì có bao nhiêu đưa đây, không tiền thì sổ đỏ cũng được, tớ “lên sàn” hộ, lời ăn lỗ chịu! Đó là sách lược, chiến lược cứu… nhà mà anh bạn nhà văn kiêm “nhà đầu tư” của tôi mách tôi vậy. Bấy lâu nay tôi vẫn coi anh là thần tượng, là khôn ngoan tài giỏi. Chỉ có người giỏi kinh doanh mới dám “chơi” chứng khoán với lại “lên sàn” này, “sàn” nọ, “sàn´ kia!

Bỗng đùng một cái, chị vợ anh bạn tôi lao đến nhà tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, rồi chỉ nói được mỗi câu: “Mất sạch rồi, cô chú ơi”. Tôi ngớ ra, tưởng nhà chị mất cắp, nên bảo: “Thế chị để tôi đi báo công an ngay cho”.

Tôi thiệt tình cũng không hiểu, chả biết khi nào cái đầu bã đậu của tôi mới hiểu được, vì sao mà thành ra như vậy? Mà anh bạn tôi, những tưởng là giỏi giang, nhưng quả thật, còn “bã đậu” hơn tôi.

Hóa ra, anh bạn tôi đã “nướng sạch” cho “lò” chứng khoán nào đó.

Khiếp thật đấy, cái thời thương trường này, phải giỏi giang, tài trí, phải thức thời thế nào mới hội nhập, mới giàu được. Chữ cái ngữ lơ ngơ chữ nghĩa, “đầu bã đậu” về kinh doanh như tôi, như anh bạn tôi, thì chỉ nên đứng mà nhìn, mà ngưỡng mộ các doanh nhân thôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top