Aa

Tiếp tục bố trí nguồn vốn lớn các dự án giao thông

Thứ Hai, 17/01/2022 - 16:00

Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) vừa cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn kỷ lục hơn 50.327 tỷ đồng, gồm hơn 4.876 tỷ đồng vốn nước ngoài và hơn 45.450 tỷ đồng vốn trong nước.

Bám hiện trường, bám sát kế hoạch

Để đạt kết quả giải ngân cao như năm 2021, Bộ GTVT cần tiếp tục thực hiện những giải pháp hiệu quả. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được dự báo vẫn sẽ diễn biến phức tạp trong năm 2022.

Đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, để kế hoạch giải ngân đáp ứng yêu cầu, quan trọng nhất là người phụ trách hiện trường phải bám sát kế hoạch chi tiết đã xây dựng cho từng hạng mục, từng mũi thi công để kịp thời tìm phương án giải quyết ngay khi vướng mắc phát sinh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo được tiến độ giải ngân vốn dự án. Bởi nếu không đảm bảo được điều này, những vướng mắc nhỏ không giải quyết được sẽ thành vướng mắc lớn. Mà chỉ cần một bước ách thì cả dây chuyền sẽ bị dừng lại. Nhờ “bí quyết” này mà trong thời gian qua, Ban QLDA Thăng Long luôn nằm trong top đầu giải ngân của Bộ GTVT dù cho đây là đơn vị thường xuyên phải xử lý khối lượng giải ngân “khổng lồ”, chiếm tới khoảng 25% khối lượng giải ngân của Bộ GTVT.

Trong khi đó, lãnh đạo Ban QLDA 6 chia sẻ, để công tác giải ngân đạt hiệu quả cao, Ban QLDA, chủ đầu tư phải kiểm soát tốt tiến độ dự án. Đặc biệt, đối với dự án chậm thi công, phải xây dựng kế hoạch bù lại tiến độ và bám sát kế hoạch sau điều chỉnh từng tuần, từng ngày thậm chí là từng giờ. “Trong việc thanh quyết toán sản lượng công trình, kinh nghiệm của Ban QLDA 6 là khi có khối lượng, hồ sơ đến, phải đảm bảo trong một ngày giải quyết thanh quyết toán ngay” – lãnh đạo Ban QLDA 6 cho biết.

Tiếp tục “thúc” tiến độ giải ngân vốn

Theo đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn năm 2021 của Bộ GTVT là 43.201 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 12/2021, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 37.170 tỷ đồng, đạt 85,6% kế hoạch. Như vậy, từ nay đến cuối tháng 2/2022, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân tối thiểu 4.494 tỷ đồng để đạt được quả giải ngân kế hoạch cả năm đạt tối thiểu 96% đáp ứng mục tiêu tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ.

Đây là khối lượng công việc tương đối lớn, do đó, các chủ đầu tư, Ban QLDA cần tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện thủ tục nghiệm thu thanh toán khối lượng xây lắp, chi trả công tác GPMB; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, xây dựng chế tài đủ mạnh, cụ thể và xử nghiêm các hành vi vi phạm tiến độ dự án.

Cụ thể, các dự án ODA tới hết tháng 1/2022 còn phải giải ngân 1.835 tỷ đồng (1.484 tỷ đồng vốn nước ngoài và 351 tỷ đồng vốn đối ứng). Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 tới hết tháng 1/2022 còn phải giải ngân 1.312 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, Ban QLDA cũng cần tập trung hoàn thiện thủ tục thanh toán khối lượng đã thực hiện tại các dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (396 tỷ đồng), Nha Trang - Cam Lâm (270 tỷ đồng), Phan Thiết - Dầu Giây (188 tỷ đồng), cầu Mỹ Thuận (76 tỷ đồng).

Bộ GTVT nhấn mạnh, các dự án trọng điểm, cấp bách tới hết kỳ còn phải giải ngân 1.573 tỷ đồng. Các chủ đầu tư, Ban QLDA cần tập trung hoàn thành thủ tục thanh toán khối lượng đã thi công trong năm 2021. Trong đó tập trung vào một số dự án như Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (306 tỷ đồng), sân bay Tân Sơn Nhất (158 tỷ đồng), tuyến nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (340 tỷ đồng)…

Ngoài ra, một số dự án giao thông khác (dự án đang thực hiện, trả nợ BT, nợ đọng xây dựng cơ bản) cũng cần tập trung giải ngân trong tháng 1/2022 là với tổng vốn cần giải ngân là 3.907 tỷ đồng.

Được biết, ngay trong tháng 12/2021, Vụ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 đợt 1 cho các dự án đầy đủ thủ tục với tổng số hơn 41.306 tỷ đồng, đạt hơn 82% kế hoạch. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng vừa ký văn bản đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của các chủ đầu tư, Ban QLDA. Trong văn bản trên, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA đẩy mạnh giải ngân, báo cáo rõ nguyên nhân nếu không giải ngân hết kế hoạch.

Đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh, các chủ đầu tư, Ban QLDA có trách nhiệm đẩy nhanh thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng các hạng mục đã thi công hoàn thành trong năm 2021 để thanh toán trước 31/1/2022.

Bên cạnh các đơn vị có kết quả giải ngân tốt, tính đến hết tháng 12/2021, một số đơn vị vẫn có kết quả giải ngân chưa đáp ứng yêu cầu, thấp hơn mức trung bình chung của Bộ GTVT (85,6%) như: Ban QLDA Mỹ Thuận, Ban QLDA Đường thủy, Ban QLDA 2, Ban QLDA 85, các Sở GTVT: Hà Nam, Cà Mau, Kon Tum, Thanh Hóa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top