Aa

Tiết lộ những quốc gia “bạo chi” nhất vào bất động sản Việt Nam

Thứ Bảy, 15/07/2023 - 11:00

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến nay, lĩnh vực bất động sản ghi nhận 1.100 dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.

Bất động sản là một trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH & ĐT cho biết, bất động sản là một trong những lĩnh vực thu hút được  nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến hiện tại, lĩnh vực bất động sản ghi nhận 1.100 dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, tương đương chiếm 15% tổng số vốn đầu tư.

Trong đó, bất động sản đứng thứ hai về thu hút đầu tư, xếp sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Theo thống lê, đến nay có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dẫn đầu là Singapore, xếp ở vị trí tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản.

Việt Nam hiện đang thu hút 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nguồn ảnh: VnExpress

Về địa phương, có 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản, dẫn đầu cả nước là TP. Hồ Chí Minh với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp đến là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu.

Về quy mô dự án, phần lớn các doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đều là doanh nghiệp có quy mô lớn, hình thức đa dạng và ngày càng chất lượng hơn. Thậm chí, nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có quy mô lên tới hàng tỷ USD có thể kể đến như: Công ty TNHH Hồ Tràm tại Bà Rịa Vũng Tàu; thành phố thông minh tại Hà Nội, Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội), hay Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An(Quảng Nam),...

Giáo sư TSKH Nguyễn Mại đã lấy dẫn chứng số liệu đáng lưu ý về dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, vốn FDI đăng ký vào bất động sản trong năm 2020 đạt 987 triệu USD, chiếm 13,6%, năm 2021 ghi nhận 1,390 tỷ USD, chiếm 9,1%, sang đến năm 2022 con số này là 1,816 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn FDI đăng ký.

Trong số 10 dự án FDI có vốn đăng ký nhiều nhất năm 2021 ghi nhận 2 dự án bất động sản là Công ty Dịch vụ hỗ trợ hợp tác phát triển thành phố thông minh Bình Dương của Singapore với vốn đầu tư 500 triệu USD và Dự án Khu nhà ở cao tầng tại TP.Hồ Chí Minh của Nhật Bản với số vốn đầu tư là 291 triệu USD.

Trong 10 dự án FDI có vốn đăng ký nhiều nhất năm 2022 cũng có 2 dự án bất động sản là Dự án Trung tâm thương mại AEON Huế của Nhật Bản có vốn đầu tư là 169,7 triệu USD và Dự án Xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Vĩnh Thanh, Cần Thơ của Singapore với vốn đầu tư 159,9 triệu USD.

Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Nguồn ảnh: Tinh nhanh chứng khoán

Về địa phương thu hút đầu tư mới nhiều nhất năm 2022, đứng đầu là Quảng Ninh, tiếp đến lần lượt là Bình Dương, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh. Vốn cấp mới của các địa phương này chiếm 51,2% tổng vốn đăng ký mới. Trong năm 2021 trước đó, tổng vốn cấp mới của 5 địa phương đứng đầu chiếm 50,6%. Chỉ có Quảng Ninh là có mặt trong danh sách 5 địa phương đứng đầu vốn cấp mới của cả 2 năm 2021 và 2022. Ba địa phương có vốn cấp mới năm 2022 trên 1 tỷ USD là Quảng ninh, Bình Dương và Hải Phòng.

Ông Vikram Kohli, Tổng Giám đốc CBRE khu vực Đông Nam Á nhận định: “Từ 2015 đến nay, hầu hết các thương vụ M&A giá trị lớn đều là các khu đất dự án bất động sản, sau đó mới là các khách sạn và chung cư, văn phòng. Trong số đó, nhiều thương vụ M&A lớn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Các chủ đầu tư Việt Nam thường hợp tác dưới hình thức liên doanh với các chủ đầu tư nước ngoài để tối ưu hóa quá trình tìm kiếm vị trí dự án đầu tư và quản lý dự án”.

Giải pháp nào giúp thu hút đầu tư nước ngoài?

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia khác trong khu vực để thu hút đầu tư như: chính trị ổn định, an toàn, thị trường tiềm năng, tăng trưởng kinh tế cao, chi phí sản xuất cạnh tranh, nguồn nhân lực dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, có thể dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn,...

Hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện đang tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện. Hiện nay, Chính phủ đang quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công trong trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng như kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển nhiều vào công trình hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc, sân bay, cảng biển, các trục ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành bất động sản.

Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư. Nguồn ảnh: Giáo dục Thủ đô

Vị chuyên gia cho rằng, việc thu hút nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản sẽ giúp đa dạng hóa loại hình bất động sản tại Việt Nam. Những năm gần đây, bất động sản công nghiệp, chung cư cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khỏe,... đã cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt bên cạnh loại hình truyền thống như bất động sản nhà ở.

Tuy nhiên, ông Anh Tuấn cũng cho rằng, một số dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn tình trạng kém hiệu quả, dự án quy mô đất lớn nhưng chậm triển khai hoặc nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội. Ngoài ra, hệ thống pháp luật về lĩnh vực này cũng chưa đồng bộ, rõ ràng, còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời,... Tất cả những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.

Để có thể thu hút các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực bất động sản, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề liên quan đến pháp lý cũng như có cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài như hoàn thiện pháp lý về thị trường bất động sản, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, triển khai đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top