Bố tôi là người rất ghét bói toán. Vì thế, khi ông nghe ai đó bảo tôi không có số đi buôn, không thể thành doanh nhân, suốt đời chỉ cứ tay vặt đút miệng cũng không đủ no, thì ông tức lắm. Con trai ông, dù có còi cọc xấu xí kém cỏi đến đâu, thì người khác cũng không có quyền coi thường nó trắng trợn đến thế.
Ông quyết tâm chứng minh ngược lại.
Thế là ông âm thầm hướng tôi học buôn bán. Phi thương bất phú, phải làm doanh nhân, ông vẫn vừa rung đùi vừa nói với tôi như vậy mỗi khi có dịp nào đó hứng chí kể về thời ông và mẹ tôi đi buôn hàng tấm hồi trẻ, nhờ thế mà ông mới có thể ngẩng đầu với thiên hạ.
- Chú (bố tôi vẫn gọi con trai ông như vậy những lúc vui vẻ, còn khi cáu giận thì từ “chú” biến nhanh thành “thằng nửa đời nửa đoạn” ngay) phải biết buôn bán, đời mới khá được. Bằng tuổi chú (lúc đó tôi quãng 13 tuổi), tôi đã nay Đồng Xuân, mai Bắc Qua, nhẵn cả vỉa hè Hà Nội.
Bố tôi vẫn thường thích nói quá lên những việc ông làm, nhưng khi bố nói về việc buôn bán thì tôi lại rất tin. Thế là tôi bắt đầu âm thầm học đi buôn. Đúng vào dịp vãn mùa, dù là thời bao cấp ngăn sông cấm chợ, nhưng vì nhà nào cũng có thứ để bán, vì thế có đồng ra đồng vào, nên chuyện sắm sửa cũng đủ để nhộn nhịp. Nhà hàng xóm của tôi có con vịt đực bị thải loại, do một chân nó bị tật, bắn tiếng bán rẻ. Bố bảo tôi dốc lợn tiết kiệm để lấy vốn. Mặc cả mãi, cuối cùng bố chấp nhận mua. Tôi trực tiếp ôm vịt về, chưa biết sẽ làm gì. Thì bố bảo: “Chờ phiên chợ tới, đúng vào chủ nhật chú được nghỉ học, đem vào chợ mà bán, lấy tiền lãi. Đấy chính là đi buôn”.
Bài học nhập môn làm giầu của bố thật đơn giản và đầy tính khích lệ.
Từ sáng sớm chủ nhật, bố đã chuẩn bị để tôi đem con vịt què đi chợ. Bố dùng dây mềm buộc chân nó lại, cho vào rọ, loại dùng để rọ lợn con, tôi chỉ việc ôm đi. Bố bảo tôi là bố mua nó bảy đồng, dặn phải được chín đồng thì mới bán. Tôi ghi lời bố vào đầu, thỉnh thoảng lẩm nhẩm nhắc lại.
Vào chợ, tôi nhìn quanh xem có ai người quen, rồi tìm một chỗ đặt con vịt xuống. Sau đó tôi đứng cách một đoạn, để ngộ nhỡ có đứa bạn nào cùng học nhìn thấy, sẽ không biết là tôi đang đi bán vịt. Mới được một lát thì đã có người đến hỏi mua. Khi thấy tôi, ông khách nhìn tôi từ chân đến đầu, rồi bảo là ông muốn mua con vịt của tôi về làm giống, vì đàn vịt đẻ của ông đang thiếu đực. Chả hiểu sao mặt tôi bỗng đỏ rần lên, như một kẻ đang làm việc khuất tất. Nếu ông ta mua về để thịt, thì chả có chuyện gì. Nhưng ông lại mua làm giống, giả sử sau đây biết con vịt bị tật ở chân, thì thật khổ cho ông ta còn tôi thì mang tiếng lừa đảo. Nghĩ thế nên tôi bảo với ông là con vịt của tôi bị què. Khi nghe tôi nói vậy, ông khách bèn đứng dậy bỏ đi. Lát sau ông quay lại, lật lật cái rọ xem con vịt lần nữa rồi bảo:
- Tao định mua về làm giống, nhưng nếu nó bị què thì tao mua về để thịt, bao nhiêu thì mày bán?
Nhớ lời bố, tôi bèn đáp:
- Đúng chín đồng chú ạ.
- Tao trả mày bảy đồng, mày bán không?
Tôi không đáp, nhìn đi chỗ khác, như là vừa nghe những lời vớ vẩn.
- Nếu nó không bị què có thể làm giống, tao dám trả mày mười đồng, nhưng mua về để thịt, thì bảy đồng là đắt lòi mắt rồi con ạ. Mày thử hỏi làng trên xóm dưới xem, có ai người ta thích ăn thịt vịt già.
Bà cụ bán khoai bên cạnh, thấy vậy nói góp vào:
- Bán đi được rồi cháu ạ.
- Phải đúng chín đồng cháu mới bán.
Ông khách nói bằng thứ giọng của người ác khẩu:
- Vậy thì mày để mà bán cho ma.
Nói xong, ông ta bỏ đi. Một người khác ghé vào, thò tay nắn nắn vào sườn con vịt, trả sõng sượt một câu:
- Vịt đực, gầy lắm, sáu đồng cháu bán thì ta mua.
Tôi chưa kịp trả lời, thì bà bán khoai nhanh nhảu:
- Có người trả nó bảy đồng rồi đấy.
- Sao không bán vội đi, hay là chờ hết chợ mang về thịt?
Nói rồi bỏ đi ngay.
Chợ quê họp sớm, tan nhanh. Giữa buổi mà người mua người bán đã thưa dần. Từ đấy đến gần cuối phiên, có thêm vài người ngó nghiêng con vịt, hỏi bâng quơ, kiểu rẻ thối thì mua, rồi bỏ đi, thậm chí có người còn không kịp để tôi nói giá. Tận gần trưa, khi chợ đã tàn, thì ông già ban sáng quay lại. Ông có vẻ vẫn thiết tha mua con vịt của tôi. Ông nhìn lại con vịt kỹ càng và tỏ vẻ thông cảm, bảo:
- Thôi, tao cố mua bằng được, trả bảy đồng rưỡi, mày bán thì tao mua, không là tao về luôn đây.
Tôi vẫn kiên nhẫn và ngang bướng lắc đầu.
Tất nhiên là cuối cùng tôi phải ôm vịt về, lòng ê chề và có phần xấu hổ. Gặp người quen hỏi, thì tôi nói dối mình đi mua vịt. Thấy tôi như kẻ thất trận, con vịt vẫn nguyên trong rọ, bố tôi hỏi chuyện mua bán. Tôi kể cặn kẽ chuyện người đàn ông ba lần trả giá…Bố nghe vậy ôm đầu ngửa ra sau:
- Sao mà mày đần thế hả con, giá đó thì như tao là tao bán được rồi. Buôn bán, phải mềm dẻo… tùy cơ mà ứng biến! Tàn chợ rồi mà vẫn làm cao, dốt thế.
- Sao bố dặn con chín đồng mới được bán?
- Bố dặn thế, nhưng phải tùy vào chợ chứ, nếu nhiều người mua thì nói giá cao, trong trường hợp này, kể cả bán hòa vốn, còn hơn phải đem vịt về. Cứng nhắc quá làm sao buôn bán được?
Tôi tan nát cả cõi lòng trước những gì bố nói. Xem ra buôn bán không dễ ăn chút nào.
Đến phiên chợ áp Tết, đích thân bố mua vịt rồi bố và tôi, mỗi người hẳn một xe, thồ đi bán, tít ngoài Bình Đà, hồi đó là chợ khá xa so với khả năng đi lại của chúng tôi. Lại còn phải qua đò sông Đáy, lúc nào cũng quá tải, nhiều phen sợ mất mật. Bố bảo phải mất công đi xa mới mong lãi cao, buôn bán là thế. Người dân quê thường mua vịt ăn giải xúi cuối năm, nên vừa ra tới chợ, khách mua bèn quây lại, hỏi tíu tít. Bố và tôi chia nhau bán ở hai phía chợ. Bố phía Nam, còn tôi trấn ở phía Bắc, so với cổng chợ chính.
Người bán vịt lèo tèo, nên tôi thấy có phần yên tâm. Tôi còn đang loay hoay tìm chỗ, thì một người trông đúng là dân chạy chợ, đến bảo muốn mua tất số vịt tôi có. Ông ta nói giá tiền đổ đồng, nghĩa là con to cũng như con bé, đều một giá. Tôi nhẩm tính nhanh, thấy lãi được mấy đồng so với giá chúng tôi mua ở quê, lại nhớ đến vụ con vịt què, tưởng tượng ra cảnh không khéo phải mang cả xe vịt về thì khốn nạn, bèn gật đầu đồng ý. Người đàn ông nhanh chóng đẩy mấy người buôn khác ra, coi như việc mua bán với tôi đã xong, nhanh chóng thanh toán tiền rồi chuyển vịt sang xe của ông ta. Ung dung như một kẻ gặp may, tôi nhét sâu cuộn tiền vào trong quần, rồi tìm đến chỗ bố, định bụng sẽ bán hỗ trợ ông nhưng chủ yếu muốn khoe “chiến tích” với bố. Lần này thì ông chắc chắn sẽ hài lòng với quyết định linh hoạt của tôi.
Từ xa, tôi đã thấy cảnh bố cứ phải gạt người mua ra, gào khản cổ để họ không làm chết vịt. Nhưng có vẻ chẳng ăn thua. Khách mua, phần lớn là dân thoát ly nghề nông, lại nhiều tiền, cứ thò tay tự lôi ra bất cứ con vịt nào mà họ tóm được. Bố “quát giá” ngần nào họ rút tiền trả luôn ngần đó, không thèm mặc cả. Hai lồng vịt to tướng mà nhoáng cái chỉ còn lại vài con, trong khi người mua thì vẫn đông nghịt.
Tôi vội quay trở lại chỗ mình đứng bán vịt lúc trước, thì một cảnh tượng tương tự cũng đang diễn ra với người vừa mua vịt của tôi. Ông ta cũng cứ phải vừa quát tháo vừa đẩy người mua ra vì không tính kịp và phòng xa bị mất cắp. Nhưng người mua sợ hết hàng trước khi đến lượt mình, nên cứ bất chấp len vào, quyết tóm cổ được một con. Có vị khách hàng còn giật cân của ông tự cân lấy, thậm chí cân nhờ bằng cân của bà bán khoai, rồi nhẩm tính số tiền phải trả, gúi thẳng vào tay ông lái buôn. Bao giờ thì ông buôn vịt cũng nèo thêm được mấy hào.
Tôi biết là mình hố to nhưng cố giữ vẻ bất cần. Gặp nhau, bố hào hứng và có phần tiếc rẻ bảo: “Kể có thêm mỗi người một xe thồ nữa bán cũng hết. Nhưng buôn bán là thế, không ai tính trước được. Hôm nay coi như thắng lớn rồi”. Tuy nói với tôi như vậy nhưng rõ ràng bố vẫn phải cố để xua đi cơn tiếc là đã không mang nhiều vịt hơn và không nói giá cao hơn ngay từ đầu. Ông cẩn thận gài ghim băng giữ bọc tiền to sụ ở trước bụng và quyết định vung tay tìm hàng bún chó, cho tôi xả láng một bữa. Khi mỗi bố con đã có trước mặt một tô bún nóng hổi, mùi thịt xáo thơm điếc mũi và vừa đưa chén rượu nếp sủi tăm lên miệng, bố vừa quay sang tôi cười bằng lối cười của một lái buôn lọc lõi:
- Nào, đưa tiền cho bố kẻo mất. Hôm nay chú cũng được một món khá nhé!
Tôi chờ bố tớp được một hớp rượu, mới rụt rè nói:
- Con sợ lại như vụ con vịt què hôm nọ, nên thấy có người mua buôn là con bán luôn, bán đổ đồng… nên chỉ được ngần này.
Bố tôi nhìn bọc tiền tôi đưa, tính nhẩm rất nhanh, đặt phịch chén rượu xuống, giọng chán nản:
- Khôn nhà dại chợ! Đúng là nửa đời nửa đoạn.
Rồi ông than lên như vừa mất cắp một món lớn:
- Mẹ kiếp, khéo mà thằng thầy bói nó nói đúng về mày! Cơm đến miệng còn để đứa khác nó giật mất, mong nên cơm nên cháo gì nữa, mà mộng thành doanh nhân, hả giời...
Câu than của bố tôi như một sấm truyền làm tôi dứt hẳn mộng doanh nhân. Doanh nhân là phải linh hoạt mưu lược, bình tĩnh xử lý, quyết định thông minh hợp tình hợp lý giữa chợ đời mới mong đeo đuổi được. Khó lắm chứ! Đâu có dễ như tôi một mình một trang giấy, thích gì thì viết nấy…