Aa

Tiền chờ cơ hội

Thứ Ba, 28/11/2023 - 10:21

Nguồn tiền sẵn sàng đầu tư rất lớn, ngoài số dư tiền mặt tại các công ty chứng khoán hiện ở mức cao. Tuy vậy, tâm lý thận trọng của giới đầu tư đang cản trở sự dịch chuyển của dòng tiền vào thị trường.

Tiền mặt gia tăng

Số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2023 của các công ty chứng khoán cho thấy, số dư tiền gửi khách hàng đạt xấp xỉ 78.000 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm và là mức cao nhất trong 5 quý trở lại đây. Theo một số công ty chứng khoán, số dư này tiếp tục tăng trong quý IV/2023, trong bối cảnh lãi suất huy động của các ngân hàng giảm về mức thấp kỷ lục nhiều năm.

Thực tế, số dư tiền mặt ở các công ty chứng khoán không mang tính dự báo nhiều về xu hướng thị trường. Thông thường, số dư tiền mặt bằng khoảng 4 lần thanh khoản bình quân của thị trường. Khi thanh khoản tăng cao, số dư này sẽ tăng lên và ngược lại. Tuy nhiên, ở góc độ tâm lý, số dư tiền mặt cao cho thấy, nhiều nhà đầu tư đang chờ cơ hội để giải ngân.

Lãi suất thấp vẫn đang là yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và kênh đầu tư chứng khoán nói riêng. Tương quan hiệu suất đầu tư giữa kênh đầu tư chứng khoán và tiền gửi được mở rộng sẽ là yếu tố thu hút dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán. 

Dự báo, dòng tiền giá rẻ sẽ tích cực tìm cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm.

Dù vậy, trong ngắn hạn, ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV nhận xét, tâm lý lo ngại rủi ro chưa được gỡ bỏ khiến dòng tiền đầu tư vẫn hạn chế. Nhìn vào biến động trên thế giới, những xung đột địa chính trị Nga - Ukraine, sau đó là Trung Đông khiến rủi gia tăng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Đồng USD mạnh và lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm gần đây liên tiếp tiến lên mức cao đã tạo sức ép đến hoạt động đầu tư toàn cầu. Trong nước, kinh tế đã tạo đáy trong quý I và dần cải thiện, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung thấp hơn kỳ vọng. Mặt khác, để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phải thực hiện hoạt động điều tiết bằng cách phát hành tín phiếu trong gần 1 tháng, liên tục hút ròng từ ngày 21/9 đến 18/10. 

“Mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp, tỷ giá dần ổn định và Ngân hàng Nhà nước dừng phát hành tín phiếu (kể từ ngày 9/11), thị trường chứng khoán đã xác lập được vùng đáy ngắn hạn, rủi ro giảm đáng kể. Dòng tiền giá rẻ có thể sẽ tích cực tìm cơ hội đầu tư trong giai đoạn cuối năm”, ông Khoa kỳ vọng.

Về xu hướng hướng dịch chuyển của dòng tiền, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Smart Invest cho rằng, không phải cứ lãi suất tiết kiệm thấp thì dòng tiền sẽ chuyển sang kênh chứng khoán. Lãi suất tiết kiệm có diễn biến giảm kể từ tháng 4 đến nay, nhưng số dư tiền gửi ngân hàng hiện vẫn cao hơn 9,9% so với đầu năm. Trong giai đoạn đó, thị trường chứng khoán có nhịp tăng điểm kéo dài cho tới đầu tháng 9. Do vậy, về nguyên tắc, các kênh đầu tư có hiệu ứng “bình thông nhau”, nhất là kênh tiền gửi và đầu tư cổ phiếu, nhưng lãi suất không phải là nhân tố quyết định xu hướng của dòng tiền trong thị trường chứng khoán.

Lãi suất thấp là yếu tố hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và kênh đầu tư chứng khoán nói riêng.

Chờ đợi cơ hội

 

Nguồn lực dòng tiền có thể sẵn sàng đổ vào thị trường chứng khoán hiện đang rất lớn, nhưng thị trường điều chỉnh trong tháng 9 và 10, VN-Index có nhịp hồi phục trong những phiên đầu tháng 11, sau đó đi ngang trong biên độ rộng. Diễn biến này khiến giới đầu tư có tâm lý thận trọng, cản trở sự dịch chuyển của dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Nếu xu thế thị trường có dấu hiệu hồi phục tích cực, kênh chứng khoán được nhận định sẽ nhanh chóng đón nhận nguồn tiền đầu tư lớn, trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa thực sự hấp dẫn.

Các yếu tố tiêu cực tác động đến thị trường nhiều khả năng sẽ “nhạt” dần, thay vào đó là các tín hiệu tích cực xuất hiện.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam dự báo, các yếu tố tiêu cực tác động đến thị trường sẽ “nhạt” dần, thay vào đó là các tín hiệu tích cực xuất hiện.

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể duy trì mức lãi suất hiện tại trong cuộc họp vào giữa tháng 12 tới, điều này làm giảm áp lực lên tỷ giá trong thời điểm cuối năm.

Thứ hai, lợi nhuận quý IV/2023 của các doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng sẽ tăng trưởng trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái.

Thứ ba, nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các nút thắt pháp lý tại các dự án bất động sản trong thời gian gần đây sẽ góp phần giải tỏa áp lực cho thị trường địa ốc và kích thích dòng vốn chảy cổ phiếu. Kết hợp với việc dòng vốn đang chờ cơ hội trên thị trường chứng khoán, thị trường sẽ có xu hướng tích cực hơn trong thời gian còn lại của năm 2023. 

Trong khi đó, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực, Công ty Chứng khoán VPS nhìn nhận, diễn biến tăng giảm thất thường của thị trường giai đoạn hiện nay khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Trong một số phiên, nhìn dưới góc độ vĩ mô và kể cả kỹ thuật, khu vực đáy được xác nhận, ủng hộ việc mua vào cổ phiếu. Nhưng ngay sau đó, sự điều chỉnh đi kèm những tin đồn về nhóm cổ phiếu V khiến nhà đầu tư trở nên bi quan, lo ngại về pha điều chỉnh tiếp theo của thị trường. 

Theo ông Khánh, các nhà đầu tư vẫn có lý do để e ngại về xu hướng ngắn hạn, nhưng thị trường đang xuất hiện không ít cơ hội đầu tư như nhóm cổ phiếu thép (HPG, HSG, NKG), hay các mã đơn lẻ như BMP, CTR, ITA, ITC, SZC… 

“Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể lướt sóng trên từng đoạn sóng tăng ngắn của thị trường, còn với những nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tích lũy dần cổ phiếu mục tiêu và nắm giữ lâu hơn. Quan trọng là nhà đầu tư chọn nhóm ngành và cổ phiếu nào cho từng mục tiêu cụ thể và tuân thủ kỷ luật với phương pháp áp dụng”, ông Khánh chia sẻ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top