Aa

Tiếng làng yêu thương

Thứ Bảy, 01/02/2020 - 06:30

Tiếng ruộng, tiếng đồng, trải qua hết đời này đến đời khác, hết mùa này sang mùa khác, cái âm tiết có âm cuối kéo dài trở thành tiếng nói của dân, của làng, của đất...

Sáng ra, lớp sương mù phơ phất mỏng như tờ pơluya ngoài cửa. Rồi nắng lên. Và cũng chỉ cần có thế, lớp sương mù tan nhanh, thành phố lại trở về với nguyên vẹn những ồn ào, bụi bặm cùng những xô bồ phố thị. Vọng lại tiếng chị bán bánh khoai, bánh dày, bánh rán. Tiếng rao có âm đuôi kéo dài ra, mỏng như sương, nhòe nhòe như thấm chút lạnh của gió bấc. Tiếng quê tôi. Cái tiếng quê có âm đuôi kéo dài khi giục trâu trên ruộng cày, đổ ải.

Khu phố nơi tôi ở trước đây nguyên là vùng chân ruộng cao. Ngày đó, hợp tác xã chia cho mỗi gia đình mấy miếng đất ruộng để cấy các loại lúa thơm như quyết tâm, tám thơm. Chả là các giống lúa này thân cao, gặp mưa gió dễ bị đổ. Chân ruộng cao, cây lúa trổ bông, vào lúc đổ đuôi, nếu có đổ cũng không thất thu vì thời tiết. Khi thu hoạch xong, các chân ruộng này được cày lên, phơi dăm bữa nửa tháng cho đất thoát khí rồi đánh luống trồng khoai, gieo ngô. Tuy là vụ tăng sản nhưng cũng nhờ có chân ruộng khoai, ngô này mà dân làng tôi đi qua những ngày giáp hạt. Mấy làng bên, không có chân ruộng cao, đến mùa giáp hạt, đòn gánh trên vai, quàng đôi quang thúng, sáng sáng chiều chiều te tái sang bên làng tôi tìm hỏi mua ngô, mua khoai về chống đói.

Mỗi khi, sau thu hoạch vụ chiêm, khi có chút gió heo may, tiếng người tiếng trâu đã lục cục từ sáng trên đồng. Tiếng người giục trâu đi nhan, bắt rãnh, quay cày lẫn vào trong sương sớm, kèm chút lạnh chuyển đầu đông làm nên tiếng nói có âm đuôi kéo dài mỏng mảnh như sương. Tiếng ruộng, tiếng đồng, trải qua hết đời này đến đời khác, hết mùa này sang mùa khác, cái âm tiết có âm cuối kéo dài trở thành tiếng nói của dân, của làng, của đất. Có nhiều người đi xa quê, chỉ cần nghe ai đó nói âm đuôi kéo dài nhận được ngay người làng, nơi có cánh đồng chân cao vùng Nho Quan, miền đất chôn nhau cắt rốn.

Lại nhớ, năm ấy, đám trai tráng trong làng đã xung quân lên bảo vệ biên giới, làm đồng chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Nhà tôi neo người, tuy là con gái, tuổi lên năm, lên sáu, con trâu hợp tác xã giao lại đang phải vực, có người dắt phía trước cho quen đường cày. Sáng, cha vác cày lên vai, nói tôi cùng đi giúp việc vực trâu. Cha mắc cày, dẫn tôi xuống ruộng, hướng dẫn cách dắt trâu quay khi gặp bờ, đi đúng rãnh. Cha quàng ách lên vai trâu rồi đưa tôi cái thừng, bảo tôi đi trước dẫn. Tiếng cha phía sau, thỉnh thoảng lại uầy, vắt giục trâu. Tiếng uầy, tiếng vắt giục trâu cứ kéo dài âm cuối. 

Dắt được hơn chục lượt cày, chân tôi mỏi rã, mồ hôi ướt đẫm hai bên thái dương. Nhìn tôi, cha động viên: "Con cố gắng vực cho trâu quen rồi cha con mình nghỉ. Có đói, cha cho củ khoai sáng chưa ăn còn để trong túi áo". Biết được ăn, tôi cố gắng cùng cha vực trâu cày hết thửa ruộng phần trăm. Tranh thủ lúc nghỉ, tôi hỏi cha, tại sao tiếng giục trâu cứ kéo dài âm cuối. Cha cười: "Lớn rồi con biết". 

Cha ông xưa có dạy: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Con trâu tuy là con vật, nhưng nó cũng có tình cảm. Nó nhận biết được đâu là tiếng yêu thương, gần gũi, gửi gắm; đâu là tiếng bực tức, giận hờn, đố kỵ, ganh ghét. Âm cuối giục trâu kéo dài là sự thể hiện của yêu thương, nó như lời ru ầu ơ mẹ vẫn thường ru con làm vậy.

Thành phố mở rộng, mảnh đất chân ruộng cao làng tôi thành phố thị. Chân ruộng cao không còn, vụ tăng sản không còn, tiếng giục trâu trên đồng cũng hết. Người làng tôi thành người thành phố. Ruộng không còn, trâu không còn, người làng một số đi xa, tìm kế mưu sinh nơi đất khách. Một số bà già con trẻ ở lại quê, đòn gánh trên vai, sáng sáng đi bán những thứ một thời chống đói. Bánh ngô, bánh khoai vốn chỉ ủ bếp nhà giờ thành quà, thành bánh đặc sản nơi phố thị. Dù là người dân phố, nhưng tiếng nói có âm cuối kéo dài thì vẫn không sao sửa được. Giữa những ồn ào, xô vai thích cánh, bon chen cùng tiếng chao chát bán mua vẫn không thể làm mất đi tiếng nói có âm cuối kéo dài trong tiếng rao phố xá.

Thành phố bộn người, tiếng rao, “Ai bánh khoai, bánh khúc đ…ê…ê” kéo dài vẫn len lỏi vào trong từng góc phố. Chợt đâu đây như lời cha nói khi dắt trâu vực cày, bên bờ ruộng ngày nào. Cái âm cuối kéo dài, mỏng như sương, mảnh như lụa, ấm áp như lời ru bên nôi vẫn làm nên tiếng làng quê tôi nơi phố hội.

Tiếng làng ơi, tiếng làng của tôi…  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top