Aa

Tìm công bằng trong sự khác biệt!

Thứ Ba, 27/11/2018 - 06:01

Đã khác biệt thì thật khó công bằng, mà muốn công bằng thì lại khó chấp nhận sự khác biệt, ấy là lẽ thường. Thế nhưng cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ, nhiều người lại muốn có công bằng trong sự khác biệt, rồi cùng trong sự khác biệt lại muốn có công bằng. Vậy nên làm như thế nào?

Hiện trên công luận đang nóng lên bởi một cụm từ “Nghị định 20” về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ tháng 5/2017. Nhiều doanh nghiệp lớn có, nhỏ có đã khẩn cấp kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại mức khống chế “trần lãi vay” được khấu trừ khi tính thuế thu nhập không vượt 20%, và cho rằng đây là yếu tố tác động xấu đến sự phát triển của nhiều doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung.

Vậy sự công bằng ở đây là cái gì?

Theo các chuyên gia, mục tiêu của Nghị định 20 thực chất nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ, quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp. Một trong những cách thức các doanh nghiệp này chuyển giá là thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh từ công ty mẹ sang công ty con để chuyển tiền lãi về nước.

Đấy là mong muốn cho một sự công bằng.

Mà chuyển giá thì mọi người biết rồi, đấy là sự không công bằng trong cùng một môi trường kinh doanh tại một quốc gia. Anh “ăn” đẫm, sau đó anh dùng lợi thế địa lý và quốc thể để cạnh tranh với tôi, vậy là không công bằng. Chính vì thế, một hành lang pháp lý ra đời để điều chỉnh sự không công bằng ấy, đó là “Nghị định 20”.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Thế nhưng, theo các chuyên gia phân tích, điều này lại tạo ra một sự không công bằng khác đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. “Em không hề ăn đẫm, em cũng không có lợi thế về địa lý, tại sao các bác lại tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ trong các doanh nghiệp có mô hình công ty mẹ - công ty con của chúng em? Tiếp nữa, các bác lại còn bắt chúng em thuế trùng thuế”.

Đấy, tiếng kêu ai oán này khiến nhiều nhà hoạch định chính sách không thể bỏ qua. Bởi lẽ, luật pháp Việt Nam không cho phép có cụm từ “thuế trùng thuế”.

Quả thật như vậy, theo các chuyên gia, điều này đã làm hạn chế cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do đánh thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh: bên cho vay phải nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay phải nộp thuế TNDN đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó TGĐ Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam nhận xét rằng, quy định này đặc biệt ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bất động sản khi cần nguồn vốn rất lớn và hoạt động kinh doanh theo chu kỳ dài, gồm giai đoạn đầu tư, giai đoạn phát triển sản phẩm, giai đoạn bán hàng. Việc khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, không phản ánh đúng chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.

Xin nêu thêm vài dẫn chứng xung quanh vấn đề này đã được một số cơ quan truyền thông chia sẻ mới đây.

Lilama và các công ty có quan hệ liên kết đều hoạt động ở Việt Nam, cùng chịu một mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Lilama khẳng định: "Chi phí lãi vay của tổng công ty phát sinh thực tế từ việc vay vốn tại các tổ chức tín dụng, theo giá thị trường có hồ sơ, chứng từ hợp lệ. Do vậy, quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay được trừ bao gồm cả giao dịch liên kết và giao dịch độc lập là chưa phù hợp với bản chất, mục đích của việc quản lý thuế đối với giao dịch liên kết”.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết gặp rất nhiều vướng mắc, thậm chí thiệt hại khi áp dụng Nghị định 20. Cụ thể, Tập đoàn này hoạt động theo mô hình mẹ - con, trong đó các giao dịch liên kết chính và lớn liên quan đến hoạt động kinh doanh mua bán điện và giao dịch "cho vay lại".

Trong giai đoạn sắp tới, nhu cầu về điện tăng cao khiến việc đầu tư dự án điện mới của EVN rất lớn. Tuy nhiên, vốn tự có của doanh nghiệp không đủ đáp ứng được nhu cầu đầu tư nên EVN và các thành viên vẫn phải huy động nguồn vốn vay trong và ngoài nước, đặc biệt trong giai đoạn 2017 - 2025.

EVN khẳng định: "Nếu tính theo Nghị định 20, tình hình tài chính của EVN và các tổng công ty phát điện là rất lớn, gây khó khăn trong cân đối vốn đầu tư của EVN khi thực hiện các dự án điện thuộc Quy hoạch điện của Chính phủ. Thí dụ, chỉ tính riêng EVN Genco 1 phải nộp thêm 339 tỷ đồng, EVN Genco 3 phải nộp thêm 216 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp".

Thế đấy, chỉ nêu một vài ví dụ và phân tích nho nhỏ cũng có thể thấy hai dòng tiền trong cùng mô hình doanh nghiệp mẹ - con nêu trên có những sự khác biệt, một bên là dòng tiền chịu sự ảnh hưởng của hai chế độ thuế suất của hai quốc gia khác nhau và dòng kia vẫn luôn cùng trong chế độ thuế suất của một quốc gia.

Thiết nghĩ, nếu đã có sự khác biệt ấy thì việc quản lý Nhà nước cũng cần có những quy định khác biệt mới là sự công bằng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top