Làng tôi ở một vùng quê xa phố xá, không được hưởng (hay cũng có thể nói là không phải chịu) nền văn minh nước máy. Tạo hóa thiên địa đã phú cho làng tôi một con sông nước trong văn vắt chảy dọc bìa làng.
Định cư ở phố xá dăm bữa nửa tháng, tôi lại về quê một lần. Không hẳn là việc thực hiện nghĩa vụ của một người con hiếu lễ với cha mẹ, họ hàng, mà hơn thế, như thể những lần di dưỡng tinh thần, tránh xa cái ồn ào bụi bặm, căng thẳng của phố phường để tìm về cái trong xanh êm ả thanh bình tự ngàn đời của quê hương.
Mỗi khi Tết đến, không thể nào ngồi yên được, tôi lại nóng lòng thấp thỏm muốn trở về, lại bồi hồi muốn được nghe tiếng rá vỗ ven sông, tiếng cười khúc khích của các cô thôn nữ, những bắp chân trần trắng muốt của các cô đang đứng dưới bến sông để vo gạo, đãi đỗ, rửa lá chuẩn bị gói bánh chưng. Ôi chao! Chẳng phải năm nào cũng được mùa đâu, có năm tháng ba ngày tám, những người dân quê tôi bữa ăn phải độn thêm củ sắn, củ khoai mới hòng no được.
Thế nhưng mặc lòng. “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Hễ cứ bước đi qua con đê nhỏ trên đường về làng vào chiều 28, 29 Tết, là thế nào cũng bắt gặp rất nhiều các mẹ, các chị, các em người làng tôi và người làng bên kia sông lúi húi dọc hai triền sông vừa làm lụng, vừa trò chuyện râm ran. Tiếng rá vỗ, tiếng cười nói lan tỏa vang cả một khúc sông, hợp vào tiếng nước lóc tóc vỗ bờ như thể cùng tấu lên khúc nhạc thanh bình, no đủ, làm ấm lòng kẻ xa quê lúc đặt chân lên mảnh đất chôn rau.
Tôi, một kẻ đoảng vị, ngoài ba chục niên vẫn chưa may mắn có được người bạn trăm năm, nên không tài nào chịu đựng được cảnh ngày Tết mà lại ở phố một mình. Có năm lòng buồn vì nỗi chán mình, rắp tâm ở lại phố ăn Tết không về quê nữa. Tha thẩn suốt từ 25 Tết, đến chiều 29 Tết, nhìn ngắm người ta đi sắm Tết, thấy các gia đình chồng chồng vợ vợ dắt con đi chơi chợ hoa, tôi không cầm lòng được, lập tức lên xe trở về quê. Ôi đất quê, nơi có mẹ ta ở đó. Người nhân từ che chở cho con mỗi khi lòng thấy cô đơn hay mỗi khi vấp ngã trong đời. Những lúc ấy bỗng thèm được nghe tiếng mẹ gọi về ăn cơm như thuở nào còn nhỏ...
Lại nhớ năm nọ, chiều 29 Tết, đang bước trở về trên mặt đê bỗng nghe có tiếng í ới của mấy cô gái dưới mép nước gọi lên: “Anh giáo ơi, cứ tưởng anh ở ngoài Hà Nội ăn Tết với cô nào, quên cả đường về!”. Lại có người gọi: “Anh giáo ơi, cứ về trước chờ em, lát nữa em về gói bánh chưng quê cho mà ăn nhé!”. Rồi bao nhiêu tiếng cười giòn tan của các cô thôn nữ âm vang mặt sông sóng sánh.
Tôi biết mình đang đỏ mặt, thấy lòng tội tội, tủi cho cái thân mình nên chẳng chống chế được câu nào, cứ lầm lũi đi trên đê trong chiều vàng nắng, cười mỉm một mình như kẻ dở hơi. Thế rồi, một tiếng nói khác: “Chúng mày cứ trêu anh tao mãi. Anh ơi, chờ em đưa chìa khóa cho này”. À, hóa ra tiếng con em gái. Nó hổn hển chạy trên mặt đê mừng mừng tủi tủi. Năm ấy nó đã lấy chồng. Chiều cuối năm nó về biếu Tết và giúp mẹ tôi lo Tết. Ôi chao, đã lấy chồng! Sao trước kia bảo: “Khi nào lo cho anh cưới vợ xong thì em mới lấy chồng”? Nó cười: “Cứ chờ ông anh thì em... chết già à!”. Ôi! đứa em láu lỉnh của tôi...
Dẫu vụng nhất nhà, bởi từ lúc nhỏ đến lớn theo đòi sách vở, nhưng tôi được khen là nối dây “giàng” bánh giỏi nhất nhà. Không đơn điệu như ở phố, chỉ có độc một loại bánh chưng vuông, quê tôi còn gói cả bánh tày, loại bánh tròn và dài như cái ống tre to. Từ nhân bánh, tới lá bánh vẫn như bánh vuông, nhưng loại bánh này khi gói phải công phu hơn: Gói phải chặt tay cho bánh mịn, đầu bánh phải gấp lá hình tam giác và phẳng; vỏ ngoài phải “giàng”, tức là cuộn nhiều vòng dây đều nhau tăm tắp vừa giữ cho bánh lành lặn khi buộc, vừa tạo thẩm mỹ cho chiếc bánh.
Bánh luộc xong vớt ra thả luôn vào thùng nước lạnh, sau đó đem bánh ra lăn đều trên mâm gỗ, nhờ thế mà ruột bánh mịn màng, dẻo quánh, không bị ướt, treo lên để được rất lâu. Khi “xắt” bánh dùng ngay sợi dây giàng bánh tước nhỏ, rồi cắt từng khoanh đều đặn. Miếng bánh tròn, giữa có nhân, nếu xếp khéo vào đĩa, nom tựa như một bông hoa đại đóa vậy. Thứ bánh này khi nối dây giàng bánh là phải nối “rút” sao cho hai đầu dây được giấu kín vào trong nút, không để lộ ra ngoài.
Khi đem bánh đi tết họ hàng bằng hữu, người ta nhìn xem lá bánh có xanh không, giàng bánh có đều và đẹp không, nút bánh có nhỏ và khéo không. Nếu đạt được những tiêu chuẩn ấy thì được khen là người khéo, là may mắn trong năm. Ở quê tôi, khi vớt nồi bánh ra, nếu bánh bị vàng hoặc có cái bánh bị vỡ, hoặc bị cháy nồi chẳng hạn, thì người ta quan niệm đó là điềm gở, báo hiệu trong năm thế nào cũng có rủi ro.
Vâng, người dân quê tôi trong ba ngày Tết, bất cứ việc gì cũng vận vào “điềm”. Có thể là mê tín chăng, nhưng trong cái mê tín ấy thấy một tình cảm nâng niu, cẩn trọng đối với những sản vật mình làm ra và muốn cho ba ngày Tết cũng như trong năm đời sống được vuông tròn hạnh phúc. Đó là gì nếu không phải là lòng yêu cuộc sống, nâng niu cuộc sống của những người dân quê bình dị.
Bây giờ ở phố, người ta theo xu hướng giản tiện, cơm bữa chẳng cần nấu, đem tiền ra quán bình dân, bánh Tết chẳng cần gói luộc mà đi đặt mua... Nhưng riêng tôi, tôi sẽ vô cùng vui vẻ chịu vất vả, chịu hì hụi, lục xục suốt đêm để gói, đun, trông nồi bánh, để được lăn bánh, vớt bánh, nghe lửa cháy lách tách trong bếp củi, để được lãng đãng trong âm hưởng Lang Liêu cổ tích ngàn đời...
Tuyệt vời nhất là lúc bánh vừa mới được vớt ra, chọn mấy chiếc đẹp nhất đặt lên bàn thờ thắp hương, sau đó được nếm bánh lúc về khuya bụng đã ngon ngót, trước miếng bánh thơm phưng phức tuy háo hức nhưng vẫn cẩn trọng đưa lên miệng, từ từ cắn từng miếng một. Ôi chao, hương vị của đất, của tấm lòng thơm thảo từ mẹ, từ em hôm sớm trên đồng... Tất cả là đây, nồng nàn tình nghĩa.
Ở quê tôi, hội hè suốt giêng hai. Cả một vùng âm âm tiếng trống hội làng, những câu hát huê tình như lạc bước vào miền cổ tích...
Như một viên chức cần mẫn và tẻ nhạt, chiều mồng ba Tết, tôi đã lại tạm biệt quê hương ra phố kịp ngày làm việc. Ngồi trên chuyến xe đầu năm thưa khách, lòng mang mang một nỗi buồn không xác thực. Lại một xuân qua. Lại đến bao giờ mới được nghe xôn xao tiếng cười nói lan tỏa mặt sông, và tiếng rá vỗ lộp bộp âm âm như dấu hiệu ngàn đời của quê hương yên bình và nhân hậu...