Nổi tiếng vì đây là vùng đấy Tây Sơn thượng đạo. Mấy trăm năm trước, anh em nhà Tây Sơn đã từ vùng hạ đạo là huyện Tây Sơn thuộc Bình Định bây giờ, vượt đèo An Khê, chọn nơi đây làm chốn tựu binh tụ nghĩa, khởi đầu cho cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vĩ đại.
Nổi tiếng bởi sau này, trong những năm gian khổ trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đây cũng là chiến trường khốc liệt, cũng là nơi cả lịch sử và văn chương đều ghi dấu.
Cũng còn bởi nơi đây có địa thế tuyệt đẹp, có dòng sông Ba chảy qua tạo nên một phù lưu nên thơ, có sông có núi, có hơi biển và có cả bóng rừng…
Và còn bởi tại đây, chỉ mấy tháng trước, các nhà khảo cổ từ Nga sang và đã phát hiện ra di chỉ Rộc Tưng với niên đại hơn tám mươi vạn năm trước. Tức là gần một triệu năm trước, nơi đây đã xuất hiện người tối cổ. Nó khiến cho bản đồ xuất hiện loài người trên thế giới sẽ phải xem xét lại, nó cũng khiến cho An Khê trở thành di chỉ khảo cổ xưa nhất ở Việt Nam.
Và nó đã từng rất giàu, rất trù phú…
Ngẫu nhiên, tôi gặp nhà nghiên cứu Chăm, mà tôi cho là rất uyên bác ở Việt Nam hiện nay, là anh Trần Kỳ Phương, tại An Khê. Tôi bèn tranh thủ hỏi anh về việc người ta phát hiện ra một số dấu tích Chăm ở Tây Nguyên, mà Đăk Pơ sát An Khê đây (nguyên là một huyện mới tách ra) có một cái bia hiện chỉ xác định được niên đại chứ chưa ai đọc được. Cứ nghĩ rằng Tây Nguyên là kịch núi rồi, mà người Chăm ở chủ yếu ven biển miền Trung chứ liên quan gì đến Tây Nguyên, chả lẽ có cuộc tạo sơn vĩ đại nào đó đẩy cả tấm bia, các nền tháp lên đây? Ông Phương cười mà giải thích rằng, đấy là dấu tích của con đường mà người Chăm đã đi, nó kéo qua Ratanakiri của Cămpuchia (tỉnh sát biên giới Gia Lai cũng vừa phát hiện có nền tháp Chăm) tới các Ăngko Thom và Ăngko Vát. Ra thế, sự việc trở nên dễ hiểu vô cùng. Ông Phương giải thích thêm, các trung tâm tôn giáo thường gắn liền với trung tâm kinh tế. Tháp và bia Chăm thường là trung tâm tôn giáo, vì thế đương nhiên bên cạnh nó là trung tâm kinh tế.
An Khê từng là đất rất giàu là vì thế.
Thêm nữa, không ai lại tổ chức tụ quân ở vùng đất nghèo. Anh em nhà Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chọn đây làm nơi tụ nghĩa, luyện quân và tích trữ lương thảo, chứng tỏ nơi đây đã từng rất trù phú. Chiến tranh và chuẩn bị chiến tranh, ngoài việc luyện binh thì hậu cần cũng rất quan trọng. An Khê được các lãnh tụ nghĩa quân Tây Sơn chọn làm đại bản doanh những ngày đầu khởi nghĩa, rõ ràng là đã đáp ứng tiêu chí này.
An Khê vừa có cuộc hội thảo lớn về vai trò của “Tây Sơn thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn”. Điều lạ là, trong cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia này lại có khá nhiều nhà doanh nghiệp từ thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi khác tới dự rất chăm chú.
Lạ mà không lạ, bởi họ, những doanh nhân ấy, đã phát hiện thấy những tiềm năng từ An Khê lâu nay bị bỏ quên. Do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan, quả là mấy chục năm qua, có vẻ như An Khê đang ngủ quên, tự mình ngủ cũng có, mà bị ru ngủ quá giấc cũng có.
Giờ thì đã đến lúc bừng tỉnh…
Tôi rất thích cái động thái vừa quyết liệt vừa đằm thắm, vừa sâu sắc, vừa khoáng hoạt của chị Nguyễn Thanh Lịch, Bí thư thị xã An Khê hiện tại. Nguyên là bác sĩ, giờ đảm nhiệm vai trò người đứng đầu thị xã, chị có vốn hiểu biết khá sâu về văn hóa vùng đất này, cả của người Bahnar bản địa và người Kinh Bình Định.
Đang có những cú “vượt đèo” để An Khê vẫn là thị xã giữa hai con đèo nhưng không phải là một thung lũng ngủ.
An Khê đã lên tiếng gọi mời đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đang đến với đất này, không phải là tìm hiểu nữa, mà là xắn tay vào.
Và bản thân những con người ở đây cũng đang nỗ lực vượt bậc để biến An Khê thành nơi đáng đến và phải đến.