Aa

Cổng làng tôi

Chủ Nhật, 01/12/2019 - 06:30

Hình ảnh làng quê Kinh Bắc với cây đa bến nước sân đình, con đường lát gạch nghiêng, và cái cổng làng đứng thâm nghiêm trầm mặc dưới mưa xuân lất phất, hầu như đã in sâu vào ký ức của lớp người trung tuổi như chúng tôi.

Làng tôi nằm trong xứ Kinh Bắc xưa, Bắc Ninh nay.

Làng Kinh Bắc nề nếp là luôn phải có cổng ngõ đàng hoàng. Nghĩa là lối vào đầu làng phải có một cái cổng to. Các ngõ xóm lại có cổng ngõ xóm. Các nhà có cổng riêng. Các nhà hào phú thì cổng xây gạch, trát vữa đắp rồng phượng lân ly - gọi là tứ quý hoặc là tùng trúc cúc mai gì đó, nhân sinh tùy sở thích. Các nhà nghèo thì cũng có mấy cây tre dựng lên rồi làm cái cánh cổng bằng cành rào tre đan dày. Tối đến hạ xuống cài chặt đi ngủ thấy cũng yên tâm phần nào...

Làng tôi ngày xưa vốn có đủ các loại cổng như thế. Tất nhiên cổng làng chỉ có một cái và luôn phải to nhất. Mà hình như cổng làng là niềm tự hào vĩ đại của người dân làng ấy nên hầu như cổng làng nào cũng to cả. Làng buôn bán nức tiếng giàu có không nói, làng nghèo thuần nông tít mãi vùng xa cổng cũng vẫn to. Đến lạ. Bởi xung quanh làng xưa thường là những lũy tre ken dày, nhiều khi chó chui không qua nên mọi chuyện hàng ngày như đi làm đồng, đi làm xa, đi chợ về nhà đều qua cái cổng làng cả.

Cổng làng Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Internet

Cổng làng đã thành nơi chứng kiến biết bao chuyện buồn vui, những buổi chia ly, những cuộc đoàn viên của người làng tôi. Cái hình ảnh bọn trẻ con tụ tập chơi bên cổng làng đợi đón mẹ đi chợ về để lục thúng xem có quà bánh gì không. Hay cảnh những bà mẹ có con đi xa, những chị có chồng đi vắng, chiều chiều thẫn thờ ra bên cổng làng ngóng... nó vẫn còn in mãi trong tâm trí tôi.

Cánh cửa cổng làng cổng ngõ và cổng các nhà ngày xưa quê tôi hay làm bằng gỗ sung, bởi các cụ nói rằng, cây sung gỗ nó có nhựa, hạ xuống xẻ tươi, dày bản đem đóng cổng rất chắc, bọn cướp đến vác rìu phá cổng bổ vào nó bị nhựa mút chặt lưỡi rìu không phá nổi. Bởi cứ đến đêm là làng tôi lại đóng chặt cổng, có tuần đinh canh gác, ngăn không cho kẻ bất lương ra vào quấy nhiễu dân lành. 

Thế mà không hiểu sao, đến cái thời cải cách ruộng đất và hợp tác xã người ta lại phá ráo cả cổng làng lẫn cổng ngõ. May mà có một vài nhà trong làng vẫn còn giữ được cái cổng cũ để cho tôi mỗi lần về quê nhìn thấy, lại nhớ những cái cổng xưa cùng những trò nghịch ngợm leo trèo ú tim với bọn bạn hồi đánh khăng chơi đáo...

Hình ảnh làng quê Kinh Bắc với cây đa bến nước sân đình, con đường lát gạch nghiêng, và cái cổng làng đứng thâm nghiêm trầm mặc dưới mưa xuân bay lất phất, hầu như đã in sâu vào ký ức của lớp người trung tuổi như chúng tôi. In sâu lắm. Đến nỗi một dịp hội làng, những người đi xa quê cùng trở về dự bỗng nảy ra ý định làm lại cái cổng làng ở chỗ xưa!

Cổng làng thôn Gia Phú, xã Bình Dương, huyện Gia Bình, Bắc Ninh

Tưởng chuyện nói chơi mà rồi thành thật. Bọn tôi hò nhau, chưa làm được như các cụ xưa thì ta hãy cứ đổ bê tông, xây cao trát phẳng, làm cái cổng cho ra dáng cái làng văn hiến Kinh Bắc, để mỗi khi về làng, đến đầu làng thấy như được chào đón... Tất nhiên là cổng làng nay đã biến thể cho phù hợp với đời sống mới. Bê tông cốt thép chắc chắn. Không còn cánh cổng gỗ sung như xưa. Cũng chả cửa sắt làm gì. Vì làng giờ nhiều ô tô, cửa giả mỗi lần ra vào đóng mở nhiêu khê lắm.

Thế rồi không cứ làng tôi, làng Ngọ Xá - làng Ngọc, xây lại cổng làng. Mà nhiều làng trong vùng cũng âm thầm xây lại cổng, khôi phục lại đình chùa miếu mạo. Tuy có chỗ hơi quá đà, nhưng hình như cái nếp làng xưa Kinh Bắc lại đang dần được phục hồi. Tuần rằm mùng một lại thấy các cụ lão niên áo the khăn xếp ra đình. Tối tối các bà vãi già lại rủ nhau lên chùa tụng kinh niệm phật.

Mỗi lần về làng, tôi lại thấy ấm áp hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top