Aa

Tiền Giang ký kết phụ lục hợp đồng BOT số 3 Trung Lương - Mỹ Thuận

Thứ Ba, 13/08/2019 - 10:15

Phụ lục Hợp đồng BOT số 3 với Liên danh nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận xác định tổng mức đầu tư của dự án là 12.668 tỷ đồng.

Chiều 12/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Lễ ký kết Phụ lục Hợp đồng BOT số 3 với Liên danh nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn, Phụ lục hợp đồng BOT số 3 được ký kết để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của hợp đồng và các phụ lục hợp đồng được ký trước đó.

Đại diện các bên liên quan ký kết hợp đồng. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp vận hành dự án, đồng thời hai bên ràng buộc trách nhiệm và hợp tác. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng thẩm định, giải ngân vốn tín dụng.

Phụ lục hợp đồng vừa ký kết xác định tổng mức đầu tư của dự án là 12.668 tỷ đồng (tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 14.678 tỷ đồng); trong đó, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2.186 tỷ đồng; nguồn vốn BOT 10.482 tỷ đồng (vốn vay từ các ngân hàng thương mại là 7.694 tỷ đồng).

Trong trường hợp có thay đổi về tổng vốn đầu tư, vốn BOT thì vốn chủ sở hữu sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.

Đồng thời, phụ lục hợp đồng cũng xác định trường hợp nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 2.186 tỷ đồng không hoặc chưa được bố trí giải ngân trong năm 2019 theo kế hoạch tiến độ của dự án thì nhà đầu tư có thể đề xuất gia hạn hoặc hoãn, tạm dừng dự án.

Trường hợp các ngân hàng thương mại không thu xếp nguồn vốn vay cho dự án (mà lỗi không thuộc về nhà đầu tư) hoặc các yêu cầu giải ngân bắt buộc với dự án mà nhà đầu tư không thể thực hiện được, thì nhà đầu tư và Ủy ban Nhân dân tỉnh thống nhất báo cáo chính phủ thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết, đồng thời đề xuất Chính phủ bố trí nguồn vốn khác để thực hiện dự án.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chiều dài 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 30, huyện Cái Bè; ảnh hưởng đến 3.292 hộ phải giải tỏa với tổng số tiền đầu tư giải phóng mặt bằng 1.689 tỷ đồng. Đến nay, chỉ còn 35 hộ chưa nhận tiền đền bù.

Để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa được phân bổ và nguồn vốn tín dụng doanh nghiệp dự án chưa được tiếp cận, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ứng ngân sách địa phương năm 2019 với số tiền là 278,15 tỷ đồng chi trả đền bù cho các hộ dân.

Nhờ vậy, đã bàn giao 50,77/51,1km mặt bằng, đạt 99,34%. Hiện nay, còn 330m đường chưa bàn giao mặt bằng.

Ủy ban Nhân dân tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động hộ dân nhận tiền đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng để bàn giao dứt điểm toàn bộ mặt bằng cho doanh nghiệp dự án.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn đánh giá với việc ký kết Phụ lục Hợp đồng BOT số 3 là bước đi quan trọng, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền, liên danh nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án vào năm 2021 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top