Aa

Tiêu thụ giảm, DN thép thêm sức ép từ giá nguyên liệu trở lại mức kỷ lục

Thứ Bảy, 15/08/2020 - 13:00

Giá quặng sắt, thép phế liệu và cuộn cán nóng bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 5. Giá quặng sắt đã tăng lên mức giá cao kỷ lục thiết lập vào tháng 7/2019 trước sự cố vỡ đập ở mỏ Vale.

Sản lượng bán hàng thép trong nước 7 tháng đầu năm ghi nhận mức giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Giá quặng sắt và cuộn cán nóng tăng mạnh trở lại

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sau nhiều tháng giá nguyên liệu sản xuất thép giảm sâu thì trong tháng 5, 6 và 7 đã tăng trở lại. Đặc biệt, giá quặng sắt ngày 8/8 giao dịch ở mức 115 - 118 USD/tấn, tăng 9 - 12 USD/tấn so với đầu tháng 7 và tăng 30 USD so với đầu tháng 5. Đồng thời, giá nguyên liệu này cũng đã đạt mức tương đương với giá cao kỷ lục ghi nhận vào tháng 7/2019 do sự cố vỡ đập ở mỏ Vale (Brazil).

Giá thép phế liệu cũng tăng từ 251 USD/tấn thời điểm tháng 5 lên 280 USD/tấn đầu tháng 8. Giá cuộn cán nóng (HRC) CFR cảng Đông Á tăng mạnh trong 2 tháng gần đây lần lượt lên 450 USD/tấn và 490 USD/tấn, đang tiến sát mức trên 500 USD/tấn cùng kỳ năm trước. Giá HRC CFR cảng Đông Á từng ghi nhận mức cao nhất khoảng 620 USD/tấn vào hồi đầu tháng 3/2018.

Bắt đầu tư tháng 5, giá HRC tại Trung Quốc cũng đã tăng liên tục từ mức 3.460 nhân dân tệ (RMB) mỗi tấn lên 4.072 nhân dân tệ tính đến 13/8.

Nguồn: VSA, tổng hợp
Nguồn: VSA, tổng hợp

Theo Wall Street Journal, giá quặng sắt tăng cao do sự hồi phục kinh thế Trung Quốc sau khi Bắc Kinh triển khai loạt biện pháp kích thích kinh tế, tập trung vào dự án hạ tầng và xây dựng.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy quốc gia này đã nhập khẩu 112,65 triệu tấn quặng sắt trong tháng 7, tăng 10,8% so với tháng 6 và 24% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, Trung Quốc nhập 659,6 triệu tấn quặng sắt, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến giá nguyên liệu sản xuất tăng cao gây sức ép lên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trong bối cảnh đà phục hồi còn nhiều thách thức do dịch Covid-19 tái bùng phát.

Theo báo cáo VSA, mặc dù giá nguyên vật liệu sản xuất thép biến động theo chiều hướng tăng nhưng giá bán thép trong nước bình quân tháng 7 khoảng 10.900 - 11.000 đồng/kg tùy chủng loại và tùy doanh nghiệp, giảm so với các tháng trước. Sự cạnh tranh giữa các nhà máy để giữ hay phát triển thêm thị phần vẫn gay gắt, đặc biệt là khu vực phía Nam, trong cả lĩnh vực công trình và dân dụng.

Nguồn: VSA
Nguồn: VSA

Quặng sắt là nguyên liệu chính để sản xuất thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Với diễn biến giá quặng sắt tăng cao nhưng giá thép xây dựng không tăng mà còn giảm có thể khiến biên lợi nhuận của tập đoàn đi xuống. Năm 2019, sau sự cố vỡ đập ở mỏ Vale (Brazil) diễn ra vào tháng 1, giá quặng sắt liên tục tăng cao và đạt đỉnh vào đầu tháng 7, điều này đã khiến biên lợi nhuận thuần lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thép của Hòa Phát giảm mạnh xuống lần lượt 9,1% và 6,86%. Đến quý I và II năm nay, biên lợi nhuận thuần mảng thép Hòa Phát tăng trở lại khi giá nguyên vật liệu giảm.

* Hòa Phát tính theo biên lợi nhuận thuần riêng mảng thép/ ** Hoa Sen niên độ tài chính 30/9-1/10. Đơn vị: %
* Hòa Phát tính theo biên lợi nhuận thuần riêng mảng thép/ ** Hoa Sen niên độ tài chính 30/9 - 1/10. Đơn vị: %

Với Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), quy trình sản xuất bắt đầu tư nguyên liệu chính là thép cán nóng (HRC), tạo ra thép cán nguội và đến sản phẩm cuối cùng tôn. Do vậy, giá HRC tăng trong 2 tháng gần đây có thể khiến biên lợi nhuận bị ảnh hưởng. Nửa đầu năm 2019 khi giá HRC neo ở mức cao trên 500 USD/tấn đã khiến biên lợi nhuận gộp của tập đoàn chỉ đạt mức 11,3% và 13,4%. Sang nửa đầu năm nay, giá HRC giảm dần có lúc xuống 400 USD/tấn đẩy biên lãi gộp HSG tăng lên 17,3% và 14,7%.

Tiêu thụ thép nửa đầu năm giảm, bước vào mùa mưa

Theo VSA, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 7 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng âm. Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt 13,7 triệu tấn, giảm 6,9% so với cùng kỳ 2019; bán hàng đạt 12,37 tấn, giảm 9,6% và xuất khẩu đạt 2,2 tấn, giảm 19,3%.

Báo cáo của VSA nhận định thị trường thép toàn cầu hy vọng khả quan hơn vào quý III nhưng sự tái bùng phát dịch Covid-19 lần 2 cho thấy những thách thức. Thị trường xuất khẩu khá khó khăn do các quốc gia đang trong giai đoạn đóng cửa, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra và nhiều nguyên liệu cạnh tranh.

Tại Việt Nam tình hình tiêu thụ thép có khởi sắc giai đoạn sau giãn cách vào tháng 4 nhưng tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 lần 2 diễn biến phức tạp và tiêu thụ chậm lại do bước vào mùa mưa. Song, điểm sáng là Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công giúp tăng cầu.

Báo cáo kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp thép đều cho thấy sự sụt giảm trong doanh thu, ngoại trừ Hòa Phát. Cụ thể, Hòa Phát ghi nhận doanh thu thép bán ra ngoài đạt 32.943 tỷ đồng, tăng 38%.

Trong khi tổng sản lượng bán hàng các đơn vị thành viên VSA giảm thì sản lượng thép xây dựng Hòa Phát vẫn tăng 14,5% trong 7 tháng đầu năm đạt 1,81 triệu tấn. Trong đó, sản lượng thép thành phẩm xuất khẩu cũng tăng 73,3% đạt 256.500 tấn, ghi nhận mức tương đương khối lượng xuất khẩu cả năm 2019. Cùng với đó, Hòa Phát cũng cung ứng ra thị trường 1 triệu tấn phôi thép trong 7 tháng đầu năm.

Ngược lại, các doanh nghiệp thép khác như Hoa Sen, Nam Kim, SMC, Pomina đều giảm doanh thu từ 11% đến 13%, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 42% doanh thu là Đại Thiên Lộc.

Xét về lợi nhuận, Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim là các đơn vị tăng trưởng lợi nhuận. Ngược lại, Pomina lỗ đậm 144 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cao hơn mức lỗ 132 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Hòa Phát ngoài mảng kinh doanh thép khởi sắc thì mảng nông nghiệp đột biến cũng đóp góp đáng kể giúp lợi nhuận tăng trưởng. Mảng nông nghiệp đem về cho Hòa Phát 841 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cùng kỳ năm trước chỉ 109 tỷ đồng.

Tập đoàn Hoa Sen dù doanh thu giảm nhưng giá vốn giảm sâu hơn, biên lãi gộp cải thiện đáng kể cùng chi phí tài chính giảm đã giúp lãi ròng đạt 520 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 140%.

Xét riêng quý II, lợi nhuận Tôn Nam Kim giảm sâu do cùng kỳ năm trước có khoản lợi nhuận khác 180 tỷ đồng từ hoạt động chuyển nhượng. Dù vậy, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tăng 73% đạt 59 tỷ đồng do quý I năm trước lỗ ròng 102 tỷ đồng (quý IV/2018 và quý I/2019 là thời kỳ hoạt động kinh doanh của Nam Kim xuống đáy, xuất hiện các khoản lỗ hơn trăm tỷ đồng).

Với Pomina doanh thu giảm cùng chi phí tài chính ở mức cao trên 200 tỷ đồng trong nửa đầu năm, cao hơn lợi nhuận gộp đã dẫn đến khoản lỗ ròng 144 tỷ đồng.

Công ty cho biết do đang triển khai dự án lò cao, dự kiến tháng 10 mới bắt đầu đi vào hoạt động nên chi phí lãi vay tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu công ty giảm do tiêu thụ chung của ngành giảm.

Đơn vị: tỷ đồng
Đơn vị: tỷ đồng


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top