Aa

Tiết thanh minh và những búp đa đang trổ lá

Thứ Ba, 19/04/2022 - 06:12

Chỉ có ngoái nhìn lại bằng lòng biết ơn và sự thấu hiểu, người ta mới có thể đi tới bằng niềm tin tưởng, bằng nhiệt huyết và tình yêu, một cách trọn vẹn...

“Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh…”

Tiết thanh minh của mùa xuân như một tiếng chim ca vút cao gọi ánh nắng về, cho bầu trời cao rộng thênh thang. Ngẩng đầu lên lại thấy búp đa của mùa mới năm nay đang trổ lá, những úa tàn rơi rụng nhường chỗ cho xanh non và tươi mới.

Từ đầu mùa xuân năm nay, sau thời gian dài ở quê, dịch bệnh đã qua và ở vào giai đoạn thoái trào, chẳng khác nào những chiếc lá đa già khô trên cành bắt đầu rơi rụng. Tôi sắp xếp ngăn nắp lại những thương lo đâu đó còn ngổn ngang trong lòng mình, sẵn sàng chuẩn bị một “tôi” thật mới mẻ, trọn vẹn, đầy nhiệt huyết và tình yêu cho cuộc sống của những ngày đang tới. 

Tôi sắp xếp ngăn nắp lại những thương lo đâu đó còn ngổn ngang trong lòng mình, sẵn sàng chuẩn bị một “tôi” thật mới mẻ, trọn vẹn, đầy nhiệt huyết... (Ảnh minh họa: Internet)

Quay trở lại cùng những nẻo đường nơi đất Bắc, tôi lại ào vào công việc thiêng liêng mà mình vô cùng trân trọng và yêu thích. Tôi về ở lại nhiều ngày nơi ngôi chùa quê của một thầy bạn xứ Đông. Đang trong buổi trà ngồi xem lại những tư liệu vừa “thỉnh” được, chúng tôi chuyện trò tâm đắc và trong lòng đầy niềm xúc động. Câu chuyện của chúng tôi đan xen những miên man của tiếc nuối, như những tâm tình của đứa con nhỏ ngày nào giờ đã già nua. Chúng tôi ngồi đây, như có cả sự hiện diện của tiền nhân trong hơi trà ấm, trong những di vật cùng các cuốn sách cổ đã ngả màu sờn rách và khói hương bảng lảng…

Thong thả lật từng trang giấy cũ, lòng tôi dâng trào những nỗi kính thương và niềm tự hào trước bút tích của cha ông mình thuở trước. Cha ông ta đã cẩn trọng ghi lại để truyền cho con cháu mình đời sau có thể đọc, có thể hiểu được thời đại mà tổ tiên chúng ta đã có mặt, đã sống… Ghi chép ấy không chỉ trên giấy, trên gỗ mà còn ở trên đá, trên chuông, trong các pháp khí, trên những tấm bia, trong các bức hoành phi đại tự, trước tam quan, trong chính đường hoặc các tòa hậu của đình, đền, chùa, miếu... Ấy vậy mà con cháu ngày nay, thật xót lòng khi không còn nhiều người có thể đọc hiểu những nét chữ của cha ông.

Có một lần dạo chơi đền Quán Thánh, một người bạn cười buồn hỏi tôi: “Cha ông ghi bao nhiêu chữ thế này để kể cho con cháu nghe những câu chuyện và các tích xưa, bao nhiêu tự hào và những kỳ vọng muốn gửi gắm, bao nhiêu điều hay muốn trao truyền, nhưng ngày nay con cháu đi đình chùa hay đền miếu chẳng có mấy ai đọc được, vậy thì làm sao mà hiểu về nguồn cội, làm sao hiểu về dân tộc mình thầy nhỉ?”. Tôi lặng người, không biết phải nói sao! Biết nói sao trước những sự thật buồn như thế này? 

Thực ra, tổ tiên của chúng ta không chỉ gửi gắm, trao truyền và kể cho chúng ta nghe về lịch sử qua những dòng chữ. Quan trọng hơn điều đó là nếp sống, là những di sản vật thể và phi vật thể như: Di tích đình, chùa, đền, miếu, cổ vật, lễ hội, phong tục... Đặc biệt nhất phải kể đến đó là nhu yếu quy hướng về nguồn cội trong tâm thức của mỗi người con dân tộc Việt. Nhu yếu ấy có mặt trong từng tế bào của chúng ta. 

Cha ông ta đã cẩn trọng ghi lại để truyền cho con cháu mình đời sau có thể đọc, có thể hiểu được thời đại mà tổ tiên chúng ta đã có mặt, đã sống… (Ảnh minh họa: Internet)

Tuệ giác của đạo Phật thường đề cập đến hai lĩnh vực đó là bất nhị và tương tức. Mỗi con người sinh ra và lớn lên, mắt thấy một đóa hoa khoe sắc, một tán cây rợp xanh, mình hiểu rằng hoa ấy, cây ấy có gốc rễ. Nhìn một ngọn sóng, mình hiểu rằng nó cũng là một phần của biển cả. Điều này cũng như chúng ta là sự tiếp nối của tổ tiên, chúng ta cũng là một phần của dòng chảy cội nguồn.

Thời xưa, dưới triều Lý, có một vị tăng thống là Khánh Hỷ từng nói: “Càn khôn gom lại đầu sợi tóc, Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mòng”. Tuệ giác kinh Hoa Nghiêm cũng chỉ rõ: “Nhất thiết tức nhất”, nghĩa là cả vũ trụ đều có thể tìm thấy từ trong thể tính của một hạt cải, cái một có chứa đựng tất cả. 

Dễ hiểu và dễ thấy là từ câu chuyện về sinh sản vô tính chú cừu Dolly mà truyền thông đưa tin ngày nào. Từ một tế bào của con cừu, người ta có thể tạo ra một chú cừu khác giống hệt như vậy về di truyền học. Như vậy hiển nhiên, trong tế bào ấy phải có chứa tất cả các đặc tính toàn diện của một con cừu. Điều này cũng không ngoại lệ với loài người chúng ta ngày nay. Khoa học cũng đã chứng minh được điều đó với các thí nghiệm nhân bản vô tính… Có nghĩa chúng ta hôm nay là một sự tiếp nối trọn vẹn và đủ đầy của tiền nhân, của dòng giống cha ông mình ngàn đời nay. Chúng ta không thể chối cãi, không thể tách rời với nguồn cội của mình. 

Chúng ta tiếp nối và kế thừa trọn vẹn di sản mà tiền nhân trao truyền, từ di truyền học. Nhưng cố nhiên, nếu chúng ta không được dạy, không được học và hiểu về nguồn cội, như những con thuyền không dây neo, chúng ta rất dễ bị “lạc trôi” giữa biển đời. Lịch sử, đặc biệt là cổ sử của dân tộc Việt như một câu chuyện cổ tích dài kỳ. Cổ tích, chính là những tích cổ được kể lại. Dân tộc Việt chúng ta có “huyền sử”, tức là cái lõi lịch sử ẩn bên trong những lớp vỏ huyền thoại. Điều này được thể hiện trong việc cha ông ta đã “thiêng hóa” những câu chuyện, sự kiện và con người để bảo lưu lịch sử và nguồn cội dân tộc. Cha rồng mẹ tiên và bào thai trăm trứng chính là câu chuyện ngụ ý cho sự kết hợp các dòng tộc và sinh thành Bách Việt. Tản Viên Sơn Thánh, vị linh thần đứng đầu bách thần và tứ bất tử trong tín ngưỡng của người Việt lại chính là biểu tượng cho công cuộc trị thủy, cho sự thấu hiểu lẽ âm dương với cây gậy có đầu sinh đầu tử Lạc Đồ và Hà Thư - cuốn sách ước hiện vẫn còn lưu dấu ở đình Cả Cao Bang, thị xã Phú Thọ. Họ không phải là những vị thần vốn dĩ có thể hô mưa gọi gió. Họ đơn giản là những con người thực, có công, có đức mà khi khuất bóng được con cháu kính ngưỡng tôn thờ. 

“Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh…”

Nguồn gốc của hội Đạp thanh gắn liền ngày Tết Thượng tị. Ngày "tam nguyệt tam", mùng 3 tháng 3 là ngày dân tộc Choang giỗ Long Mẫu, tức mẫu thần long Động Đình. Theo Hùng Vương thánh tổ ngọc phả, Kinh Dương Vương hóa sinh về biển Động Đình cùng với con gái của Đế Quân. Cội nguồn của người dân tộc Choang là Long Mẫu, nên họ thờ Long Mẫu là Tổ Mẫu của dân tộc và việc thờ, cúng giỗ đã nâng lên thành quốc giỗ. Cội nguồn của họ là Hùng Vương, là Lạc Việt, nên họ đã thờ Vua Hùng là Lạc Việt Vương trong ngôi Tổ miếu của dân tộc họ. Đó là dân tộc Choang với hơn 50 triệu người đang sinh sống ở Quảng Tây và cho tới nay, họ vẫn tổ chức Tết Thượng tị hàng năm. 

Tháng 3 cũng được cho là tháng có Hoàng Đế Hiên Viên ra đời. Người xưa đã chọn ngày này để bái tổ tiên, tạo ra Tết Thượng tị. Người Trung Hoa xưa cũng ăn Tết Thượng tị và người Việt cũng vậy. Tết Thượng tị ngày này không còn phổ biến rộng rãi, chỉ diễn ra ở một số khu vực dân tộc thiểu số. 

Người Việt không còn nhiều người biết đến ngày Tết Thượng tị này và cố nhiên càng nhiều người không biết Hiên Viên Hoàng Đế là ai. Nhưng rất thú vị là chúng ta vẫn nhớ tiết thanh minh và tục tảo mộ. Thú vị nữa là có rất nhiều nghề đã khởi dựng thêm những ngôi đình thờ tổ nghề. Và ngôi đình trên phố cổ như Đình Kim Ngân thì rất nổi tiếng, người dân Thủ đô hay ai yêu Hà Nội cũng đều biết. Đây là ngôi đình thờ Thủy tổ khai sáng bách nghệ Hiên Viên Công hoàng đế (vị tổ bách nghệ, còn gọi dân giã là tổ nghề), Hiên Viên, tộc trưởng tộc Hữu Hùng Thị, vua Hùng đầu tiên khai sáng Bách Việt. 

Chính bởi vậy nên trong tiết Thanh Minh, ngàn đời nay dù quên gì thì người ta vẫn nhớ một điều cốt yếu. Đó là ngày để tưởng nhớ tổ tiên. Đó là một ngày lễ và hội của cả dân tộc Bách Việt xưa nói chung và dân tộc Việt của chúng ta hôm nay nói riêng. Người Việt, dù đi đâu cũng vậy, họ luôn nhắc nhau câu “ly hương bất ly tổ” và “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Chính vì thế, họ không bao giờ quên câu chuyện con cháu Tiên Rồng, câu chuyện trăm trứng từ cùng một bọc, anh em một nhà. Người Việt cũng không bao giờ quên những cái tết để trở về thắp một nén hương thơm lên tiên tổ...  

Rồi chúng ta cùng nhau thăm mộ tổ tiên, dọn cỏ cho gọn và thắp lên một nén hương lòng… (Ảnh minh họa: Internet)

Chỉ có ngoái nhìn lại bằng lòng biết ơn và sự thấu hiểu, người ta mới có thể đi tới bằng niềm tin tưởng, bằng nhiệt huyết và tình yêu, một cách trọn vẹn. Mỗi người, với cái hiểu, cái thương tưởng kính ngưỡng về nguồn cội, họ sẽ càng làm cho sự biểu hiện của mình trở nên có phẩm chất. Thiền sư Nhất Hạnh từng nói: “Thờ cúng tổ tiên là mình thực tập để có truyền thông với tổ tiên mỗi ngày...”. 

Và cũng như thế, những ngày tết như Tết Thanh minh, khi những búp đa trổ lá, khi trời đất trong veo và thênh thang, nếu không phải là lật lại từng trang sử cũ, không phải dở từng trang thần phả, không phải tìm lại từng ngôi miếu, ngôi đền, ta có thể đi thăm ông bà cha mẹ, đây chính là nguồn cội gần nhất của mình. Rồi chúng ta cùng nhau thăm mộ tổ tiên, dọn cỏ cho gọn và thắp lên một nén hương lòng…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top