Aa

Tiếng kẹt cửa trong mưa phùn

Thứ Tư, 03/03/2021 - 09:00

Ký ức của cuộc đời còn tùy vào phận người, bạn đã sống đẹp hay chưa sống đẹp? Bạn đã hỏi mình một lần nào câu hỏi này chưa, khi bước qua tiếng kẹt cửa, mưa phùn?

Mấy hôm trời đất Hà Nội trở nồm, mưa phùn, nên cánh cửa gỗ ra vào hay cọt kẹt, khó khép mở. Tiếng cọt kẹt cửa tự nhiên lại gợi nhớ về một vùng quê không xa đã lên phố, làng đã lên phố có tên Hà Nội 2. Miền quê Bắc Bộ xưa ở làng Sấu (hay làng Cát Quế) huyện Hoài Đức; những năm của thế kỷ trước trong mưa phùn, tôi hay đi chợ Vạng hay chợ chùa Rừng ven sông Đáy cách nhà thím Bân không xa.

Năm tháng đó, nhà thím còn nghèo nên còn giữ nguyên cái cánh cửa liếp tre, chẳng có lấy cái then cài để chốt cửa. Nhà ở dưới bãi, sang nhất còn cái chõng tre để ngả lưng, tường thưng bằng lá mía. Thím Bân là đứa con gái duy nhất của ông Hai Chén mà tôi phải gọi là ông trong dòng họ ngoại. Ông Chén mất lâu rồi, chỉ có mỗi cô con gái tên là Bân, nghe người làng kể, thì bà Chén đẻ con trong dịp rét nàng Bân thì phải. Nhà nghèo cứ lấy tre lá che chắn mãi vẫn không đỡ rét, nên đặt tên con là Bân để nhớ rét nàng Bân tháng ba. Rồi mẹ mất, bố mất sớm, thím Bân ở vậy trông nom hai sào vườn đủ thứ chanh, na, hồng xiêm, bưởi, cam và đàn gà vịt, vườn đủ nuôi thím no ấm.

Thím Bân không lấy ai, mới lạ. Tôi nghe người ta đồn đại ở chợ bãi về thím Bân vụng dại. Cứ tháng ba tôi về làng mang cho thím chút quà, vì tình thương con người thím vụng dại mới khổ, mới đơn chiếc thế. Những chiếc áo tôi mua cho thím vẫn vắt ở cây sào tre trong chái nhà. Khổ, thím mặc có 3 ngày tết xong rồi treo ở đó, nhà có tủ giả gì đâu. Về làng, qua rặng dừa, xuống đến bãi đi qua các ruộng mía, ruộng dâu, vườn chanh, vườn na, toàn na bở, na dai nổi tiếng bán buôn cho thị trấn Phùng cho khách du lịch vào vụ. Bây giờ vườn thì đang đặc hoa bưởi, đã thấy lá phổi như rỗng hẳn ra. Khắp bãi đã ngát hoa bưởi, ngày xưa còn có bạt ngàn ruộng nở hoa mía. Hoa mía trắng phất phơ và cũng có hương thơm thoang thoảng.

Tuổi thơ của tôi bất chợt cúi xuống biết ơn những ngày Hà Nội sơ tán, được thiên nhiên đãi đằng, chan vào đời, thấm vào máu mình đầy hương hoa đồng nội. Bạt ngàn hoa mía, hoa bưởi, hoa cau cùng với cái giếng đất đầu bãi, giếng đất này găm mãi vào trái tim tôi những đám bèo tổ ong với nước trong. Đó mới đích thực là quê của ngày xưa. Quê có bếp lửa, cây rơm, quê có đủ thứ thuộc về nhà quê mà ngày nay tự nhiên con người đã buông xuôi để vuột mất hồn của bếp lửa và hồn của vườn cây hoa trái bốn mùa. Bây giờ nhà có khách không có chuyện đi rút rơm đun nước. Không có nói chuyện chum vại ở nơi cây cau. Không có vườn rau hoang hoải trước sân và cũng không còn cái ao sau nhà cùng cây khế trổ bông hoa tím.

Lần trở về quê năm đó tôi còn nhớ có con mèo con được con chó nhà thím Bân tha về cho bú nhờ, nó nuôi 2 con chó con và một con mèo. Thím Bân bảo: “Cứ để con chó nuôi con mèo, động vật mà chúng cũng biết thương nhau ra phết, nhà thím giờ có cả thảy 5 nhân khẩu, một người và 4 chó mèo”. Đấy chỉ là chuyện nhỏ của con chó tha con mèo con về nuôi. Thời đó con người thương nhau lắm, đỡ đần nhau sau chiến tranh. Sống chết lúc đó trong gang tấc… Giờ thì về quê đã là về một không gian khác.

Có lần tôi nghe bạn tôi phàn nàn vì cú va quệt xe chả có ai đỡ dậy, bạn ngồi mãi bên hè phố mưa phùn, không có điện thoại, không có ai dừng lại vì mưa, vì không có gió bấc mà gió bấc thì ở lại trong lòng người. Lần đó tôi đã khuyên bạn quệt nước mưa trên mặt, nên nghĩ thoáng đi, coi như mình trở về nhà được vì cú ngã còn nhẹ, không sao. Nếu nhận cú đỡ của ai đó có khi lại day dứt đến cả sau này. Mưa phùn, nào ai biết được cú đỡ tinh thần còn ám ảnh, khắc khoải, đến bao lâu? Đời sống có bao nhiêu sự vô cảm đang rơi tự do trong mưa phùn?

Sau tiếng kẹt cửa, tôi ngồi trên xe buýt, đi chợ cây ở tận bên đường 5. Tôi hay nhìn cái gạt nước trên xe khi mưa phùn. Sáng ra trên xe buýt người ta đeo khẩu trang vẫn bàn về câu chuyện của em bé 2 tuổi rơi tự do trên tầng 12 xuống đất; rồi tán tụng cái số con bé 2 tuổi ấy thật may, được sống, phải ơn giời, ơn người lái xe tải đã lao phắt lên mái tôn đỡ em bé. Đó là một cú đỡ diệu kỳ, đứa trẻ sinh ra trong thời 4.0 và cú đỡ của người lái xe tải được lan tỏa, được nhân rộng trong lòng người, trong lòng xã hội.

Trong mưa phùn, phảng phất của chợ Hà Nội vẫn tràn đầy hoa bưởi, hoa hồng, hoa thược dược… khiến tôi lại tự hỏi, nếu không tính dịch Covy thì những trận dịch khác, virút khác, còn có bao cú đỡ trong nhân gian? Ví như các cú đỡ của bác sỹ đối với bệnh nhân, như trái tim nhân ái, bác sỹ lương y Nguyễn Tài Thu, như bác sỹ mổ tim Tôn Thất Bách, như bác sỹ sản khoa Nguyễn Thị Ngọc Phượng… Họ đã có bao nhiêu cú đỡ trong đời để người người hồi sinh, để có người hiếm muộn sinh nở và có con cho gia đình trong sự đầm ấm. Nào, ai ngồi nhớ, nào ai lãng quên. Nào ai đếm được những cú đỡ nhân ái vô hình trong cuộc đời này. Mới đây trên tivi có chương trình thật ý nghĩa: “Ngày trở về” trong đó có trái tim có nắng, đã ghi lại hình ảnh ngày thường của bác sỹ Việt Nam tên Võ, hiện ở bang Texas đã cứu chữa cho bao người vô gia cư qua đợt dịch Covy và một, hai, ba… nhiều người Mỹ nói: “Bác sỹ Võ tốt lắm, tôi mong muốn ông ở đây lâu hơn”.

Tôi nghĩ sự biết ơn của người Mỹ vô gia cư ghi dấu tấm lòng người Việt đã không còn là khoảng cách và đã không có biên giới, không cần visa. Trong yêu thương vốn dĩ không có biên giới và không có màu da. Người Mỹ hẳn biết cú đỡ đẹp của bác sỹ Võ người Việt Nam không hề có rào chắn, chỉ vì tình người với người mà thôi. Những thước phim người Việt ở khắp năm châu luôn cưu mang nhau, ví như cú đỡ của nhà sư Thích Tâm Trí (ở Nhật) đã cưu mang đồng loại từ trận sóng thần Nhật Bản năm 2011 vẫn còn ám ảnh trong tâm trí người Việt. Nhật ký lịch sử nhân loại vẫn ghi lại và còn đọng mãi và nó là cấp số nhân trong tình yêu thương của con người.

Hình như tiếng kẹt cửa mùa xuân vẫn mở ra những cánh cửa để thấy chân trời của lòng người tươi đẹp, những cú đỡ đẹp của người Việt với người Việt, người Việt với người khác màu da.

Tiếng kẹt cửa vẫn nhắc tháng ba Hà Hội có mưa phùn, nhiều phố xá hàng cây đang thay lá. Ở trên đường đến lăng Bác hoa ban đã nở và hoa sưa đã rơi trắng trong sương mờ đường Thanh Niên. Hà Nội bắt đầu có người đạp xích lô chở khách đi xem phố cổ, người già còn nhớ đi mua hoa gói ở phố chợ Đồng Xuân về dâng hương lên tổ tiên. Lệ thường và thường nhật. Cái gạt nước trên xe buýt có thể cứ gạt đi nước mưa mờ trên mặt kính, nhưng ký ức, những cú đỡ đẹp của cuộc đời thì lại sáng rõ hơn trong lòng mỗi người. Ký ức của cuộc đời còn tùy vào phận người, bạn đã sống đẹp hay chưa sống đẹp? Bạn đã hỏi mình một lần nào câu hỏi này chưa, khi bước qua tiếng kẹt cửa, mưa phùn?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top