Aa

Tìm lại ký ức làng ven đô

Thứ Ba, 28/01/2020 - 06:00

Theo dòng chảy của thời gian, nếp nhà xưa đến nay đã có nhiều biến chuyển, đổi thay. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, phần cứng kiến trúc và phần mềm cuộc sống cũng có một mối liên hệ mật thiết luôn được đề cao.

Từ xưa đến nay, ngôi nhà không đơn thuần chỉ để ở mà còn phản chiếu nếp nghĩ, cách sống của con người. Theo dòng chảy của thời gian, nếp nhà xưa đến nay đã có nhiều biến chuyển, đổi thay. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, phần cứng kiến trúc và phần mềm cuộc sống cũng có một mối liên hệ mật thiết luôn được đề cao, gắn liền với bản sắc văn hóa người Việt.

Một triết gia đã từng nói: Một đất nước chỉ không bao giờ mất đi khi nền văn hóa của nó vẫn còn tồn tại. Chính vì thế, hơi thở truyền thống trong kiến trúc được xem như chìa khóa quan trọng để tạo nên những không gian đương đại nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa, hòa nhập mà không hòa tan.

Đặt trong bối cảnh quá trình đô thị hóa đang phá vỡ dần những không gian truyền thống, đặc biệt là các kiến trúc làng quê, Công trình nhà ở Bắc Hồng - Giải Vàng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2018 - 2019 là một “dấu gạch nối” thành công giữa truyền thống và hiện đại của nhóm kiến trúc sư trẻ - Lê Cao Anh và Phạm Quốc Đạt - đến từ Lab Concept.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với KTS. Lê Cao Anh.

LÀNG CỔ GIỮA BỐI CẢNH ĐÔ THỊ HÓA

PV: Thưa kiến trúc sư, nguồn cảm hứng nào đã giúp nhóm hình thành nên ý tưởng công trình nhà ở Bắc Hồng?

KTS. Lê Cao Anh

KTS. Lê Cao Anh: Công trình nhà ở Bắc Hồng được xây dựng tại thôn Bến Trung, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đó là một ngôi làng cổ ven đô đang phát triển với hệ thống khoảng 20 - 30 căn nhà cổ có lịch sử vài trăm năm. Cách sinh hoạt của con người nơi đây cũng vẫn còn rất “làng quê”, dân giã và thân thương khi ra vào là lời chào, câu hỏi.

Tuy nhiên, theo dòng chảy của đời sống xã hội, quá trình đô thị hóa đang dần xâm lấn, phá vỡ kết cấu cũng như làm mờ đi những nét truyền thống của Bắc Hồng từ cách sinh hoạt, thẩm mỹ đến môi trường.

Có thể nói rằng hiện nay, gần như toàn bộ những ngôi làng cổ ven đô xưa đã không còn nguyên vẹn. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Giáp Nhất với ký ức về những mảnh vườn rộng giúp thoát nước tự nhiên, mật độ cây xanh lớn đem lại nguồn không khí trong lành cho người dân. Rồi quá trình đô thị hóa đã biến Giáp Nhất trở thành khu vực phố Quan Nhân như hiện tại với kết cấu “nửa làng, nửa phố” có phần ngột ngạt. Đường đi vẫn là kiểu đường làng nhỏ và không thể mở rộng hơn được nữa. Trong khi đó, nhà cửa mọc lên san sát nhau như nhà lô ngoài phố; hệ thống cấp thoát nước cũng kém đi nhiều. Những công trình cổ như đình làng, đền chùa hay nhà thờ họ đều mai một dần.

Sau quá trình khảo sát và nghiên cứu, chúng tôi nhận ra rằng Bắc Hồng tương lai hoàn toàn có thể biến thành một “Giáp Nhất thứ hai”. Đặc biệt gần đây, với thông tin Đông Anh sắp lên quận thì việc “Giáp Nhất hóa” là điều có thể dự báo trước.

Tại thời điểm đó, chúng tôi đau đáu về vấn đề này và mong muốn công trình nhà ở Bắc Hồng sẽ là giải pháp cho vấn đề đô thị hóa làng cổ ven đô. Tôi không dám nói đó là nguồn cảm hứng, mà chính xác hơn, đó là trách nhiệm. Chúng tôi mong muốn mỗi công trình kiến trúc được thiết kế ra sẽ có giá trị tự thân, có thể giải quyết được một “bài toán” xã hội nào đó. Và giờ đây thì trách nhiệm này đã trở thành con đường mà Lab Concept chọn lựa.

PV: Để thuyết phục chủ đầu tư thực hiện công trình theo ý tưởng của mình, các anh có gặp phải khó khăn nào không?

KTS. Lê Cao Anh: Ban đầu, để thuyết phục chủ đầu tư cũng có đôi chút khó khăn. Tuy nhiên, mọi thứ đều sớm được giải quyết, bởi chúng tôi đã cùng nhau lựa chọn phương án phù hợp nhất cho công trình.

Chủ đầu tư nhà ở Bắc Hồng mong muốn xây dựng một tổ hợp công trình với chức năng là nhà thờ họ, nhà ở cho ông bà và là nhà nghỉ cuối tuần mỗi dịp con cháu về thăm bố mẹ, ông bà. Ban đầu, anh ấy muốn thực hiện theo mô hình những ngôi nhà nghỉ dưỡng được làm từ gỗ và đá như trên thảo nguyên ở các nước phương Tây.

Sau khi nhìn nhận một cách tổng thể cả về quy hoạch và kiến trúc, chúng tôi lên phương án và bảo vệ ý tưởng của công trình nhà ở Bắc Hồng trước chủ đầu tư. Khi nghe về những giá trị mà ngôi nhà sẽ tạo ra cho Bắc Hồng và cộng đồng cư dân tại đây, chủ đầu tư đã lập tức đồng ý. Đồng ý bởi đây là việc có thể giúp ngôi làng nơi “chôn rau cắt rốn” của anh ấy trở nên tốt đẹp hơn.

Sau này, chủ đầu tư của công trình Bắc Hồng đã nhận được bằng khen “Chủ đầu tư thông minh nhất” từ Hội Kiến trúc sư Việt Nam và treo một bản bằng đồng trước cửa nhà. Hoàn toàn không phải để khoe khoang, anh ấy mong muốn mô hình này sẽ được lan rộng trong xóm làng, bà con sẽ có niềm tin vào việc kế thừa, duy trì nếp nhà truyền thống lâu đời nhưng vẫn không kém phần tiện nghi.

PV: Công trình nhà ở Bắc Hồng gây ấn tượng đặc biệt với góc nhìn từ trên cao, bởi cách bố trí các khối nhà, lớp mái ngói “xô lệch” cùng khoảng sân lớn hình bầu dục ở giữa. Kiến trúc sư có thể nói rõ hơn về cấu trúc này không?

KTS. Lê Cao Anh: Cấu trúc này hình thành bắt nguồn từ 2 vấn đề: Làng cổ ven đô và nhu cầu sử dụng của chủ đầu tư.

Làng cổ ven đô ở đồng bằng Bắc Bộ gắn liền với hình ảnh những ngôi nhà sở hữu tỷ lệ khối nhỏ nhắn, cổ kính với nhiều khoảng thở xanh, đem lại cảm giác ấm áp, gần gũi và thân thương.

Ngược lại, chủ đầu tư lại mong muốn xây dựng một công trình với khối tích rất lớn, chiếm đến 75% diện tích đất đang có. Hợp khối lại theo bố cục mặt bằng tập trung sẽ rất đồ sộ.

Vì thế giải pháp duy nhất của chúng tôi là sử dụng kiến trúc, chia cắt những khối lớn ra thành 8 phần nhỏ đặt cạnh nhau để công trình trở nên “hiền hòa” hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi sử dụng một vòng tròn êlip để “kết nối giao thông” giữa các khối nhà, giúp việc đi lại trong khuôn viên không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.

Đặc biệt, không gian riêng dành cho ông bà được nối hoàn toàn ở bên trong để hạn chế việc mưa nắng thất thường có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lớn tuổi. Các khối này có sự giao nhau từ không gian của ông bà sang phòng tắm, bếp ăn và cả phòng của hai người cháu nữa.

XANH HÓA CẢ MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC THẾ HỆ

PV: Kiến trúc xanh gần đây được nhắc đến rất nhiều và gần như trở thành một xu hướng mà nhiều người theo đuổi. Liệu anh có đan xen yếu tố xanh vào kiến trúc nhà ở truyền thống Bắc Hồng để công trình trở nên hoàn hảo hơn?

KTS. Lê Cao Anh: “Xanh” là một xu hướng tất yếu của tương lai. Khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, nếu không biết giữ gìn môi trường sống tự nhiên thì con người sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên. Chính bởi vậy mà từ xưa đến nay, bất kỳ một công trình kiến trúc tốt nào cũng cần đảm bảo được sự gắn kết giữa 3 yếu tố: kiến trúc - con người - thiên nhiên.

Ở công trình Bắc Hồng, yếu tố xanh đến chủ yếu từ trong cuộc sống, trong truyền thống văn hóa. Chỉ một phần nhỏ là từ những công nghệ cũ mà chúng tôi đã sử dụng.

Thứ nhất là về vi khí hậu. Ở Bắc Hồng, chúng tôi sử dụng hệ mái ngói vảy cá, dày chừng gần 30cm giúp cản nắng hoàn toàn. Nhiều lớp ngói chồng lên nhau sẽ tạo nên độ “xốp” và thông thoáng với rất nhiều lớp không khí lưu thông để ngôi nhà được mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Ngói của công trình này là loại mà các cụ ngày xưa vẫn thường sử dụng, được làm thủ công không tráng men, vì thế sẽ nhanh chóng chuyển màu rêu phong, tạo nên những mảng xanh mát mắt, tăng thêm một chút yếu tố “cây” cho tổng thể ngôi nhà.

Bên cạnh đó là hệ tường gạch dày để giúp cách nhiệt. Vì cấu trúc nhà được chia cắt ra nên chúng tôi sắp xếp để đưa những khoảng sân và cây xanh vào giữa các khối nhà, tạo nên những “khoảng thở” thông gió, tăng được lượng chiếu sáng tự nhiên và làm đẹp thêm cho không gian bên trong.

Yếu tố thứ hai khá dễ nhận biết là xanh trong truyền thống văn hóa, với nếp nhà 3 gian được bố cục lại; khung cửa và sàn làm bằng gỗ mang nét mộc mạc, gần gũi với nông thôn. Ngoài ra, công trình Bắc Hồng sử dụng gạch nung cũng là một yếu tố xanh về mặt văn hóa. Bởi thực chất, gạch nung không hẳn thân thiện với môi trường. Nhưng nếu về Bắc Hồng, bạn sẽ thấy tất cả đường làng đều đỏ au một màu vì được lát bằng gạch trần, không trát. Nhóm thiết kế không muốn phá vỡ cảnh quan chung đó, vì thế chúng tôi vẫn lựa chọn gạch nung đỏ.

Đặc biệt, khi thiết kế không gian sinh hoạt của các thành viên, chúng tôi cũng mong muốn làm xanh hóa cả mối quan hệ giữa các thế hệ trong gia đình. Ngôi nhà là nơi diễn ra những hoạt động của dòng họ, là nơi đoàn tụ của một gia đình ba thế hệ mỗi dịp cuối tuần.

Vì thế, như đã nói, chúng tôi sắp xếp không gian của ông bà gắn liền với không gian của hai cháu nhỏ. Niềm vui của ông bà là các cháu, người lớn tuổi rất cần nụ cười con trẻ. Nếu bọn trẻ sống cách ông bà qua một cái sân rộng như ở Bắc Hồng thì chắc hẳn sẽ có sự ngăn cách. Bằng cách này, chúng tôi đã có thể xử lý bài toán xã hội thông qua kiến trúc.

THUẬN THEO TỰ NHIÊN CHÍNH LÀ GÌN GIỮ TRUYỀN THỐNG

PV: Có ý kiến cho rằng, kiến trúc truyền thống Việt Nam có thể xem như là một hình mẫu của kiến trúc xanh bởi những kinh nghiệm của ông cha ta trong chọn hướng xây nhà, cách tổ chức không gian đến lựa chọn vật liệu, nội thất, bố trí ao hồ, cây xanh… Kiến trúc sư đánh giá như thế nào về quan điểm này?

KTS. Lê Cao Anh: Tôi nghĩ điều này hoàn toàn đúng. Hiện tại, công nghệ phát triển, chúng ta có những thiết bị hiện đại hơn thời xưa rất nhiều. Nhưng cách đây hàng trăm năm, ông bà của chúng ta không có những bóng điện, điều hòa, cửa kính... ấy. Vì thế, để tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho mình ở thời đó, các cụ phải chọn hướng gió tốt để ngôi nhà mát mẻ hơn, lợp lớp ngói dày để cản nắng từ bên trên xuống… Những vật liệu như tre, gỗ, nứa được ông cha tận dụng cũng là chất liệu thân thiện với môi trường, có thể phân hủy tốt sau quá trình sử dụng.

Ngoài ra, tôi muốn nhắc đến một yếu tố xanh khác mà kiến trúc truyền thống của chúng ta đã làm được và cũng không kém phần quan trọng, đó là xanh trong văn hóa, trong mối quan hệ xã hội. Thử tượng tượng xem, nếu sống trong những môi trường mà mọi người không có sự gắn kết với nhau, các ngôi nhà đều là những không gian đóng kín thì sẽ bức bí và nguy hiểm đến mức nào.

Suy cho cùng, ngày xưa cha ông ta dùng toàn bộ những gì đang có để tạo ra môi trường sống tốt cho con người. Rất đơn giản thôi, nhưng như vậy là bản thân kiến trúc truyền thống đã ứng xử với môi trường để trở nên xanh rồi.

PV: Vậy kiến trúc truyền thống có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

KTS. Lê Cao Anh: Đối với tôi nói riêng và Lab Concept nói chung, kiến trúc truyền thống là trách nhiệm, là nền tảng để chúng tôi tư duy và sáng tạo ra những cái mới, đặc biệt đó còn là niềm tự hào dân tộc nữa. Kiến trúc là một phần công việc của ngành văn hóa, mà một đất nước chỉ không bao giờ mất đi khi nền văn hóa của nó vẫn còn tồn tại. Vì thế, việc duy trì được nền văn hóa truyền thống Việt Nam và phát triển lên một ngưỡng mới, hợp với thời đại mới, đó là trách nhiệm của tất cả mọi người, đặc biệt là những người làm văn hóa, trong đó có các kiến trúc sư.

PV: Theo kiến trúc sư, chúng ta có thể làm gì để kế thừa và phát huy lối kiến trúc truyền thống, kiến trúc xanh mà những thế hệ trước đã từng phát triển?

KTS. Lê Cao Anh: Theo đuổi kiến trúc truyền thống ở hiện tại, không có nghĩa là làm công trình thì phải có nét ngày xưa như hình thái của ngôi nhà cha ông để lại. Công trình Bắc Hồng đặt trong không gian làng cổ ven đô nên mới có nét xưa cũ như vậy. Hơn nữa, không phải công trình nào cũng có thể áp công nghệ của kiến trúc truyền thống vào. Công trình thấp tầng mới có thể lợp được mái ngói, xây được tường dày như vậy. Còn nếu làm một chung cư cao tầng, chúng ta rất cần sử dụng những công nghệ mới tiên tiến hơn. Thế giới đang phát triển đi lên, chúng ta không nên kéo lùi nó lại chỉ để cố níu giữ những điều xưa cũ.

Đơn giản thôi, ở thời điểm nào cũng vậy, công trình tạo ra được môi trường sống tốt cho con người thì đó đã là truyền thống rồi. Truyền thống ngày xưa chính là khi ông cha ta tạo ra được môi trường sống tốt cho mình. Rồi sau khoảng 100 năm nữa, thế hệ sau nhìn lại sẽ cho rằng kiến trúc của chúng ta giờ đây chính là một phần của truyền thống.

Đôi khi, thuận theo tự nhiên lại chính là đang gìn giữ truyền thống. Quan trọng nhất là khi sống ở trong ngôi nhà đó, mỗi người sẽ cảm thấy thực sự thoải mái về tinh thần, được “sạc pin” và bồi đắp những nguồn năng lượng tích cực nhất.

PV: Xin cảm ơn kiến trúc sư vì những chia sẻ!


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top