Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội nhằm cải thiện điều kiện ở tốt hơn cho một bộ phận người dân và dần tạo một bộ mặt đô thị mới văn minh, hiện đại.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của Hà Nội đạt tỷ lệ rất thấp (khoảng 1% trong tổng số 1.516 chung cư cũ).
Đó là những khó khăn về nguồn lực tài chính của doanh nghiệp khi Nhà nước chỉ hỗ trợ về chuẩn bị đầu tư và một số hạng mục hạ tầng đô thị thiết yếu; đó là những “trói buộc” về quy định hạn chế tầng cao, mật độ dân số tại khu vực nội thành cũ dẫn đến tình trạng mất cân đối tài chính tại một số dự án.
Hầu hết những dự án đã và đang triển khai trên địa bàn Thủ đô không thể xây dựng đúng tiến độ, thậm chí có dự án khởi công hàng chục năm vẫn "giậm chân tại chỗ”. Trong đó, nút thắt vẫn là mâu thuẫn về lợi ích, do chưa tìm được sự đồng thuận của một bộ phận người dân, dẫn đến tình trạng khiếu kiện hoặc chống đối kéo dài. Cụ thể là, tỷ lệ đền bù chưa thỏa mãn được sự hài lòng của cả người dân và doanh nghiệp.
Từ năm 2015 trở về trước, việc chưa xây dựng được hệ số đền bù thống nhất đã đẩy nhiều doanh nghiệp phải trải qua hành trình thương thuyết rất gian nan để thuyết phục các hộ dân “gật đầu” cho vào cải tạo. Vì vậy, mới xảy ra việc chủ đầu tư nhà D2 Giảng Võ chấp nhận áp dụng hệ số đền bù K= 2,5 (diện tích được đền bù gấp 2,5 diện tích nhà cũ thu hồi), còn nhà A1-A2 Nguyễn Công Trứ chỉ áp dụng hệ số đền bù K=1,5, dẫn đến việc người dân đem ra so sánh, thậm chí lấy đó làm lý do để gây khó khăn cho doanh nghiệp. [1]
Trước đó, đã có tiền lệ, Petrowaco công bố sẽ đền bù, bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân khu tập thể 97 Láng Hạ trên nguyên tắc căn hộ cũ (với các diện tích từ 41,7 - 47,34m2) đổi sang căn hộ mới (có diện tích 103 - 107,5m2 hoặc 112,5m2), mà không phải trả thêm tiền. [2]
Ngoài ra, các hộ dân còn nhận được khoảng 150 triệu đồng/hộ để chi trả tiền thuê nhà tạm cư trong suốt thời gian chủ đầu tư thực hiện dự án (dự kiến khoảng gần 30 tháng).
Có thể thấy, đây là mức đền bù, bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân vào dạng "khủng" nhất trong các dự án cải tạo chung cư cũ từ trước đến nay. Nhưng, đó là cách làm mang tính chất thuyết phục chứ không phải chế tài.
Công bằng mà nói, Thành phố đã tạo ra được một tiền lệ khả quan hơn, nhưng vẫn là nửa vời. Đó là câu chuyện cách đây 4 tháng, tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, tới đây, Hà Nội sẽ tiến hành cải tạo hết tất cả các khu chung cư cũ trên địa bàn, nhưng với một cách làm và cơ chế hoàn toàn mới.
“Khi đó, người dân có thể bán đứt cho Nhà nước, cho doanh nghiệp căn nhà cũ của mình, hoặc xây mới nhưng chỉ trả lại theo tỷ lệ 1:1, chứ không phải tăng thêm diện tích như hiện nay, miễn sao đảm bảo nhà nước - doanh nghiệp - người dân đều có lợi”, ông Chung nói. [3]
Nói nửa vời là bởi, đã 4 tháng trôi qua, những tòa nhà chung cư cũ đang ngày một xuống cấp hơn, người dân vẫn đang phải “thi gan với tử thần” vì những hoài nghi có lợi ích nhóm trong vấn đề cải tạo chung cư cũ hoặc là lo ngại quyền lợi của mình không được đảm bảo khi vin vào tiền lệ đền bù cực “khủng” kể trên, dẫu rằng cho đến thời điểm hiện tại, dự án cải tạo khu tập thể 97-99 Láng Hạ vẫn chưa thể hoàn thành.
Không biết đến khi nào Hà Nội sẽ xây dựng được quy hoạch tổng thế, những cơ chế đặc thù cho riêng Thành phố? Có người nói rằng, lãnh đạo Hà Nội không thể tự quyết được việc này mà cần đến cấp cao hơn, là Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng, có một tiến sỹ nguyên là ĐBQH đã phải thốt lên rằng, “mọi thứ có vẻ đều đang đổ dồn lên cho Thủ tướng và xử lý cho hết, không biết Thủ tướng còn thời gian để ăn và ngủ nữa không?”.
Hiện nay, có thực tế là, công việc đã được pháp luật quy định cho chính quyền địa phương, nhưng rất tiếc khi thấy khó khăn, vướng mắc, chính quyền địa phương không tự giải quyết mà cứ hỏi ý kiến Chính phủ, đùn công việc lên cho Chính phủ. Tức là có tình trạng đẩy trách nhiệm đi cho người khác. Vì vậy, khối lượng công việc của Chính phủ tăng lên rất nhiều. Điều đó dẫn tới những công việc liên quan đến việc xây dựng chính sách vĩ mô của Chính phủ đã bị ảnh hưởng.
Vậy làm cách nào để chính quyền địa phương đưa ra được những quyết sách đúng và không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp cao hơn?
Quản trị địa phương (Local Governance) chính là phương thức nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Thực chất, quản trị địa phương là tập trung vào tính tự quản của chính quyền địa phương và sự tham gia của nhiều chủ thể vào các công việc của cộng đồng. [4] Xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay là tổ chức chính quyền địa phương theo nguyên tắc tự quản.
Theo Hiến chương châu Âu, tự quản địa phương là quyền và các khả năng thực tế của các địa phương, trong khuôn khổ các đạo luật, quy định và xây dựng một phần chủ yếu các công việc tại địa phương, trong sự tự chịu trách nhiệm, vì hạnh phúc của nhân dân tại địa phương mình. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm quản trị địa phương còn khá xa lạ và chưa được áp dụng nhiều.
Quay trở lại câu chuyện của Hà Nội, thiết nghĩ, chế tài thôi chưa đủ mà phải gắn với đối thoại. Nếu như, không quyết liệt, táo bạo và lắng nghe ý kiến của cộng đồng trong câu chuyện cải tạo chung cư cũ, nghĩa là không phát huy được sức mạnh quản trị thành phố, sẽ rất khó để nhận được cái “gật đầu” của người dân. Và đến khi xảy ra sự cố, nghĩa là có thêm một tiền lệ nữa, sẽ không còn là thiếu tinh thần trách nhiệm. Nó thể hiện sự vô trách nhiệm của chính quyền thành phố với người dân…
Tài liệu tham khảo:
[1] http://www.tienphong.vn/xa-hoi/vuong-mac-giai-phong-mat-bang-1074674.tpo
[2] http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/ly-ky-thuong-vu-thau-tom-dat-vang-lang-ha-292046.html
[3] http://vneconomy.vn/bat-dong-san/cai-tao-chung-cu-cu-va-toan-tinh-la-cua-ha-noi-20161128063219230.htm
[4] Decentralization and democratic local governance programming handbook, 2000