Aa

Tìm lối ra cho gần 4.000 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm

Thứ Hai, 26/08/2019 - 14:30

Sau hai lần đấu giá thất bại, TP.HCM đang tính toán đấu giá lần ba 3.790 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm.

Để đấu giá thành công, các doanh nghiệp cho rằng chính quyền nên chia khối căn hộ trên ra làm nhiều gói để phù hợp với tài chính của doanh nghiệp hoặc có thể cho người dân đấu giá lẻ từng căn.

Trả ngay 10.000 tỷ đồng, doanh nghiệp không đủ tiền mua

Trong quá trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM đã cho doanh nghiệp xây dựng 12.500 căn hộ để dành cho tái định cư khi thu hồi đất. Sau đó, TP.HCM giao cho Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm mua lại quỹ nhà của doanh nghiệp để phục vụ tái định cư cho việc giải tỏa năm phường ở Thủ Thiêm. 

Thế nhưng, phần lớn người dân lại lựa chọn phương thức nhận tiền và tự lo chỗ ở, nên quỹ nhà tái định cư không sử dụng hết, để trống vài năm nay. Riêng dự án của liên danh Thuận Việt - Sacomreal nằm trong khu 12.500 căn tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện vẫn là tài sản của doanh nghiệp do thành phố chưa trả tiền, nay thành phố không có nhu cầu mua nữa thì doanh nghiệp tự kinh doanh.

Năm 2017, thành phố đã tổ chức đấu giá cho 3.790 căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm với mức giá khởi điểm là 8.800 tỷ đồng nhưng không có doanh nghiệp nào tham gia. Trong 3.790 căn hộ đem đấu giá có 2.200 căn do Công ty Thuận Việt xây dựng và 1.590 căn do Công ty Đức Khải xây dựng. 

Năm 2018, TPHCM tiếp tục đấu giá lần thứ hai và mức giá khởi điểm là 9.100 tỷ đồng và vẫn không có doanh nghiệp nào tham gia. Sắp tới, TPHCM sẽ tổ chức đấu giá lần thứ ba với mức giá khởi điểm là 9.900 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, lẽ ra sau hai lần đấu giá thất bại, thành phố phải hạ giá để đấu giá thành công nhưng ngược lại tăng giá là điều vô lý.

Sau hai lần đấu giá thất bại, TPHCM tiếp tục cho đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư ở Thủ Thiêm lần thứ ba, với mức giá khởi điểm 9.900 tỉ đồng. Ảnh: Thành Hoa.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết, với giá bán đưa ra gần 10.000 tỷ đồng cho 3.790 căn hộ, tức bình quân khoảng hơn 2,5 tỷ đồng/căn là mức chấp nhận được so với mức giá bán căn hộ hiện nay tại khu vực quận 2. Trong khi đó, căn hộ New City, là căn hộ tái định cư trong chương trình 12.500 căn hộ Thủ Thiêm nhưng có giá bán lên đến 70 triệu đồng/m2.

Dù giá cả được cho là “rẻ” so với các căn hộ cùng vị trí lân cận nhưng doanh nghiệp vẫn e ngại vì dự án đã xuống cấp khi không có người ở. Nếu mua, doanh nghiệp phải mất thêm tiền sửa chữa, đó là chưa kể doanh nghiệp không biết được chất lượng xây dựng như thế nào, nếu dân vào ở có vấn đề xảy ra thì doanh nghiệp mất uy tín.

Một nguyên nhân nữa khiến hai lần đấu giá thất bại là việc thành phố yêu cầu đóng ngay một khoản tiền lớn nên doanh nghiệp không thể xoay xở được. 

Cụ thể, theo phương án được phê duyệt, giá trị quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất có tổng giá trị khoảng 9.936 tỷ đồng. Theo quy định, doanh nghiệp khi tham gia đấu giá phải ký quỹ 20% giá khởi điểm. Nếu đơn vị trúng đấu giá thì trong vòng một tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá, 50% còn lại nộp trong vòng 90 ngày.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, bài toán tài chính mà TP.HCM đưa ra cho doanh nghiệp là quá khó. Với mức ký quỹ 20%, doanh nghiệp tham gia đấu giá phải bỏ ra hơn 1.800 tỷ đồng, rồi ba tháng sau phải nộp ít nhất khoảng gần 7.000 tỷ đồng nữa là điều rất khó với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

Tuy nhiên, theo giải thích của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP.HCM), thành phố có chủ trương bán theo cụm vì bán trọn gói sẽ giúp thành phố thu tiền một lần để dùng vào các chương trình trọng điểm khác thay vì bán lẻ sẽ phải thu quanh năm.

Chia nhỏ bán có dễ hơn?

Để giải quyết việc khiếu nại bồi thường cho người dân ở khu đô thị Thủ Thiêm, chính quyền TP.HCM đã đề nghị Sở Xây dựng TP.HCM nghiên cứu phương án có thể cho người dân tham gia đấu giá trực tiếp từng căn hộ tái định cư tồn kho tại Thủ Thiêm.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết nếu lần tới đấu giá không thành công, Sở Xây dựng TP.HCM cần nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo thành phố phương án để giải quyết số lượng căn hộ nói trên, vì để càng lâu càng xuống cấp. Phương án TP.HCM có thể tính tới là cho người dân đấu giá từng căn hộ hoặc cho cán bộ công chức chưa có nhà ở được đấu giá.

Dù giá bán được cho là “rẻ” so với các căn hộ cùng vị trí lân cận nhưng doanh nghiệp vẫn e ngại vì dự án đã xuống cấp khi không có người ở. Ảnh: Thành Hoa

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản và các chuyên gia cho rằng TP.HCM cần cân nhắc việc chia nhỏ các gói để số tiền thanh toán phù hợp hơn với doanh nghiệp thì mới hy vọng đấu giá thành công ở lần thứ ba này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đề xuất TP.HCM nên chia các căn hộ đấu giá thành bốn gói khác nhau. Trong đó, có ba gói dành cho doanh nghiệp với khoảng 1.000 căn hộ mỗi gói; còn lại 790 căn thì bán đấu giá lẻ cho người dân mua trực tiếp.

“Khi chia nhỏ thành các gói như vậy, doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận hơn vì phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp. Còn người dân có nhu cầu mua nhà ở quận 2 cũng có thể đấu giá để mua”, ông Châu nói.

Có cái nhìn bi quan hơn, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM nhận định dù chia nhỏ thành các gói thì vẫn khó thu hút doanh nghiệp. 

“Mỗi căn hộ có giá trung bình 2,6 tỷ đồng/căn, để bán có lời thì doanh nghiệp phải nâng thêm 30%. Tuy nhiên, với dự án tái định cư, việc nâng giá rất khó dù vị trí của các căn hộ trên rất tốt. Tâm lý của người dân là nếu bỏ tiền tỷ mua căn hộ thì sẽ mua căn vừa xây xong thay vì những chung cư bỏ hoang một thời gian dài, nay trùng tu lại”, vị này phân tích.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top