Aa

Tìm giải pháp xử lý "cục máu đông" nợ xấu

Thứ Bảy, 27/05/2017 - 06:30

Đa số Đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại.

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ở bất cứ quốc gia nào, khi có hoạt động tín dụng thì phát sinh nợ xấu là không tránh khỏi. Theo thông lệ, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ cho vay và đầu tư của nền kinh tế là bình thường. Do đó, trước đây, Quốc hội cũng ban hành nghị quyết yêu cầu đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tín dụng của Việt Nam về dưới 3% vào cuối năm 2015.

Thực tế, phần nợ xấu nội bảng của Việt Nam cũng đã dưới 3%, nhưng phần ngoại bảng lại chủ yếu đang treo ở VAMC, cộng với một phần nợ “tiềm ẩn là nợ xấu”, thì con số nợ xấu đã lên tới 10,08% trên tổng dư nợ. “Đây là chuyện không bình thường và cần thiết để Quốc hội phải ra một nghị quyết.”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cụ thể, số liệu thống kê cho thấy, đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế; nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có cơ chế xử lý nợ xấu gắn với xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra quan điểm là cần thiết phải ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu, bởi không thể để “cục máu đông” này kéo dài, ảnh hưởng tới phát triển nền kinh tế. Đa số Đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp tổ (Ảnh: Quang Khánh)

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp tổ (Ảnh: Quang Khánh)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, nợ xấu đang là “điểm nghẽn”, “nóng” cần tập trung xử lý để hỗ trợ phát triển kinh tế. Để giải quyết nợ xấu cần có sự hợp lực của Chính phủ, Quốc hội và cơ chế pháp lý đủ mạnh nhằm xử lý vì nếu nợ xấu tiếp tục tồn tại sẽ đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia, còn nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền. Đại biểu Ngân nhấn mạnh, nếu xử lý tốt nợ xấu thì sẽ giải quyết nhiều mục tiêu như giảm chi phí hoạt động kinh doanh tiền tệ, lãi vay khoảng 1%.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh nợ xấu, dự thảo Nghị quyết quy định, sẽ xử lý toàn bộ nợ xấu hiện tại và nợ xấu phát sinh trong thời hạn hiệu lực của Nghị quyết (tức là nợ xấu phát sinh đến năm 2022), các Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về thời hạn xử lý nợ xấu. Theo đó, chỉ xử lý nợ xấu đến ngày 31/12/2016. ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, nếu mở rộng phạm vi, kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu đến năm 2022 tức là làm lỏng lẻo trách nhiệm xử lý nợ xấu của các tổ chức, cá nhân. Những khoản nợ xấu phát sinh sau 31/12/2016 phải do các TCTD, chi nhánh tín dụng nước ngoài tự xử lý.

Đáng lưu ý, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình cao với quan điểm: Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; và việc xử lý nợ xấu phải công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Cho rằng việc quan trọng nhất của nghị quyết là nhận dạng nợ xấu thế nào, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: “Hồn cốt của nghị quyết này là xử lý cái nào khó khăn nhất hiện nay, chính là vấn đề xử lý đối với tài sản, dù là tài sản đảm bảo nhưng không xử lý được dẫn tới nợ xấu”.

Ông Hiển chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất, đối với loại tài sản tự nguyện đi thế chấp tại ngân hàng để vay vốn, không có tranh chấp thì ngân hàng được phép thu giữ để phát mại, bán. Nhóm thứ hai là tài sản có tranh chấp, cá nhân có biểu hiện chống đối thì phải xử lý bằng biện pháp khác như khởi kiện ra tòa, nhưng cho phép sử dụng biện pháp rút gọn. Nhóm thứ ba là các vụ án dứt khoát phải ra tòa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh cần phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra nợ xấu do không chấp hành quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hàng bỏ quan điểm đồng ý viện bán nợ xấu và tài sản đảm bảo là phải theo cơ chế thị trường và đấu giá công khai minh bạch, không được tự định giá. Trừ trường hợp đấu giá không ai mua thì mới tiến hành định giá và cũng phải cần một tổ chức thẩm định giá độc lập. Đã chấp nhận theo nguyên tắc thị trường thì cũng cần phải chấp nhận có thể cao hơn, hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ.

“Thêm một điểm mới tích cực là tại dự thảo nghị quyết lần này đã bổ sung quy định cho phép được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân, pháp nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ. Đây mới đúng là quy luật thị trường”, Chủ tịch Quốc hội nói.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top