Aa

Tiền gửi ngân hàng đáo hạn khó chảy vào nhà đất?

Thứ Năm, 22/06/2023 - 05:45

Dòng tiền gửi tiết kiệm ngân hàng sắp đáo hạn được kỳ vọng sẽ chảy ngược lại vào lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, trong bối cảnh niềm tin đang chạm đáy, theo giới phân tích, tiền có thể vẫn sẽ "nằm chờ" trong các nhà băng.

Các kết quả nghiên cứu thị trường chỉ ra trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng tiền chảy vào bất động sản thông qua kênh khách hàng vẫn thấp kỷ lục vì niềm tin suy giảm. Doanh nghiệp buộc phải xoay xở đủ mọi cách bán hàng, từ chiết khấu cao đến hỗ trợ lãi suất...

Khách vẫn "ngại" mua nhà

Trên thị trường sơ cấp (mở bán lần đầu), dù mặt bằng giá bán không giảm, song các chủ đầu tư buộc phải tung ra các chính sách chiết khấu 15 - 30%, tăng ưu đãi để "nịnh" khách xuống tiền sớm. Trong khi đó, rổ hàng thứ cấp (mua qua bán lại) có nhiều sản phẩm giảm giá tới 20 - 40%.

Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) nhấn mạnh niềm tin của người mua nhà đang rất thấp, thanh khoản sụt giảm khiến “sức khỏe” doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu dòng tiền không sớm quay trở lại thị trường, sẽ có 43% doanh nghiệp chỉ trụ được đến cuối năm 2023.

Thực tế, nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn. Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chững lại như hiện nay, đây được coi là "cơ hội mười năm có một" cho người mua nhà ở thực và cả nhà đầu tư.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện tại là lãi suất vay thời gian qua dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức quá cao khiến nhiều người có ý định vay tiền ngân hàng mua nhà "chùn tay", trong khi những người có những khoản vay hiện hữu đang gặp phải sức ép rất lớn.

Cách đây 2 năm, anh Trần Thế Khải (Thanh Xuân, Hà Nội) vay mua nhà tại một ngân hàng thương mại có lãi suất cố định 8,3%/năm trong 2 năm đầu. Cuối năm 2022, sau khi hết ưu đãi, lãi suất phải trả của khoản vay tăng lên mức 10,9% và đến nay là 12%/năm.

"Với khoản vay gần 1,5 tỷ đồng, hiện mỗi tháng, tôi phải trả lãi và gốc gần 20 triệu đồng. Vật giá leo thang nên sức ép ngày càng lớn. Điều khó hiểu là những tháng qua, lãi suất huy động giảm mạnh nhưng lãi suất khoản vay của tôi vẫn không thấy giảm, thậm chí còn tăng", anh Khải bộc bạch.

Không chỉ với khách hiện hữu, các khách mua nhà mới cũng đang rất phân vân khi vay ngân hàng. Như trường hợp của anh Vũ Văn Tùng, quê Bắc Giang, đang "rải" hồ sơ tại 5 ngân hàng để tìm cơ hội vay 1,2 tỷ đồng, nhưng mức lãi suất khiến anh bị "choáng".

"Kể từ đầu tháng 3, dồn dập những thông tin lãi suất hạ nhiệt được tung ra, nhưng hạ ở đâu thì chưa thấy, ít nhất là với người vay mua nhà. Ở cả 5 ngân hàng mà tôi tìm hiểu, lãi suất vẫn neo ở mức 12 - 13,5% (sau ưu đãi), giảm chẳng đáng là bao so với mức đỉnh", anh Tùng chia sẻ.

Chờ dòng tiền gửi đáo hạn

Trong bối cảnh người mua nhà vẫn "ngại" xuống tiền vì lãi suất quá cao, nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng trong quý III/2023, khi một lượng tiền khổng lồ gửi tiết kiệm ngân hàng đến thời điểm đáo hạn sẽ được rút ra để chuyển hướng sang đầu tư nhà đất, giúp thị trường ấm lên.

Ông Phạm Anh Khôi, chuyện gia của VARS, đánh giá quý III là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn và là cơ hội để quan sát các phản ứng thực tế. Đây cũng sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.

Ông Khôi cũng dự báo có 2 kịch bản. Kịch bản thứ nhất, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục, thì nhiều khả năng nguồn tiền tiết kiệm này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, người gửi chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn.

Ở kịch bản thứ hai, nếu lãi suất huy động giảm xuống dưới mức 6 - 7% vào thời điểm cuối năm thì nguồn tiền khả năng cao sẽ ưu tiên quay trở lại thị trường bất động sản trong điều kiện niềm tin được cải thiện.

Ở góc nhìn nhà đầu tư, chia sẻ với Vnbusiness, anh Vũ Đình Lộc (Hà Nội), cho hay rất nhiều "tay chơi" vẫn chấp nhận gửi ngân hàng kỳ hạn 3 - 6 tháng để chờ thị trường chạm đáy, sẵn sàng xuống tiền khi có sản phẩm giá tốt. Tiền không thiếu, chủ yếu giá phải "mềm".

"Kể từ tháng 3, tôi cùng team của mình đã bắt đầu đi săn sản phẩm "ngộp". Như vào đầu tháng 6 vừa rồi, chúng tôi rút hơn 3 tỷ đồng, chấp nhận mất khoản lãi từ ngân hàng để mua vào 1 căn hộ cao cấp ở Hòa Lạc, chủ nhà bán lỗ 30% giá gốc để thoát hàng, trả nợ", anh Lộc tiết lộ.

Có thể thấy, tiền tiết kiệm từ ngân hàng vẫn đang sẵn sàng để quay trở lại thị trường bất động sản. Tuy nhiên, theo giới phân tích, để khơi thông dòng tiền từ khách hàng, giải pháp tốt nhất hiện tại là các nhà băng cần nhanh chóng giảm lãi suất cho vay mua nhà.

Nếu lãi suất cho vay về mức dưới 10% và giữ ổn định, dòng tiền sẽ quay lại thị trường bất động sản. Ngược lại, người mua nhà vẫn sẽ rất khó khăn để tiếp cận vốn vay, sức mua tiếp tục khó cải thiện./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top